Doanh nhân Việt Nam được ví như số phận nàng Kiều

Thứ bảy, 20/09/2014, 14:52
10 năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm do ảnh hưởng của cơ bão suy thoái toàn cầu, và những người chủ doanh nghiệp cũng được nhìn nhận là không thể đứng ngoài vòng xoáy đó.

Phát biểu tại diễn đàn doanh nhân Việt Nam tổ chức cuối tuần này, dù tự nhận mình là dân "ngoại đạo" bởi vốn xuất thân từ ngành ngoại giao, song nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã bộc bạch nhiều tâm tư với cộng đồng lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam.

"Bỗng nhiên tôi nhớ đến số phận nàng Kiều. Doanh nhân Việt Nam cũng vậy, ba chìm bảy nổi chín lênh đênh", ông hồi tưởng lại quá trình phát triển của cộng đồng doanh nhân. Thời phong kiến, doanh nhân bị xếp sau cùng trong các giai cấp "sĩ - nông - công - thương", đến khi đổi mới, đội ngũ này lại phải trải qua không ít thăng trầm do hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

doanh-nhan2.jpg

Diễn đàn doanh nhân Việt Nam đặt mục tiêu 10 năm tới là có được một triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

"Đổi mới, doanh nhân có số phận mới nhưng vẫn lênh đênh", nguyên Phó thủ tướng chia sẻ. Điều này có thể thấy quá sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong một thập kỷ qua. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID) nhận định 10 năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt Nam đáng ra phải thăng nhưng những nốt trầm lại xuất hiện nhiều hơn. "Giai đoạn 2004 - 2007, doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ, song từ năm 2008 trở đi, những nốt trầm đã xuất hiện, đỉnh điểm là năm 2012 cực kỳ khó khăn", bà nói.

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cũng đồng tình khi cho rằng chỉ trong một thời gian không quá dài, doanh nghiệp Việt Nam đã gặp biết bao khó khăn, con số gần 100.000 đơn vị phải rời thị trường là không hề nhỏ.

Thậm chí, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn ví von doanh nhân Việt Nam phải là "bảy nổi ba chìm", phản ánh những khó khăn vất vả trải qua còn lớn hơn so với những điều các chuyên gia hình dung. Nhưng chính từ những khó khăn này, doanh nhân Việt Nam lại càng trưởng thành.

"Doanh nhân Việt Nam đã trải qua thời kỳ khó khăn nhưng càng khó khăn thì bản lĩnh càng được thể hiện, bằng chứng là các đóng góp của doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế", bà Nguyệt Hường cho biết.

Nhận định về tương lai, bà Victoria Kwakwa - Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết doanh nhân Việt Nam sẽ còn nhiều điều kiện phát triển phía trước, khi mà kinh tế toàn cầu đang trên đà hồi phục, Việt Nam lại nằm trong khu vực phát triển năng động nhất, nhu cầu trong nước và niềm tin người tiêu dùng có dấu hiểu cải thiện.

Tuy nhiên, để có thể vươn lên thành một cộng đồng bền vững, các chuyên gia cho rằng giới chủ doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục nhiều điều. Theo ông Vũ Khoan, doanh nhân cần coi trọng hơn chữ tín trong làm ăn và loại bỏ tư tưởng chờ đợi trong sân chơi hội nhập. "Do bao cấp, chúng ta vô hình chung vẫn còn trong đầu cái gen chờ đợi. Nếu muốn vươn lên thành đạt lâu dài, bên cạnh những mặt tích cực phải phát huy, khắc phục những điểm xấu trong gen cũng là điểm cần lưu ý", ông thẳng thăn.

Môi trường kinh tế vĩ mô cũng phải tạo điều kiện cho đội ngũ này phát triển. "Thể chế nào doanh nhân đó, chính vì vậy phải nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng lại hình ảnh của doanh nhân, một trong những động lực cho quá trình phát triển", tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương phát biểu.

Cũng tại diễn đàn, cộng đồng doanh nhân cũng tham gia lễ ký kết và tuyên bố về Chương trình hành động của các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới hai mục tiêu cần đạt được trong vòng 10 năm tới là có được một triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có một số doanh nhân, doanh nghiệp, sản phẩm có thương hiệu tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Theo VnExpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn