Bốn nữ CEO miệt vườn nổi tiếng

Thứ hai, 20/10/2014, 14:17
Cùng xuất thân từ vùng sông nước Cửu Long, những phụ nữ này đã tạo dựng nên nhiều dấu ấn riêng trong cơ nghiệp của mình, dù gặp nhiều thăng trầm.

Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Dược Hậu Giang

pham-viet-nga-8098-1413748416.jpg

Bà Phạm Thị Việt Nga.

Bà Phạm Thị Việt Nga sinh năm 1951 tại Cần Thơ, có bằng Dược sĩ, Tiến sĩ Kinh tế. Năm 14 tuổi, bà Nga đã tham gia kháng chiến. Dù đi lên từ chiến tranh nhưng bà điều hành doanh nghiệp vượt cả các doanh nhân giỏi thời bình.

Kể từ khi gia nhập Dược Hậu Giang năm 1988, trên cương vị là giám đốc, bà Nga đã biến một xí nghiệp bên bờ vực phá sản thành công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt. Bà được mệnh danh là người phụ nữ của thời đại mới, đưa Hậu Giang trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài.

Năm 2013, bà là một trong hai nữ doanh nhân Việt Nam được Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Tháng 5/2014, bà rời vị trí Chủ tịch Dược Hậu Giang (vị trí bà đã nắm giữ 10 năm qua) và đảm nhận lại chức Tổng giám đốc công ty sau 2 năm trao cho bà Lê Minh Hồng.

Dược Hậu Giang hiện sản xuất và kinh doanh hơn 300 loại dược phẩm. Sau hơn 20 năm hoạt động, đến nay hệ thống  phân phối của Công ty đã có mặt tại 64 tỉnh thành với 12 công ty con, 24 chi nhánh và 68 nhà thuốc, quầy thuốc tại các bệnh viện. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt hơn 908 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp khoảng 493 tỷ đồng, tăng 27%.

Phạm Thị Huân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Trứng Ba Huân

Ba-Huan_1413769252.jpg

Bà Phạm Thị Huân.

Bà Phạm Thị Huân sinh năm 1954 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Năm 13 tuổi, bà phải nghỉ học theo mẹ đi buôn trứng và được giao toàn bộ công việc mua bán này khi mới 16 tuổi.

Sau năm 1975, bà xin vào làm ở mảng trứng gia cầm của Công ty Nông sản Thực phẩm Kiên Giang. 8 năm sau, dành dụm được một số vốn, bà nghỉ việc ở công ty và mở vựa trứng lấy tên là Ba Huân tại TP HCM. Thương hiệu trứng Ba Huân bắt đầu hình thành từ đây.

Năm 2000, cơ sở của bà trở thành Doanh nghiệp tư nhân Ba Huân với hơn 100 công nhân, số vốn lên tới 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong hai năm 2003 và 2005, dịch cúm H5N1 xuất hiện, khiến bà bị thiệt hại hơn 7 tỷ đồng. Người phụ nữ miền Tây này cho biết đã có lúc tính tới chuyện bỏ cuộc và chuyển qua lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nghĩ thương người nông dân, cùng với sự động viên của gia đình, bà đã gượng dậy và quyết tâm bám víu quả trứng đến cùng.

Sau đó, bà được lãnh đạo TP HCM cho vay 11 tỷ đồng để mua dây chuyền xử lý, đóng hộp trứng sạch. Năm 2006, sau đại dịch cúm, những vỉ trứng sạch trong bao bì nhựa mang thương hiệu Ba Huân đã chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Dưới sự điều hành của bà Phạm Thị Huân, Công ty Ba Huân đã từng bước phát triển. Tổng mức đầu tư đến nay tăng lên 129 tỷ đồng. Bà đã mạnh dạn đầu tư cho công ty trên 35 tỷ đồng để xây dựng nhà máy xử lý trứng sạch tại huyện Bình Chánh, TP HCM. Đây là nhà máy hiện đại nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với hai dây chuyền sản xuất có công suất xử lý 65.000 và 120.000 trứng một giờ.

Phạm Thị Diệu Hiền, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bianfishco

Dieu-Hien-bandoc-giaoduc-vietn-3428-2145

Bà Phạm Thị Diệu Hiền.

Bà Phạm Thị Diệu Hiền sinh năm 1961, quê ở  Long Mỹ, Hậu Giang. Học xong lớp 12, bà vào làm cơ quan Nhà nước và học thêm khóa kế toán trưởng, Cao đẳng Ngoại thương.

Những năm 1980, hai vợ chồng bà mở xưởng kinh doanh đồ gỗ gia dụng. Năm 2005, bà thành lập Công ty Thủy sản Bình An – Bianfishco (thuộc Diệu Hiền Group), vận hành cuối 2006, lĩnh vực chính là nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Bà đã dốc hết tâm huyết vào xây dựng công ty này.

Năm 2011. Bianfishco có tổng giá trị xuất khẩu đạt 48,86 triệu USD và nằm trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và top 25 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam. Bà Hiền từng được mệnh danh là nữ đại gia vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau Tết Nhâm Thìn 2012, khi vừa tổ chức xong đám cưới linh đình cho con trai, hàng trăm nông dân tìm đến đòi nợ tại nhà riêng của bà và vỡ lỡ ra chuyện công ty nợ số tiền hơn 1.500 tỷ đồng.

Thời điểm này, bà sang nước ngoài chữa bệnh và uỷ quyền lại cho chồng là ông  Trần Văn Trí làm Tổng giám đốc công ty giải quyết việc nợ nần. Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội cũng tham gia tái cơ cấu công ty. Cuối tháng 10/2012, khi sự việc của Bianfishco cơ bản được giải quyết, ông Trí đã giao quyền điều hành lại cho ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB. Còn bà Hiền đã tuyên bố lui về yên vui cùng gia đình.

Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu

20131111175619-a2-2557-1413750851.jpg

Bà Trần Ngọc Sương.

Bà Trần Ngọc Sương sinh năm 1949 tại Bạc Liêu. Bà làm việc tại Nông trường Sông Hậu từ năm 1981. Đến năm 1990, bà được trao tặng Huân chương lao động hạng Ba, năm 1995 đón nhận tiếp Huân chương lao động hạng Nhì và năm 1999 nhận Huân chương lao động hạng Nhất.

Năm 2000, bà Sương được bầu làm Giám đốc Nông trường Sông Hậu, thay cho cha bà là ông Trần Ngọc Hoằng, người đã khai hoang, phục hóa gần 7.000 ha đất. Cùng năm này, bà Sương được trao danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đến năm 2002, bà tiếp tục được vinh dự nhận danh hiệu “Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương" kèm theo 10.000 USD tiền thưởng. Số tiền này đã được bà trao lại cho Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em thành phố Cần Thơ.

Từ vùng đất phèn hoang hóa trồng lúa chỉ một vụ năng suất bấp bênh, bà Sương đã biến Nông trường Sông Hậu thành “bờ xôi ruộng mật” với hệ thống canh tác hoàn chỉnh, khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiếp thị và xuất khẩu hàng hóa nông sản thực phẩm.

Tuy nhiên, cuộc đời khó tránh khỏi những thăng trầm. Tháng 9/2008, bà bị khởi tố về hành vi “lập quỹ trái phép”. Gần một năm sau, phiên tòa sơ thẩm huyện Cờ Đỏ tuyên phạt bà 8 năm tù về tội danh nêu trên. Đến 11/2009, phiên tòa phúc thẩm tại thành phố Cần Thơ tiếp tục tuyên y án sơ thẩm.

Tháng 5/2010, bà Sương kháng cáo và toà án nhân dân tối cao ra quyết định hủy bản án đã tuyên với bà, buộc công an điều tra lại. Đầu năm 2011, Công an thành phố Cần Thơ hoàn tất kết luận điều tra vụ án. Ngày 19/1/2012, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ công bố quyết định đình chỉ vụ án “lập quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu.

Tháng 8/2013, các thành viên trong Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) đã mời bà Sương từ Sài Gòn trở về Nông trường Sông Hậu để nắm giữ lại vị trí Chủ tịch, kiêm giám đốc. 3 tháng sau đó, bà lui về làm cố vấn Hội đồng quản trị.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích