VCCI: Ngành thép không lo bị trả đũa vì ‘chơi’ đúng luật

Thứ sáu, 19/09/2014, 09:09
Trưởng ban Pháp chế VCCI - Đậu Anh Tuấn cho rằng việc đánh thuế chống bán phá giá thép không gỉ ngoại trước mắt có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhập khẩu, song sẽ có lợi lâu dài cho sản xuất trong nước.

Sau hơn 1 năm điều tra, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp của Đài Loan bị đánh thuế cao nhất lên tới 37,29%. Đối với Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá dao động từ 4,64 đến 6,87%, Indonesia là 3,07% và Malaysia 10,71%.

Sau khi Quyết định được đưa ra, nhiều ý kiến lo ngại Việt Nam có thể bị trả đũa, nhà nhập khẩu đối mặt nguy cơ phá sản bởi không có nguồn nguyên liệu thay thế. Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn chia sẻ quan điểm về vấn đề này với báo chí sáng 18/9.

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cũng là lúc các nhà nhập khẩu lo ngại phải đối mặt với nguy cơ phá sản khi không có nguyên liệu thay thế. Ông chia sẻ thế nào về điều này?

Thực ra khi một chính sách đưa ra có thể khiếm doanh nghiệp này có lợi và đơn vị khác bị ảnh hưởng. Việc chúng ta áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ sẽ có lợi cho nhà sản xuất trong nước nhưng sẽ gây thiệt hại cho nhà nhập khẩu. Điều đó cũng có thể hiểu được bởi lợi ích mỗi ngành nghề đều đan xen nhau. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng việc áp thuế sẽ tạo lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng.

Khi xuất hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá thì trước mắt giá có thể giảm nhưng nhà sản xuất trong nước sẽ bị triệt hạ, và xét về lâu dài, giá thép sẽ tăng. Phải áp thuế để bảo vệ các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, từ đó cả cộng đồng kinh doanh và nền kinh tế sẽ có lợi. Thực ra thuế chống bán phá giá là công cụ phổ biến mà nhiều nước đã áp dụng. Việt Nam lần đầu tiên áp dụng và tôi cho rằng việc này là đáng khích lệ. Khi nền kinh tế của Việt Nam cũng như thị trường nước nhà “mở toang” thì đây là công cụ phòng vệ hữu ích đối với doanh nghiệp.

tuan-4767-1411031597.jpg

Ông Đậu Anh Tuấn: Việt Nam lần đầu tiên áp thuế chống bán phá giá và điều này đáng khích lệ. Ảnh: VCCI.

Việt Nam sẽ phải đối phó thế nào trước nguy cơ bị trả đũa về kinh tế khi áp thuế nhất là với Trung Quốc thưa ông?

Tôi không nghĩ là có chuyện trả đũa bởi vì Việt Nam là bị đơn của hàng chục vụ kiện chống bán phá giá rồi, và đây là lần đầu tiên chúng ta là nguyên đơn. Thực tế rất nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu ra các nước đã bị áp thuế và  đây là một công cụ hợp lệ trong khuôn  khổ WTO. Chúng tôi nghĩ rằng việc trả đũa cũng phải theo “luật chơi” dựa trên những căn cứ rõ ràng, nên Việt Nam sẽ không phải lo ngại. Còn trong trường hợp bị trả đũa mà hợp pháp thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tuân thủ đúng luật thôi.

Qua vụ việc này, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là doanh nghiệp Việt Nam có thêm công cụ để phòng vệ tại thị trường trong nước. Điều này cũng chứng tỏ  các cơ quan chức năng của Việt Nam có đủ năng lực để khởi động một cuộc điều tra phức tạp.

Ông nói Việt Nam có thêm một công cụ phòng vệ nhưng thực ra, Pháp lệnh chống bán phá giá ban hành từ năm 2004. Vậy vì sao đến nay chúng ta mới thực hiện?

Để khởi động một cuộc điều tra chống bán phá giá không đơn giản, cần rất nhiều kinh nghiệm và cần một đơn vị khởi xướng. May mắn là đơn vị đầu tiên khởi kiện là Posco, một tập đoàn lớn. Lần này, Posco đóng vai trò nguyên đơn nhưng thực chất doanh nghiệp này đã từng là bị đơn của nhiều nước liên quan đến các vụ kiện chống bán phá giá. Nhờ vậy, doanh nghiệp có kinh nghiệm, có nguồn lực, có kỹ năng trong việc kiện cáo.

Chi phí thuê được luật sư trong các vụ chống bán phá giá khoảng một triệu đôla. Ý kiến ông thế nào trước quan điểm nguồn lực yếu là trở ngại lớn nhất khiến doanh nghiệp việt khó thắng trong các cuộc chiến pháp lý trước đây?

Thực ra những vụ kiện chống bán phá giá không bao giờ miễn phí mà chúng ta phải xác định thẳng thắn với nhau là nó rất tốn kém. Trong mỗi vụ kiện, chúng ta phải mất phí thuê luật sư, phí thu thập thông tin. Ngay cả cơ quan Nhà nước thu thập thông tin cũng không phải dễ và phải hiểu luật chơi. Đây chính là điều thách thức nhất đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Ban đầu có thể khó khăn song tôi tin thời gian tới với tiền lệ lần này, doanh nghiệp tư nhân sẽ có ý thức tự bảo vệ mình hơn.

Doanh nghiệp cho rằng, hiện hành lang pháp lý hiện đã đủ dài đủ rộng cho doanh nghiệp có thể tự tin tham gia vào các vụ kiện, vậy, sắp tới cần có giải pháp gì để khắc phục điều này?

Khuôn khổ pháp lý có thể bất cập,  cơ quan quản lý sẽ đề xuất  sửa đổi và chắc chắn trong thực tiễn sẽ ngày càng hoàn thiện hơn. Mong muốn của chúng tôi là thời gian tới thị trường cạnh tranh lành mạnh, để tất cả doanh nghiệp và người tiêu dùng được hưởng lợi.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn