Sau nhiều lần tưởng thay đổi nhà đầu tư, cùng với những ưu đãi của địa phương, đến nay, số phận của dự án khủng này vẫn chưa biết đi về đâu ngoài lời hứa sẽ tiếp tục triển khai vào tháng 9/2015. Như vậy, sau khi khởi động, chậm trễ kéo dài, nhà đầu tư cam kết khởi công các hạng mục chính vào tháng 3/2010 rồi tiếp tục bỏ hoang. Đến cuối 2012 lại cam kết khởi công vào tháng 7/2013, sau đó lại khất đến tháng 7/2014 và nay là tháng 9/2015.
|
Minh họa: Khều. |
“Hiện chúng tôi vẫn đang hoàn tất các hồ sơ, dữ liệu cũng như những kiến nghị của nhà đầu tư, báo cáo lãnh đạo tỉnh và Bộ KH&ĐT để xin ý kiến”, ông Lê Văn Dũng – Phó Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất cho biết.
Sau nhiều kỳ vọng, cho đến nay, dự án thép 4,5 tỷ USD ở khu kinh tế (KKT) Dung Quất hầu hết mang lại nỗi thất vọng cho người dân và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Theo Ban quản lý KKT Dung Quất, dự án thép Guang Lian được cấp chứng nhận đầu tư vào năm 2006 với vốn ban đầu khoảng 1 tỷ USD. Đến nay, khi đã được giao hơn 700 ha (bao gồm cả mặt nước) và nhiều lần gia hạn, Guang Lian vẫn chưa thể cho ra sản phẩm thép.
Ngay sau khi JFE quyết định dừng đầu tư, tập đoàn E-United đã làm văn bản cam kết với UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục triển khai dự án và điều chỉnh một số hạng mục. Với những đề nghị này của nhà đầu tư Đài Loan, Ban quản lý KKT Dung Quất ghi nhận và sẽ báo cáo lại với tỉnh Quảng Ngãi cùng Bộ KH&ĐT xem xét quyết định.
Cụ thể, dự án được cấp phép từ năm 2006, do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD. Sau đó, Tập đoàn E-United (Đài Loan) hợp tác với Tycoons để cùng thực hiện và nâng vốn dự án lên 3 tỷ USD. Đầu năm 2012, Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) quyết định góp vốn cùng E-United nghiên cứu, tiếp tục triển khai dự án, nâng mức vốn đầu tư lên 4,5 tỷ USD.
Được biết, khi các chủ đầu tư này khởi động dự án ở Quảng Ngãi đã được ưu đãi khá nhiều bởi đây cũng là dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, được hưởng mức ưu đãi cao nhất về đất đai, thuế, giá bán điện, nước... theo quy định.
Ngay sau đó, khi JFE tham gia dự án đã kiến nghị nhiều ưu đãi khác mà sau đó, thông qua UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiến nghị lên Chính phủ cho phép nhà đầu tư áp dụng phương thức ứng trả trước một phần chi phí giải phóng mặt bằng và sẽ hoàn trả cho nhà đầu tư thông qua việc khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan cho phép nhà đầu tư được hưởng mức các ưu đãi: thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm bằng 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Năm 2013, JFE tiếp tục đề nghị Quảng Ngãi trình Chính phủ ưu đãi như bổ sung 210 ha đất, mặt nước để nâng tổng diện tích dự án lên hơn 700 ha. Ngoài ra, JFE yêu cầu tỉnh này đảm bảo đủ nước công nghiệp cung cấp 200.000m3 mỗi ngày, kết nối mạng lưới điện quốc gia... Đồng thời xin lùi đến tháng 7 năm nay khởi công, thay vì tháng 7/2013 theo kế hoạch.
Mặc dù vậy, Chính phủ đã bác nhiều đề nghị trên, chỉ đồng ý giảm 10% thuế thu nhập DN trong 15 năm chứ không phải vô thời hạn. Đây có thể được coi là một trong những nguyên cớ để JFE bắt đầu tháo lui khỏi dự án thép Guang Lian.
|
Sau 8 năm, dự án tỷ đô vẫn chỉ là những cọc nhồi và bãi cỏ cho bò ăn. |
Mặc dù dự án thép tỷ đô đến nay vẫn chỉ là bãi đất hoang và chỉ mới có những hạng mục như khối nhà ở công nhân, san lấp mặt bằng, tường rào, cọc xây nhà máy sản xuất... với tuyên bố của nhà đầu tư là những hạng mục này cùng các chi phí phát sinh khác là khoảng 40 - 50 triệu USD.
Tuy nhiên, khi được hỏi, lãnh đạo Ban quản lý KKT Dung Quất cũng như lãnh đạo tỉnh đều cho hay, khả năng thu hồi dự án hiện nay vẫn chưa được tính đến. Ngoài ra, hiện nội dung cuộc họp ngày 19/9 mới đây và những kiến nghị của nhà đầu tư tại cuộc họp này vẫn chưa được tiết lộ cho báo chí biết thông tin.
Được biết, ngay sau khi JFE quyết định dừng đầu tư, tập đoàn E-United đã làm văn bản cam kết với UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục triển khai dự án và điều chỉnh một số hạng mục.
Với những đề nghị này của nhà đầu tư Đài Loan, Ban quản lý KKT Dung Quất ghi nhận và sẽ báo cáo lại với tỉnh Quảng Ngãi cùng Bộ KH&ĐT xem xét quyết định. Theo nội dung văn bản kiến nghị, Tập đoàn E-United, cam kết sẽ khởi công dự án vào tháng 9/2015.
Quảng Ngãi nên rút giấy phép Chiều 23/9, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: Dự án nhà máy thép Guang Lian không có nguồn nguyên liệu quặng sắt và than cốc trong nước. Như vậy, 100% nguyên liệu phục vụ nhà máy phải nhập khẩu, sản phẩm làm ra giá trị gia tăng sẽ không cao, trong khi Việt Nam lại phải gánh hậu quả ô nhiễm môi trường nặng nề. “Dự án này cũng đề xuất lâu rồi, giờ chưa triển khai được. Có lẽ tỉnh Quảng Ngãi nên mạnh tay rút giấy phép đầu tư của họ”, ông Sưa nói. Theo ông Sưa, hiện nhiều nước trên thế giới sản xuất thép dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ, như Trung Quốc, công suất lên tới 1,1 tỷ tấn thép mỗi năm, nhưng nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 800 triệu tấn/năm. Tại Việt Nam, một số loại thép trong nước sản xuất được cũng dư thừa (gần gấp đôi nhu cầu thị trường), như phôi thép, thép xây dựng, thép ống, thép tôn mạ… Chỉ một số sản phẩm thép chưa sản xuất được phải nhập khẩu, như thép tấm cuộn cán nóng phải nhập khẩu gần như 100% (mỗi năm nhập khoảng 5 triệu tấn). Tuy nhiên, hiện Formosa đang có dự án thép khổng lồ tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), có lẽ quá dư thừa các mặt hàng thép. Thời gian qua, không chỉ Dự án nhà máy thép Guang Lian chậm triển khai, nhiều dự án khác ban đầu cũng hô hào rất hoành tráng, với vốn đầu tư đăng ký hàng tỷ đô la Mỹ (USD), nhưng sau đó không thấy động tĩnh gì. Trước thực tế này, Phó Chủ tịch VSA cho rằng, hiện việc thẩm định năng lực nhà đầu tư, dự án của mình còn nhiều bất cập. “Quan trọng nhất phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức trước quốc gia. Còn trình độ cán bộ không phải ai cũng kém, chỉ trách nhiệm chưa cao”, ông Sưa nói. |
Theo Tiền Phong