Giữa trưa nắng gắt một ngày cuối tháng 7, đội công nhân vệ sinh cho tòa nhà cao thứ hai Việt Nam vẫn miệt mài cọ rửa từng mét vuông kính ở độ cao cách mặt đất hơn 100 mét. Phần phía trên còn tới hơn 100 mét, dự kiến sẽ mất ít nhất hơn tuần nữa để hoàn thành.
Một công nhân vệ sinh chia sẻ, thời tiết lý tưởng cho công việc này phải là những hôm trời râm mát, lặng gió nhưng số lượng ngày làm việc lý tưởng ấy rất hiếm hoi. “Để lau kính cho những tòa nhà chọc trời, 'người nhện' phải dày dạn kinh nghiệm, khả năng tập trung cao, làm việc nghiêm túc và có thần kinh rất vững. Không hội đủ những yếu tố ấy thì một là bỏ việc, hai là mất mạng”.
Tốp "người nhện" lau rửa kính cho tòa nhà cao thứ hai Việt Nam trước dịp khánh thành. Ảnh: Tuấn Mark |
Đô thị hóa thúc đẩy các tòa cao ốc đua nhau mọc lên tại các thành phố lớn, kéo theo đó là nhu cầu dịch vụ vệ sinh tòa nhà ngày càng gia tăng. Trong nhóm dịch vụ vệ sinh công nghiệp cho tòa nhà, lau rửa kính nhà cao tầng thuộc top công việc nguy hiểm, độc hại nhất. Đây là lý do vì sao dù là lao động chân tay nhưng những người đảm nhận công việc này được trả mức lương khá cao so với mặt bằng chung: khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tháng cho thợ học việc, 6 - 7 triệu đồng/tháng cho thợ chính và cao nhất là 9 triệu đồng/tháng đối với thợ dày dạn kinh nghiệm.
Công việc nguy hiểm nhưng trang thiết bị để hành nghề rất thô sơ, đơn giản, chỉ gồm dây thừng cỡ lớn, ghế đu, khóa an toàn, đai bảo vệ mặc toàn thân, thùng đựng hóa chất tẩy rửa, chổi lau, cọ. Một số công ty chuyên nghiệp trang bị thêm cho công nhân mũ bảo hiểm, phụ kiện bảo hộ lao động.
Đại diện một công ty làm dịch vụ vệ sinh công nghiệp tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, hiện giá lau rửa kính tòa nhà cao tầng có nhiều mức 10.000 – 12.000 đồng/m2 kính. Nhà càng cao, diện tích bề mặt càng lớn thì giá càng rẻ. Tuy nhiên, mức phí này tỷ lệ nghịch với mức độ nguy hiểm mà các công nhân lau rửa phải đối mặt bởi nhà càng cao, nguy hiểm càng lớn.
Anh Hoàng Hùng (23 tuổi, Thanh Ba, Phú Thọ) mới theo nghề được gần một năm nhưng đã “đu dây” khá nhiều tòa nhà cao trên 10 tầng. Anh Hùng nhớ lại ngày đầu tiên học nghề, đứng dưới tầng 1 ngước lên nhìn các đàn anh làm việc đã thấy rùng mình. “Khi vào việc thật sự, lần đầu bám dây lơ lửng ở độ cao dù chỉ mấy chục mét nhưng nhìn xuống dưới sâu hun hút, chân không có chỗ bám thì tôi sa sẩm hết mặt mày. Có cơn gió mạnh thổi tạt cả dây khiến tôi sợ tè cả ra quần, mồm la oai oái xin các anh cho xuống”, anh chia sẻ.
Sau khoảng 4 tháng học từng kỹ năng cơ bản, quen cảm giác làm việc trên cao, Hùng bạo dần, xung phong nhận lau kính cho những tòa nhà trên 10 tầng. “Người nhện” trẻ này coi mỗi lần hoàn thành việc lau kính cho một tòa nhà là cả chiến công. Công việc khiến anh từng sợ thót tim hiện không chỉ là kế mưu sinh mà còn đem lại cảm giác thích thú. Anh nói: “Mỗi lần chạm chân xuống tới đất lại thấy mình may mắn như vừa có chiến công mới. Dù quần áo ướt nhẹp vì nước lau, có ngày lạnh run vì ở trên cao gió thổi rét cóng nhưng vẫn thấy vui, lại muốn lần sau sẽ thử sức ở một tòa nhà cao hơn”.
Thông thường, trong 1 tiếng tập trung làm việc, Hùng lau được khoảng 15 mét kính. Một đội người nhện có 4 - 6 người. Với những tòa nhà dưới 10 tầng, việc lau dọn khá đơn giản và không phụ thuộc vào thời tiết. Nhưng ở những tòa nhà trên dưới 20 tầng, công việc này chỉ có thể tiến hành khi thời tiết thuận lợi, không mưa bão.
Để “rửa mặt” cho một tòa nhà 20 - 24 tầng, đội “người nhện” của Hùng phải làm việc trong khoảng từ 5 - 7 ngày. Thông thường, khi lau rửa kính cho những tòa nhà thấp, công nhân vệ sinh vẫn xuống nghỉ trưa nhưng ở những tòa cao ốc, để tiết kiệm thời gian, cả đội sẽ cùng ăn trưa giữa trời. Đây cũng là khoảng thời gian hiếm hoi những “người nhện” này nhìn xuống (để ăn cơm) thay vì nhìn ngang (để chống ngợp độ cao).
Theo Hoàng Hùng, trong đội của anh có những “người nhện” thâm niên tới 5 - 6 năm, lương gần chục triệu đồng/ tháng nhưng không một ai dám nghĩ thợ dày kinh nghiệm là có thể chủ quan với nghề bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến “người nhện” mất mạng bất cứ lúc nào.
Anh Quang, thợ lau kính 7 năm tuổi nghề cho biết, càng là thợ lâu năm lại càng cẩn trọng bởi đã thấm hơn ai hết những bài học đắt giá, phải đổi bằng tính mạng được người trong nghề truyền tai nhau. “Có người chỉ vì tham làm cho nhanh mà vươn tay lau kính quá xa cũng trượt dây tí chết. Có cậu em vừa tuần trước còn gặp đi mua sơn lăn, tuần sau anh em đã góp tiền mang vòng hoa tới viếng. Bám trụ với nghề, nghe nhiều chuyện buồn, tôi cũng muốn dừng lại nhưng giờ người khôn kẻ khó, không làm thì biết lấy gì nuôi sống bản thân và gia đình”.
Việc nguy hiểm mang lại mức lương tương đối cao so với mặt bằng lương lao động chân tay song số tiền 6 - 7 triệu đồng mỗi tháng thu về vẫn khiến nhiều thợ thấy nản. Anh Phạm Mạnh Long (26 tuổi, Quảng Xương, Thanh Hóa) chia sẻ: “Dù tiền công mỗi ngày được khoảng 300.000 đồng nhưng tính ra thu nhập cũng chỉ hơn thợ phụ hồ 1 - 2 triệu mà lại nguy hiểm gấp nhiều lần. Mỗi tháng trừ tiền thuê nhà, tiền ăn, điện thoại, xăng xe đi lại, chắt bóp lắm tôi cũng chỉ gửi về đỡ gia đình được 2 triệu. Nếu tìm được việc có thu nhập ổn định hơn, lương khá hơn, tôi sẽ chuyển nghề”.
Anh Quang cho biết, nếu vài năm trước, để làm thợ lau kính cho tòa nhà, người xin việc chỉ cần có sức khỏe tốt, không sợ độ cao thì nay yêu cầu cho công việc này khắt khe hơn nhiều. Muốn có việc ổn định, người lao động phải tìm tới các công ty chuyên nghiệp. Tại đây, lao động được sàng lọc kỹ, đào tạo bài bản từ kỹ năng tới những kiến thức về tâm lý, an toàn lao động… để tránh tối đa các tai nạn đáng tiếc và làm việc hiệu quả.
Theo Zing