Vụ sếp của Ngọc Trinh xin lỗi VietJet: Chiêu PR mới?

Thứ ba, 23/09/2014, 07:59
Chiến dịch quảng cáo bằng hình ảnh người mẫu ăn mặc “mát mẻ” của VJA trong một môi trường kinh doanh và đặc thù văn hoá khá nhạy cảm như ở Việt Nam tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Ba ngày sau khi một số trang mạng, diễn đàn đăng tải những bức ảnh nhóm người mẫu Venus chụp hình cùng máy bay VietJet gây ồn ào dư luận, ông Vũ Khắc Tiệp - Giám đốc công ty Venus đã chính thức lên tiếng xin lỗi và khẳng định đó là những hình ảnh hậu trường trong lúc chụp hình của dàn người mẫu, không phải hình ảnh chính thức.

Vụ sếp của Ngọc Trinh xin lỗi VietJet: Chiêu PR mới?
Cả VJA và Venus đều khẳng định hình ảnh dàn người mẫu Venus chụp cùng máy bay VietJet là hình ảnh hậu trường bị rò rỉ, không phải hình ảnh chính thức của VietJet.

Ông Tiệp cho rằng: "Việc rò rỉ này nằm ngoài sự kiểm soát và Venus chính thức xin lỗi VietJet. Vì hầu hết hình ảnh đã bị sao chép từ Facebook của các bạn người mẫu, chúng tôi cũng đã tháo gỡ những hình ảnh từ facebook, rất mong VietJet thông cảm”. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xin làm rõ thông tin là tại buổi chụp hình có nhiều người đang làm việc xung quanh đó cũng dùng máy điện thoại chụp hình những người mẫu của chúng tôi và chúng tôi không thể kiểm soát những hình ảnh này”, ông Tiệp giải thích thêm.

Đại diện Venus cho biết vẫn cam kết thực hiện những nội dung bảo mật theo hợp đồng, tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm hạn chế tối đa sự lan truyền của những hình ảnh không đẹp và không chính thức.

Trước đó, ngày 19/9, nhiều trang mạng và diễn đàn đồng loạt đăng tải những bức hình dàn người mẫu công ty Venus trong đó có Ngọc Trinh mặc bikini thực hiện các bức hình được cho là hình ảnh cho một dự án quảng cáo mới của VietJet.

Ngay sau đó, đại diện hãng VietJet cũng chính thức lên tiếng cho biết: "Đây không phải là hình ảnh quảng cáo chính thức của VietJet". "Ngọc Trinh cùng dàn người mẫu của Venus mặc bikini chụp ảnh theo hợp đồng với VietJet, và những hình ảnh này sẽ được sử dụng trong bộ lịch năm mới 2015 của VietJet", đại diện VietJetAir (VJA) khẳng định.

Tuy nhiên, dù là “hậu trường” hay “không chính thức” thì loạt ảnh quảng cáo có hình các cô người mẫu cũng đã khiến cho dư luận được một phen râm ran.

“Ai cũng đua nhau nhắc đến tên của VJA khi bình phẩm về các cô người mẫu. Đúng ý VJA quá còn gì”, ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc chiến lược thương hiệu công ty Richard Moore Associations bình luận.

Theo ông Sơn, đây cũng không phải lần đầu tiên VJA sử dụng hình ảnh các cô chân dài gợi cảm trong quảng cáo của họ. Ngay từ khi mới ra mắt, VJA đã chọn định vị là khác biệt thương hiệu bằng yếu tố cảm xúc. Loạt ảnh quảng cáo của họ đều chung một "style" như nhau nhằm mục đích xây dựng một hình ảnh hãng hàng không vui nhộn và trẻ trung.

Quảng cáo này của VJA khá khác biệt. Tất nhiên khi chọn khác biệt bằng cảm xúc nhờ chất xúc tác là chân dài, VJA sẽ phải chấp nhận phản ứng trái chiều. Đàn ông thích thì phụ nữ ghét. Phổ thông thấy phù hợp thì dân sang chảnh xua tay đây đẩy. Người trẻ thích thì người trung tuổi chê. VJA cũng chả cần làm hài lòng tất cả. Họ chỉ cần gây chú ý đối với tượng khách hàng mục tiêu của họ thôi, ông Sơn phân tích.

Ở góc độ của một chuyên gia xây dựng thương hiệu và từng làm tư vấn xây dựng thương hiệu cho VJA, ông Sơn cho rằng: Cách nhanh nhất để giết chết một sản phẩm tồi là quảng cáo thật nhiều về nó. Quảng cáo càng “hay” sản phẩm càng dễ tổn thương. Nó sẽ tạo hiệu ứng truyền thông hai chiều.

Tuy nhiên, tại những thời điểm nhạy cảm như thế này, nếu VJA có sự cải tiến rõ rệt về chất lượng dịch vụ (ít delay thấy rõ, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp hơn…) thì đây là một cái ngòi nổ hiệu quả để lan truyền tích cực về VJA.

Nhưng trái lại, VJA lại liên tiếp “dính” những vụ lùm xùm khác, chẳng hạn như thông tin nhân viên của VJA quát một hành khách tham gia chuyến bay VJ 8690 “Anh đừng sủa nữa!”, cùng thời điểm bộ hình quảng cáo VJA bị rò rỉ.

Dù đại diện VJA đã lên tiếng khẳng định “nhân viên Vietjet không ai làm việc đó” và đang thuê luật sư để làm rõ vụ này, nhưng việc này ít nhiều cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của hãng.

Hay mới đây nhất, chiều 22/9, báo chí phản ánh việc một hành khách mua v​é của hãng VJA từ TP.HCM đi Hà Nội chuyến 6h35 sáng ngày 15/9, nhưng 22h30 đêm 14/9 hãng hàng không Vietjet Air thông báo hoãn đến 11h trưa, sau đó lại tiếp tục hoãn đến 12h vì “trục trặc kỹ thuật”. Để bồi thường cho khách, hãng này đã “tặng” mỗi người một phiếu ăn trưa miễn phí cho hành khách trễ chuyến. Trị giá của phiếu ăn này khoảng 40.000 đồng.

Bản thân chiến dịch quảng cáo bằng hình ảnh người mẫu ăn mặc “mát mẻ” của VJA trong một môi trường kinh doanh và đặc thù văn hoá khá “nhạy cảm” như ở Việt Nam đã tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Ranh giới giữa sexy (khêu gợi) và sex (phản cảm) chỉ khác nhau một chữ “Y”. Nếu như bộ bikini đừng bó sát quá. Tư thế chụp hình của các cô người mẫu đừng thoáng quá thì có lẽ sẽ không có nhiều ý kiến khen chê đến vậy. Nhưng biết đâu “kín kẽ” quá lại chẳng tạo dông bão được như vậy, ông Sơn phân tích.

Theo Nhịp sống KD

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích