Cả châu Á bàn cách thoát bẫy thu nhập trung bình: Cách nào cho Việt Nam?

Thứ bảy, 20/09/2014, 10:40
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản trị kinh tế hàng đầu châu Á bàn chuyện phát triển kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình. Hầu hết sáng kiến có thể giúp Việt Nam thoát khỏi nguy cơ “dậm chân tại chỗ”.

Việt Nam cần 40 năm

Tại Diễn đàn phát triển châu Á lần thứ 5 (ADF), diễn ra ngày 19/9, tại Hà Nội, Trưởng ban châu Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - Kensuke Tanake cho biết, bẫy thu nhập trung bình không còn mới; hiện Malaysia, Trung Quốc đã bị ảnh hưởng; Việt Nam, Ấn Độ đang cố gắng tránh.

“Sau thời gian dài cố gắng phát triển kinh tế, để vượt bẫy thu nhập trung bình không thể trong vài năm, mà kéo dài vài chục năm”, ông Kensuke Tanake nói.

Ông Kensuke Tanake đưa ra một bảng dự báo về thời gian dự tính để các nền kinh tế có thu nhập trung bình ở châu Á trở thành nước phát triển.

Theo đó, Việt Nam thuộc nhóm tốn nhiều thời gian nhất, với thời gian lên hạng thu nhập cao vào năm 2058 (mất 44 năm), trước Ấn Độ một năm; Malaysia được dự báo sẽ vượt ngưỡng thu nhập trung bình vào năm 2020, Trung Quốc năm 2026, Thái Lan năm 2031…

“Bẫy thu nhập trung bình là khi đạt được mức thu nhập trung bình thì bị kẹt với những nhà sản xuất trả lương thấp và họ cũng không muốn trả lương cao hơn. Bẫy thu nhập trung bình cần quan tâm nhiều hơn cả bẫy đói nghèo. Bởi vì, nhiều nước thoát đói nghèo, nhưng vẫn tăng trưởng chậm”.

GS Keun Lee, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc)

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu đã thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.

Tuy vậy, Việt Nam đang đứng trước thách thức to lớn, đó là động lực cho phát triển của 30 năm trước đến nay đã gần hết dư địa, giảm tác động, không còn động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.

Do đó, theo Bộ trưởng Vinh, nếu Việt Nam không tìm cách tái cấu trúc nền kinh tế, không tìm ra phương thức phát triển mới, chắc chắn phải đối mặt bẫy thu nhập trung bình, tăng trưởng chậm lại. Hiện, Chính phủ đã xây dựng đề án tái cấu trúc lại kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Thay vì phát triển chủ yếu dựa vào tăng trưởng vốn, khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ, Việt Nam phải tăng trưởng dựa chủ yếu vào tăng năng suất lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, quản trị hiện đại. Đặc biệt khai thác tiềm năng quan trọng nhất của Việt Nam là yếu tố con người”, Bộ trưởng Vinh nói.

Cũng theo người đứng đầu ngành KH&ĐT, quốc gia nào khai thác tốt lợi thế nhân tố con người, sẽ có đột phá tăng trưởng mạnh mẽ, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hiện có hai kịch bản phát triển tới năm 2050 với châu Á: Kỷ nguyên châu Á có GDP cao gấp 10 lần năm 2010 hoặc một châu Á rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Ông Takehiko Nakao, Chủ tịch ADB cho biết, hiện châu Á đang có tỷ lệ dân số lớn, vướng phải nhiều khó khăn thách thức (tỷ lệ nghèo cao, thiên tai, biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên thiên nhiên thời gian qua còn nhiều bất cập…), nên đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình.

Ông Takehiko Nakao khuyến nghị một chương trình hành động tập trung vào 8 điểm: Ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển cơ sở hạ tầng; đầu tư cho giáo dục và y tế; đầu tư cho con người; mở cửa cơ chế thương mại; có cơ chế quản trị tốt; hòa nhập toàn diện con người trong xã hội; chia sẻ tầm nhìn phát triển chung.

“Nếu làm được những điểm này, với quốc gia có thu nhập trung bình và thấp hơn, tôi tin đều có thể đạt mức thu nhập cao hơn”, Chủ tịch ADB nói.

Thoát bẫy thu nhập trung bình thế nào?

Tại diễn đàn, các đại biểu tới từ 11 quốc gia châu Á đã tập trung thảo luận cách vượt bẫy thu nhập trung bình thông qua phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển thể chế và nguồn nhân lực.

GS Keun Lee, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cho biết, nguyên nhân bẫy thu nhập trung bình, theo nghiên cứu năm 2013 của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy: Thể chế không tác động nhiều tới thu nhập, nhưng ổn định chính trị có tầm quan trọng đặc biệt với tất cả các nước.

Dẫn kinh nghiệm Hàn Quốc, GS Keun Lee cho hay, thập kỷ 60-70, Hàn Quốc tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu và mở cửa kinh tế, hậu quả là luôn thâm hụt thương mại.

Sau đó, Chính phủ nước này tập trung xây dựng năng lực, tối ưu hóa nền kinh tế thông qua hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D). Nhờ đó, từ thập niên 90 nước này bắt đầu có thặng dư thương mại.

Theo GS Keun Lee, mỗi quốc gia chỉ nên lựa chọn tập trung vào một lĩnh vực chủ lực và phù hợp với điều kiện đất nước. Như Chile lựa chọn ngành rượu vang; Ấn Độ cắt gọt kim cương; Malaysia sau khi dính bẫy thu nhập trung bình đã lựa chọn dịch vụ công nghệ thông tin…

Ngoài ra, GS Keun Lee cho rằng, để ngành công nghiệp bắt kịp các nước tiên tiến, chúng ta không nên bảo hộ, thay vào đó phải dành cơ hội cho họ học hỏi, rút kinh nghiệm; tạo thuận lợi để đột phá ở những phân khúc có giá trị cao, ngành mới xuất hiện.

Ông Masanori Yoshida (Bộ Tài chính Nhật Bản) cho biết, hạ tầng đóng vai trò quan trọng với nước đang phát triển để tránh thu nhập trung bình. Tuy nhiên, các nước này lại gặp khó khăn về vốn. Do đó, ông Masanori Yoshida cho rằng, các nước cần có chính sách để kêu gọi vốn tư nhân vào hạ tầng.

“Tư nhân chỉ tham gia đầu tư hạ tầng khi họ nhìn thấy lợi nhuận. Chính phủ phải có chính sách dài hạn, cam kết mạnh mẽ, hạn chế rủi ro và cần có phương thức chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước và tư nhân”, ông Masanori Yoshida nói.

Tại diễn đàn, các diễn giả cũng đã đi sâu phân tích để tìm giải pháp nâng cao năng suất lao động. “Các nước cần có chuyển đổi về mặt thể chế kinh tế, chính sách phù hợp để cung cấp dịch vụ giáo dục tối ưu. Từ đó nâng cao tay nghề và năng suất lao động. Môi trường kinh doanh tốt đều cần thể chế tốt”, ông Kensuke Tanake, Trưởng ban châu Á của OECD nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn