|
Đối với những người lớn tuổi, không ai lại không biết đến xà bông Cô Ba - thương hiệu xà bông có hình in nổi một người đàn bà đẹp. Đây là loại xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam, dùng để tắm gội, có sức "đánh bại" xà bông thơm của Pháp nhờ chất lượng tốt, giá thành thấp. Nhưng theo thời gian, giờ đây, xà bông Cô Ba đã vắng dần trên thị trường Việt. Hiện có rất ít nơi còn bán loại xà bông này. Thương hiệu này được xây dựng vào năm 1932 bởi Trương Văn Bền, một thương gia nổi tiếng thời bấy giờ. Vốn là người nhìn xa trông rộng, ông đã nhìn ra tiềm năng của cây dừa. Trước tiên ông đã thành lập xưởng ép dầu dừa dùng trong kỹ nghệ hoá mỹ phẩm, sau đó, là xưởng xà bông tại địa chỉ “Quai de Cambodge” nơi đã tạo ra sản phẩm xà bông Cô Ba nổi tiếng một thời. |
|
Ăn theo sự thành công của xà phòng Cô Ba, ông Bền còn cho ra đời dòng sản phẩm dầu thơm, nước hoa, dầu gội Cô Ba. |
|
Chân dung cô Ba, người được cho là hình mẫu của người phụ nữ trên bao bì. Theo nhiều giai thoại, cô Ba là người đẹp nức tiếng bấy giờ. Trong "Sài Gòn năm xưa", cụ Vương Hồng Sển có viết: Trong giới huê khôi, có Cô Ba, con gái thầy thông Chánh, là đẹp không ai bì; đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem nhà Thơ Dây Thép (Bưu Điện), và một hiệu buôn xà bông xin phép hoạ hình làm mẫu rao hàng xà bông Cô Ba: muốn biết danh tiếng bực nào xin ráng tìm các bà cỡ 1900 hỏi lại! |
|
Slogan quảng cáo bằng tiếng Pháp với nội dung: "Sử dụng xà bông này cho người phụ nữ của bạn có vẻ đẹp hoàn hảo" được giăng khắp các con phố đã đánh trúng vào tâm lý người tiêu dùng đã cho thấy tài chiến lược kinh doanh của ông chủ Trương. |
|
Khắp các con phố Sài Gòn xưa, dễ dàng nhìn thấy biển quảng cáo xà bông Cô Ba. |
|
Có lẽ ai sống ở Sài Gòn từ trước năm 1975 cũng đều quá quen thuộc với hình ảnh anh Bảy Chà Và đen trên hộp kem đánh răng Hynos của ông chủ Vương Đạo Nghĩa. Vương Đạo Nghĩa chọn hình ảnh một ông Chà Và da thật đen làm biểu tượng quảng cáo cho sản phẩm của mình cũng chính bởi vì nước da ngâm đen sẽ làm nổi bật lên hàm răng trắng. Và mục đích của Vương Đạo Nghĩa cho hình ảnh quảng cáo này là chỉ có dùng kem đánh răng Hynos mới có được hàm răng trắng khỏe như thế. |
|
Poster quảng cáo của kem đánh răng Hynos trên báo giấy. Phải nói thêm là ông chủ Vương là người rất chịu chi cho quảng cáo, khiến cho hình ảnh của ông Bảy Chà Và trở nên quen thuộc với người tiêu dùng |
|
Pano quảng cáo của Hynos được đặt cạnh pano của Perlon ở chợ Bến Thành năm 1969, đây là hai thương hiệu kem đánh răng cạnh tranh mạnh thời đó |
|
SAIGON 13/2/1969 - NHỮNG NỤ CƯỜI MỜI CHÀO MUA MÓN HỜI DỊP LỄ TẾT--Những nụ cười rạng rỡ của cô gái trong bức tranh cổ động lớn hơn kích thước thật, và của cô gái bán hàng tại Saigon nhằm lôi kéo khách hàng mua tất cả mọi thứ từ kem đánh răng (Hynos) đến những viên long não, đúng vào thời điểm những ngày nghỉ Tết, bắt đầu vào hôm thứ hai. |
|
Năm 1975, hãng Hynos được bàn giao lại cho Nhà nước, sáp nhập với công ty Kolperlon thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan rồi lại liên doanh với các công ty nước ngòai và đổi tên thành công ty Hóa phẩm P/S. Tuy nhiên sau khi nhượng vốn liên doanh cho Unilever, công ty Hóa phẩm P/S quay lại sản xuất kem Hynos. Vẫn sử dụng nụ cười anh Bảy Chà Và trên vỏ hộp kem, đồng thời làm mới bằng hình ảnh gia đình hiện đại, Hynos đã có mặt trên kệ hàng của các siêu thị, dù số lượng chưa thật nhiều. |
|
Nổi tiếng, lụn bại, rồi tái xuất, thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan một thời là sản phẩm Việt nức tiếng trong khu vực. Vào những năm 1993 - 1994, Dạ Lan lớn mạnh, chiếm tới gần 70% thị phần cả nước. Riêng từ Đà Nẵng trở vào chiếm tới 90%, góp phần đánh bật kem đánh răng Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam. Nhưng sau đó thương hiệu này đã bị bán cho Colgate Palmolive. Năm 2009, Dạ Lan lại được đưa trở lại thị trường Việt, và thuộc sở hữu của công ty Hóa Mỹ phẩm Quốc tế (ICC) |
|
Trước năm 1975, xá xị rất phổ biến tại miền Nam Việt Nam, và phần lớn do hãng BGI sản xuất, chứa trong chai thủy tinh. Xá xị đầu tiên tại Sài Gòn có nhãn hiệu hình con cọp nên còn gọi là "xá xị con cọp". Đến tháng 7/1977, tập đoàn BGI chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho Việt Nam, trở thành nhà máy quốc doanh với tên gọi là nhà máy nước ngọt Chương Dương. Hầu hết thị trường khu vực miền Nam khi đó đều rất ưa chuộng dòng sản phẩm này. Đây được xem như thời hoàng kim của xá xị Chương Dương. |
|
Năm 1993, nhà máy được đổi tên thành công ty Nước giải khát Chương Dương. Nhưng cũng từ đây, khi 2 ông lớn trong ngành giải khát có gas là Coca-Cola và Pepsi vào Việt Nam, một cuộc chiến mới chính thức bắt đầu. Với tiềm lực tài chính mạnh cùng kinh nghiệm lâu năm, những “gã khổng lồ” đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường khiến cho xá xị Chương Dương lao đao. |
Theo Zing