Doanh nghiệp Việt thực sự không làm nổi ốc vít cho Samsung?

Chủ nhật, 21/09/2014, 10:59
Samsung đang tìm kiếm doanh nghiệp Việt làm "vệ tinh" cho việc sản xuất của tập đoàn này ở Việt Nam. Nhưng nhiều ý kiến còn băn khoăn về khả năng thực sự của doanh nghiệp Việt.

Phóng viên phỏng vấn TS Phạm Thế Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam).

Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp Việt không làm nổi ốc vít cho Samsung. Quan điểm của ông như thế nào, thưa ông?

- Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là nền tảng của mọi vấn đề. Muốn làm ra một sản phẩm đạt chất lượng, công nghệ phải rất hiện đại với nguồn gốc là cơ chế chính xác. Nhưng doanh nghiệp Việt chủ yếu sử dụng trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, không phải là công nghệ thuộc thế hệ tối tân. Cho nên sản phẩm làm ra không đạt độ chính xác cao, chất lượng không đảm bảo yêu cầu.

Ví dụ để làm được cái ốc vít, phải có máy tiện rất hiện đại, độ chính xác cao, vòng quay cực lớn cũng như trục phải rất phẳng. Nếu quay không đều sẽ gây ra vênh váo, tạo ra ốc vít cái to cái nhỏ, không đồng đều, như vậy chất lượng không đảm bảo. Chỉ cần một chi tiết không đồng bộ sẽ phá hỏng cả sản phẩm cuối cùng. Cho nên việc có ý kiến nói doanh nghiệp Việt không làm được ốc vít cho Samsung là có căn cứ và cơ sở.

TS Phạm Thế Hưng.
TS Phạm Thế Hưng.

- Vậy theo ông, những tập đoàn đa quốc gia như Samsung hay Nokia, Canon, Toyota… có thực sự muốn doanh nghiệp Việt làm vệ tinh cho họ?

- Một chiếc ôtô có hàng vạn chi tiết, bản thân nhà máy tổ chức sản xuất cũng không thể sản xuất hết được các chi tiết cho nên họ phải đưa đi các nước. Mong muốn của họ là tạo ra được những nơi sản xuất trang thiết bị đáp ứng nhu cầu của họ. Cho nên những tập đoàn đa quốc gia hoàn toàn muốn đặt hàng doanh nghiệp Việt chế tạo linh phụ kiện cho họ.

- Tại hội thảo kết nối Samsung với hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt bày tỏ băn khoăn về đầu ra của sản phẩm. Họ muốn Samsung ký hợp đồng khung trước khi họ đầu tư trang thiết bị song Samsung đã từ chối. Vậy doanh nghiệp có nên làm sản phẩm khi không rõ đầu ra có được Samsung tiếp nhận hay không?

- Nếu thế thì không nên. Nếu doanh nghiệp chưa có đối tác nào đặt hàng đã đi vào sản xuất thì sẽ lao vào vũng bùn, không lối thoát. Tôi khuyên bất kể doanh nghiệp sản xuất gì đều phải qua ba giai đoạn. Một là tính toán nhu cầu thực tiễn từ mẫu mã, số lượng, chất lượng… Hai là có được nhà máy để sản xuất. Ba là phải tính được đầu ra của sản phẩm cuối cùng, nếu không sẽ rơi vào tình trạng không biết phải làm gì.

Cho nên trước khi bắt tay làm sản phẩm, doanh nghiệp phải làm việc rõ với đối tác xem họ cần gì ở doanh nghiệp, số lượng bao nhiêu, chất lượng thế nào, và quy định rất rõ ràng về đầu ra. Từ đó xem khả năng doanh nghiệp có làm được hay không, nếu không làm được vậy thì không nên làm.

- Vậy đầu tư vào ngành CNHT có phải là một hướng đi hợp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thưa ông?

- Đúng vậy. Mỗi sản phẩm của ngành CNHT chỉ là một mắt xích trong chuỗi các linh kiện phụ tùng làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh. Cho nên lượng vốn đầu tư để sản xuất những chi tiết ấy không lớn, chỉ bằng một phần nhỏ trong việc sản xuất ra sản phẩm đó. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng đáp ứng việc sản xuất các linh kiện, phụ tùng mà doanh nghiệp lớn không làm.

- Từ đầu thế kỷ 21, việc phát triển CNHT đã được đưa ra, nhưng đến nay mục tiêu vẫn chưa đạt được. Một trong những nguyên nhân được Bộ Công Thương nói đến là dung lượng thị trường chưa lớn. Vậy dung lượng thị trường có ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành CNHT, thưa ông?

- Họ nói vậy vừa đúng vừa không đúng. Đúng ở những lĩnh vực sản xuất nhỏ lẻ, số lượng không lớn. Không đúng ở chỗ chúng ta có thể sản xuất hàng loạt ở những lĩnh vực chúng ta có tiềm năng, thế mạnh. Dung lượng thị trường của một nước đã là lớn, nay chúng ta đã hội nhập quốc tế, thị trường đã trải rộng ra hàng trăm nước trên thế giới.

Do đó nếu xác định đúng lĩnh vực để tập trung phát triển thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt mục tiêu phát triển ngành này.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Hải quan

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích