Những cuộc ‘ly hôn’ trăm tỷ của đại gia Việt

Thứ năm, 18/09/2014, 15:42
Từ đầu năm, thị trường chứng khiến nhiều cuộc “ly hôn” của đại gia Việt thông qua phương thức bán số lượng cổ phần nắm giữ tại công ty liên kết và thu về nhiều tỷ đồng.

Đua nhau “ly hôn”

Mới đây, công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Xuất nhập khẩu HFC Việt Nam (HFC) công bố giao dịch mua và bán cổ phiếu SAM của công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sacom. Theo đó, ngày 10/9/2014, HFC đã bán gần 15,7 triệu cổ phiếu SAM, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 15,82% xuống còn 3,82% - tương đương 5 triệu cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn. Điều đáng nói, HFC bán cổ phiếu SAM chỉ sau nửa tháng mua vào 20,7 triệu cổ phiếu SAM.

“Những đứa con” của bầu Hiển cũng đang có xu hướng rời xa nhau.
“Những đứa con” của bầu Hiển cũng đang có xu hướng rời xa nhau.

Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) là gương mặt nổi bật khi bán hàng loạt cổ phiếu dầu khí với lý do chung “cơ cấu danh mục đầu tư”. Trong đó, cổ phiếu PVS của tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam bị bán ra nhiều nhất. Giữa tháng 9, PVComBank đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu trên tổng số hơn 21 triệu cổ phiếu PVS mà ngân hàng này nắm giữ.

Giao dịch dự kiến thực hiện khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 22/9 đến 17/10/2014. Trước đó, ngày 4/9/2014, PVcomBank đã bán ra thành công 5 triệu cổ phiếu PVS. Không chỉ có vậy, PVcomBank còn giảm tỷ lệ sở hữu tại PVL, PV2, PVV và không còn là cổ đông lớn tại những công ty này nữa.

Một thương vụ đáng chú ý khác của PVcomBank chính là ngân hàng này đăng ký thoái vốn hoàn toàn khỏi PVD. Sau khi bán thỏa thuận thành công 4 triệu cổ phiếu PVD của tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí, PVComBank tiếp tục đăng ký bán toàn bộ 4,55 triệu cổ phiếu PVD (1,65% vốn điều lệ) mà ngân hàng này sở hữu.  Giao dịch dự kiến khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 19/9 đến 18/10/2014. Nếu thành công, PVcomBank chính thức không còn là cổ đông của PVD.

“Những đứa con” của bầu Hiển cũng đang có xu hướng rời xa nhau khi công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đăng ký bán 2,8 triệu cổ phiếu SHB trên tổng số 22,33 triệu cổ phiếu mà công ty này nắm giữ của SHB (2,52% số lượng cổ phiếu lưu hành). Tuy nhiên, lý do mà SHS đưa ra không phải cơ cấu danh mục đầu tư mà là để giảm tỷ lệ đầu tư theo quy định. Cách đây chưa đến 1 tuần, SHB đã đăng ký bán 3,4 triệu cổ phiếu SHS trong khoảng thời gian từ 15/9 đến 30/9/2014.

Một đại gia khác trên sàn chứng khoán là tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - công ty Cổ phần (Đạm Phú Mỹ - DPM) cũng tham gia trào lưu “ly hôn”. DPM vừa công bố đã hoàn tất thoái vốn khỏi Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí-CTCP (PVC). Cụ thể, DPM đã bán toàm bộ hơn 2,5 triệu cổ phiếu PVC và hiện không còn là cổ đông của PVC. Giao dịch được thực hiện từ 29/8 đến 16/9/2014.  Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa ra thông báo đã bán toàn bộ 3,9 triệu cổ phiếu DQC của công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. SCIC hoàn tất thoái vốn tại công ty này.

Thu về trăm tỷ

Có nhiều lý do để các đại gia trên sàn chứng khoán "chia tay". Nhưng dù với lý do gì thì kết quả chung mà các đại gia nhận được vẫn là những khoản tiền khổng lồ. Sau khi thoái vốn thành công khỏi DQC, SCIC thu về khoảng 179 tỷ đồng. Quy mô thoái vốn này của SCIC được tính theo giá đóng cửa của DQC tại ngày 15/9 - thời điểm giao dịch được hoàn tất. Mặc dù thoái vốn nhưng SCIC và DQC vẫn chưa “chia tay” hoàn toàn khi ông Hồ Quỳnh Hưng, đại diện SCIC tại DQC hiện vẫn giữ 2 vị trí chủ chốt của DQC là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Cá nhân ông Hưng nắm giữ 597.972 cổ phiếu DQC.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí cũng kiếm được trăm tỷ nhờ thoái vốn khỏi PVC. Trong thời gian diễn ra giao dịch, thị giá cổ phiếu DPM dao động từ 32.500 - 44.800 đồng/CP. Như vậy, số tiền DPM thu về từ việc thoái vốn ước đạt từ 82 - 113 tỷ đồng. Tính cả 2 đợt thoái vốn, lãi gộp DPM thu được từ cổ phiếu PVC ước đạt từ 72 - 104 tỷ đồng.

Thương vụ của “những đứa con” bầu Hiển chưa diễn ra nhưng nếu giá cổ phiếu không có nhiều biến động mạnh thì SHS có thể thu về khoảng 26 tỷ đồng nhờ bán SHB. SHB có thể kiếm được 43 tỷ đồng nhờ bán SHS. Sau khi bán 15,7 triệu cổ phiếu SAM, HFC thu về khoảng 190 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn nhưng không thấm vào đâu so với những gì PVcomBank nhận được khi thoái vốn khỏi hàng loạt công ty dầu khí tên tuổi.

Chỉ riêng ngày 4/9, PVS đã mang lại cho PVcomBank khoảng 200 tỷ đồng. Nếu bán thành công 10 triệu cổ phiếu PVS nữa, PVcomBank có thể thu về hơn 430 tỷ đồng nữa. Những đợt bán cổ phiếu PVL, PV2, PVV mang về cho PVComBank thêm những khoản tiền khiêm tốn hơn. Trong khi đó, nhờ bán PVD, PVcomBank có thể kiếm được hơn 450 tỷ đồng.

Theo VTCNews

Các tin cũ hơn