Ngân hàng loay hoay “ôm” đống tiền

Thứ ba, 23/09/2014, 07:51
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng cho thấy, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng qua 9 tháng vẫn bị âm, trong áp lực trích lập dự phòng rủi ro ngày càng lớn.

Nhiều ngân hàng tín dụng âm

Tại hội thảo do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức tuần qua, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết: Đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng mới đạt 5,82% so với cuối năm 2013. Dòng vốn tín dụng đã có sự chuyển dịch tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên, bất động sản, giao thông...

Doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận vốn cho sản xuất.

Cũng theo ông Đông, để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), lãi suất của các khoản vay cũ đang tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm. Đến nay, lãi suất tiền vay không còn là trở ngại để DN tiếp cận vốn (Chỉ còn 5% DN phải trả lãi suất trên 15% trong khi có 13% DN phải trả lãi vay trên 13%/năm; 10% DN phải trả lãi suất từ 13%-15%/năm. Trong khi số DN trả lãi suất dưới 10%/năm chiếm tới 72%).

“Cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy nhanh cổ phần hóa DN nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công. Giải pháp này có thể không tác động trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài có thể giúp kích cầu đầu tư và tăng trưởng tín dụng”.

Ông Lê Công, Tổng GĐ MBBank

Tuy nhiên, nhìn vào sự dịch chuyển luồng vốn trong nền kinh tế, có thể thấy, tín dụng chưa thực sự đi vào khâu then chốt nhất, tạo động lực cho DN phục hồi. Như lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, dư nợ tín dụng mới đạt khoảng 6,1%, cho vay xuất khẩu tăng khoảng 4,37%; trong khi cho vay công nghiệp hỗ trợ tăng khoảng 6,12%. Luồng vốn cho khối DN nhỏ và vừa đạt khá thấp, chỉ khoảng 2,57% trong khi dư nợ cho vay bất động sản tăng tới 9,85%.

“Thực tế, nguồn vốn của hệ thống ngân hàng dư thừa và các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện vay nhưng có rất ít DN có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Chưa kể nhiều DN không đáp ứng đủ các điều kiện vay do tình hình tài chính yếu, không chứng minh được tính khả thi của dự án”, ông Đông cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó GĐ NHNN Chi nhánh TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM chỉ đạt 4,68% so với đầu năm.

Nguyên nhân khiến dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng thấp, là do các nhà băng phải xử lý lượng lớn nợ xấu trong thời gian qua. Chính điều này đã khiến tổng dư nợ của ngân hàng rơi vào tình trạng âm, nhưng bù lại sẽ đảm bảo được an toàn hoạt động.

Nếu tính theo báo cáo quý II/2014, bên cạnh việc lợi nhuận sau thuế giảm mạnh, nhiều ngân hàng vẫn chưa thoát âm tăng trưởng dư nợ. Như Eximbank tăng trưởng tín dụng giảm 3% trong 6 tháng. Một số ngân hàng khác như DongA Bank, VietA Bank… tín dụng cũng trong tình trạng âm.

Giải quyết tắc tín dụng ra sao?

Lý giải về việc tín dụng các ngân hàng tăng trưởng thấp, Tổng GĐ Ngân hàng Quân đội (MBBank) Lê Công, cho rằng: Tốc độ tăng tín dụng thấp chủ yếu do sức hấp thụ của nền kinh tế.

Nói cách khác, do nhu cầu vay vốn của khách hàng không cao. Thực tế, phần lớn các DN vẫn đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán hàng tồn kho nên chưa thể nghĩ đến việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo ông Công, với tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay; người dân thường có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn tiêu dùng. Do vậy nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân, đặc biệt mảng vay tiêu dùng cũng không khả quan.

Tổng GĐ Vietinbank Lê Đức Thọ cũng cho rằng, dòng vốn ngân hàng đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thấp. Thay vào đó vốn lại tiếp tục bị hút ra khỏi thị trường thông qua các kênh đầu tư trái phiếu, tín phiếu.

Theo vị này, để tín dụng tăng trưởng, cần sự bắt tay giữa ngân hàng và DN. NHNN cần tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ để triển khai hiệu quả các gói kích cầu như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản.

TS Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Chiến lược Ngân hàng cho rằng, để tháo gỡ tình trạng DN khó vay vốn (do năng lực kém hoặc do vướng nợ xấu, nhưng có khả năng phục hồi) chính phủ nhiều nước đã áp dụng mô hình bảo lãnh vay vốn. Nhiều nước đã biến các quỹ bảo lãnh thành cầu nối giữa DN và ngân hàng giúp kiểm soát rủi ro trong phê duyệt hồ sơ vay vốn.

Theo chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực, về phía ngân hàng, cần tăng cường cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên và đẩy mạnh tín dụng bán lẻ. “Để giải bài toán tín dụng bế tắc như hiện nay, có thể xem xét bỏ trần lãi suất khi điều kiện cho phép và xem xét khả năng giảm nhẹ lãi suất điều hành khoảng 0,5%”, ông Lực nói.

Doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận vốn

Đó là ý kiến của hầu hết lãnh đạo các DN khi được hỏi về vay vốn ngân hàng. Ông Nguyễn Ngọc Sơn- Phó Tổng GĐ Cty Bất động sản MTA (Đà Nẵng) cho biết, ngân hàng dư tiền, nhưng tiếp cận vốn không dễ.

Theo đó, dù nhân viên ngân hàng rất nhiệt tình tư vấn các gói dịch vụ cho vay, tuy vậy, khi đồng ý, thủ tục để được giải ngân còn quá nhiêu khê, chặt chẽ. “Để vay tiền, ngoài chứng minh doanh thu của DN, chúng tôi còn phải thế chấp giấy tờ nhiều dự án… Để được ngân hàng giải ngân là cả vấn đề, ông Sơn nói.

Ông Đỗ Hoàng Lê - Tổng GĐ Công ty Inmasco (chuyên về lĩnh vực xuất khẩu lao động) cho biết, DN chỉ đứng ra môi giới và chứng minh với ngân hàng là người lao động có tham gia xuất khẩu lao động (chứng minh ngày xuất cảnh, thu nhập khi làm việc ở nước ngoài…); thế nhưng, để được giải ngân, người lao động phải làm việc trực tiếp với ngân hàng.

“Hiện, chúng tôi chủ yếu giới thiệu để người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Malaysia được vay vốn. Tuy nhiên, mức tiền ngân hàng cho vay quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu của đại đa số. Thực tế người lao động muốn được vay nhiều hơn và sẵn sàng thế chấp sổ đỏ, nhưng ngân hàng chỉ cho vay nhỏ giọt từ 15-20 triệu đồng/người”, ông Lê nói.

Ông Vũ An Ninh, GĐ Doanh nghiệp thi công cơ giới Thành Lợi (tỉnh Hưng Yên) cho biết, mỗi năm ông vay của Vietinbank khoảng 3 tỷ đồng. Để được vay, DN phải thế chấp bằng tài sản (sổ đỏ hoặc các phương tiện đăng ký chính chủ…); ngoài ra, còn phải nộp cho ngân hàng báo cáo tài chính hàng năm.

“Vì vay thế chấp nên thủ tục không phức tạp. Tuy vậy, phía ngân hàng cũng chỉ cho vay ngắn hạn một năm một mức lãi suất như hiện nay vẫn quá cao”, ông Ninh cho biết.

Phó Tổng GĐ một công ty dệt may tại tỉnh Nam Định (chuyên sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ) cho biết, không phải DN nào tại Nam Định cũng dễ dàng tiếp cận vốn nếu không chứng minh được khả năng tài chính.

“Nhiều đơn vị muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng vì lãi suất cho vay cao nên họ ngại tiếp cận với ngân hàng. Họ chủ yếu vay người thân hoặc bạn bè để làm ăn. Thực tế, dù nhân viên ngân hàng có đi tiếp thị mỏi cả miệng, nhưng thủ tục cho vay không được nới lỏng hơn, rất khó vay”, vị này nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn