Hoàng Kiều: Tỷ phú thế giới muộn màng tuổi 70

Thứ bảy, 20/09/2014, 19:40
Nổi lên muộn màng ở Mỹ, khi đã bước sang tuổi 70 mới vào danh sách tỷ phú thế giới, nhưng tốc độ tăng hạng của ông Hoàng Kiều lại nổi bật. 

Kiếm tỷ USD trong vài tháng

Danh sách cập nhập các tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes vẫn chứng kiến sự áp đảo về số lượng người giàu có của nước Mỹ với gần 500 tỷ phú, trong đó, nhóm các tỷ phú nhập cư tiếp tục tăng và cải thiện mạnh mẽ vị trí của mình.

Hoàng Kiều là một cái tên trong số đó. Tỷ phú gốc Việt này đứng thứ 4 trong số các tỷ phú nhập cư vào Mỹ mới nổi với khối tài sản bất ngờ tăng mạnh từ mức 1,6 tỷ USD trong bảng xếp hạng hồi tháng 3 lên 2,8 tỷ USD.

Báo chí Mỹ nhắc khá nhiều tới doanh nhân 70 tuổi bởi tốc độ tăng hạng chóng mặt và vượt qua rất nhiều tỷ phú Mỹ khác.

Tính tới ngày 19/9, ông Hoàng Kiều đứng ở vị trí thứ 633 trên thế giới và thứ 222 tại Mỹ, cao hơn rất nhiều so với các vị trí tương ứng 1.078 và 360 trong danh sách những người giàu nhất thế giới và Mỹ do Forbes công bố cách đây 6 tháng.

Tên tuổi và giá trị tài sản của tỷ phú Hoàng Kiều trong bảng xếp hạng của Forbes

Tên tuổi và giá trị tài sản của tỷ phú Hoàng Kiều trong bảng xếp hạng của Forbes

Cái tên khá lạ lẫm đối với nước Mỹ - Hoàng Kiều - nhanh chóng được biết đến và được đánh giá cao bởi tốc độ tăng trưởng tài sản cũng như tiềm năng của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế của vị đại gia gốc Việt.

Vị tỷ phú hiện đang sống tại Los Angeles của Mỹ nhưng sở hữu công ty chuyên về huyết tương có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc này chứng kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, lên 28 triệu USD, trong khi doanh thu cũng tăng hơn 80% lên 88 triệu USD.

Ông sở hữu 183,6 triệu cổ phiếu, tương đương 37% vốn của Shanghai RAAS và bắt đầu có tên trong danh sách các tỷ phú của thế giới sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi giữa tháng 1/2014. Khi đó, ông Hoàng Kiều có lượng cổ phiếu trị giá khoảng 1,4 tỷ USD.

Theo Bloomberg, giá cổ phiếu RAAS cũng đã tăng gấp 3 lần trong năm 2013 trước khi IPO. Theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ suất lợi nhuận của RAAS thấp và cổ phiếu đang được giao dịch với P/E (giá/lợi nhuận) lên đến cả trăm lần. Tuy nhiên, giới đầu tư lạc quan đối với lĩnh vực y tế và đánh cược vào khả năng tăng trưởng đột biến của cổ phiếu của ông Hoàng Kiều, nhất là sau khi RAAS thâu tóm một số DN địa phương nhằm mở rộng khả năng cung cấp các sản phẩm y tế.

Tỷ phú Hoàng Kiều hay tham gia tổ chức các cuộc thi sắc đẹp thế giới

Tỷ phú Hoàng Kiều hay tham gia tổ chức các cuộc thi sắc đẹp thế giới

Dấu ấn đậm nét nơi xứ người

Nổi lên muộn màng ở Mỹ, khi đã bước sang tuổi 70 mới vào danh sách tỷ phú thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng hạng của ông Hoàng Kiều là một hiện tượng nổi bật trong danh sách cả nghìn tỷ phú USD của thế giới.

Trên thực tế, trước khi IPO để trở thành công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn, RAAS đã là một DN nổi tiếng, từng lọt top 200 doanh nghiệp vốn hóa dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á năm 2012. Ông Hoàng Kiều cũng từng 3 lần được nhận danh hiệu doanh nhân tiêu biểu của Mỹ và là "công dân danh dự" của chính quyền Thượng Hải.

Thành công của ông Hoàng Kiều là kết quả của quá trình làm việc cật lực hơn 20 năm tại Mỹ và cũng chừng ấy thời gian vận hành Shanghai RAAS tại Trung Quốc. Đúng 40 năm rời xa Việt Nam, ông Hoàng Kiều đã trở thành Việt kiều giàu nhất trên phạm toàn thế giới nhờ nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi của mình.

Trong một khoảng thời gian rất ngắn, xấp xỉ nửa năm, ông Hoàng Kiều đã vượt qua 138 tỷ phú nước Mỹ và đứng trên 22 trong số 24 tỷ phú có cùng số tài sản là 2,8 tỷ USD khác nhờ vào tốc độ tăng trưởng ấn tượng và triển vọng của DN của ông tại thị trường rộng lớn Trung Quốc.

Tỷ phú Hoàng Kiều hay tham gia tổ chức các cuộc thi sắc đẹp thế giới

Cũng như nhiều người gốc Việt giàu có khác, ông Hoàng Kiều trở thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng, từ một thời làm thuê cho phòng thí nghiệm của Abbott, cho tới khi gom góp tiền mở DN kinh doanh sản xuất huyết tương tại Mỹ và rồi tấn công vào thị trường Trung Quốc.

Giờ đây, ông là một trong số khoảng gần chục doanh nhân gốc Việt có tiếng tăm tại Mỹ và đứng đầu trong số này.

Trước đó, giới đầu tư khá quen thuộc cái tên Trần Đình Trường, nguyên là ông chủ của nhiều khách sạn tại New York.

Trong lĩnh vực công nghệ, nhiều doanh nhân gốc Việt cũng rất thành đạt và giàu có, như trường hợp ông Đoàn Trí Trung, Bill Nguyễn, Trung Dung...

Cách đây hơn chục năm, giới đầu tư đã biết tiếng một đại gia công nghệ gốc Việt là Trung Dung, với thương vụ bán cổ phần trị giá 1,8 tỷ tại OnDisplay cho Vignette Corporation.

Còn ông Đoàn Trí Trung là một trong những người sáng lập và hiện là chủ tịch kiêm CEO của nhiều công ty, trong đó có SemiLEDs (Mỹ). Cổ phiếu của DN này hiện đang được niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ với mã LEDS. Ông Trung là chủ hoặc đồng chủ sở hữu hàng trăm bằng sáng chế có giá trị trong lĩnh vực kỹ thuật điện tử tại Mỹ.

Mảng tài chính ngân hàng cũng chứng kiến khá nhiều doanh nhân gốc Việt nổi tiếng như trường hợp tỷ phú Chính Chu (em rể ca sỹ Cẩm Ly), giám đốc điều hành cao cấp của tập đoàn quản lý quỹ hàng đầu thế giới Blackstone (hiện quản lý hơn 200 tỷ USD)...

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn