Vận hội mới của Kinh Đô

Thứ hai, 17/11/2014, 09:47
Mảng kinh doanh bánh kẹo của Kinh Đô về tay Mondelez International. Thắng hay thua, hồi sau sẽ rõ.

Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng thông tin về việc bán mảng bánh kẹo của công ty Cổ phần Kinh Đô cũng chính thức được công bố vào tuần qua. Dù thông tin về đối tượng mua lại có hơi chệch hướng so với tin đồn, khi cái tên được xướng lên không phải là Kraft Food, mà là Mondelēz International.

Cụ thể, Mondelēz sẽ đầu tư 7.846 tỷ đồng, tương đương khoảng 370 triệu USD, ứng với 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo của Kinh Đô. Thương vụ này dự kiến sẽ được hoàn tất vào quý II/2015. Ngoài ra, 20% cổ phần còn lại của mảng bánh kẹo Kinh Đô cũng sẽ được Mondelēz International thương thảo để sở hữu tiếp sớm nhất 12 tháng sau khi thương vụ đầu hoàn tất.

Bước chân của Mondelēz

Thực ra, tin đồn Kraft Foods mua lại Kinh Đô cũng không phải là hoàn toàn sai. Bởi Mondelēz được thành lập từ việc tách ra từ ngành hàng Snacks, chuyên về các đồ ăn nhẹ và các loại bánh kẹo của Kraft Foods từ tháng 10/2012. Mondelẽz International tập trung vào thị trường toàn cầu, trong khi đó, công ty còn lại được tách ra từ Kraft Foods là Kraft Foods Group chỉ tập trung vào thị trường Bắc Mỹ với các mặt hàng sữa, rau quả. Năm 2013, doanh thu thuần của Mondelēz International đạt 35 tỷ USD.

Tại Việt Nam, các sản phẩm của ông lớn này như bánh quy Oreo, Ritz, Tang hòa tan... được khá nhiều người tiêu dùng biết đến. Mondelēz International cũng là đơn vị thu mua lượng lớn cà phê của Việt Nam.

“Việt Nam là một thị trường năng động cho chiến lược phát triển kinh doanh tại châu Á, cũng như tăng cường mảng kinh doanh thức ăn nhẹ cốt lõi của chúng tôi tại đây. Và Kinh Đô là một lựa chọn hoàn hảo cho Mondelez”, ông Tim Cofer, Phó Chủ tịch cấp cao của Mondelēz nói.

Mondelēz sẽ đầu tư 370 triệu USD, tương ứng 80% mảng kinh doanh bánh kẹo của Kinh Đô.

Mondelēz sẽ đầu tư 370 triệu USD, tương ứng 80% mảng kinh doanh bánh kẹo của Kinh Đô.

Sự hoàn hảo của Kinh Đô mà ông Tim Cofer nói đến chính là việc công ty này sở hữu rất nhiều lợi thế. Đầu tiên đó chính là hệ thống thương hiệu và thị phần trong ngành bánh kẹo. Theo thông tin từ các công ty nghiên cứu thị trường, trong một thời gian dài, Kinh Đô luôn giữ vị trí dẫn đầu trong ngành bánh kẹo Việt Nam, chiếm khoảng 30% thị phần, trong đó mặt hàng bánh trung thu Kinh Đô gần như chiếm lĩnh thị trường với khoảng 75% thị phần. Một yếu tố khác cũng quan trọng không kém mà Kinh Đô có được, theo đánh giá của ông Tim Cofer, đó chính là việc sở hữu hệ thống phân phối rất đa dạng.

Theo báo cáo thường niên, Kinh Đô có hệ thống phân phối sâu rộng, lớn nhất trong ngành bánh kẹo hiện nay với 300 nhà phân phối, 200.000 điểm bán lẻ. Doanh thu bán hàng qua kênh phân phối này chiếm 82% doanh thu của Kinh Đô. Kinh Đô cũng sở hữu hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng Kinh Đô Bakery, điều này sẽ giúp những sản phẩm mới của Mondelēz xâm nhập vào thị trường Việt Nam một cách nhanh nhất.

Ngoài ra, theo ông Tim Cofer, Kinh Đô còn có 2 điểm mạnh khác đó chính là 2 nhà máy sản xuất hiện đại ở cả miền Nam và miền Bắc cùng với đội ngũ nhân sự tài năng và giàu kinh nghiệm.

Rõ ràng, mặc dù đã chiếm lĩnh được thị trường Mỹ và châu Âu, Mondelēz cũng chỉ là công ty lớn thứ 2 thế giới trong ngành hàng bánh kẹo, sau Nestlé. Nên việc mua lại Kinh Đô có thể được xem như là một trong chiến lược mở rộng thị trường để tiếp tục cuộc chiến cạnh tranh với Nestlé.

Cũng cần nhớ lại rằng, năm 2010, khi Tim Cofer giữ chức Phó Chủ tịch Bộ phận Chiến lược và hội nhập đã tham gia điều hành trực tiếp thương vụ Kraft Foods chi ra 19,6 tỷ USD mua lại Cadbury, một tập đoàn bánh kẹo của Ấn Độ. Sau thương vụ này, Kraft Foods chiếm đến 70% thị trường chocolate và 1,2 triệu cửa hàng bán lẻ tại Ấn Độ.

Trước đó, vào năm 2007, Kraft Foods đã mua lại ngành hàng Cookies của Tập đoàn Danone của Pháp với các thương hiệu hàng đầu thế giới như Lefèvre Utile (LU), Tuc and Prince. 2 thương vụ này đã biến Kraft Foods trở thành nhà sản xuất bánh Cookies và chocolate lớn nhất thế giới.

Kinh Đô sẽ làm gì với 11.000 tỷ đồng?

Mặc dù là “con bò sữa duy nhất” của Kinh Đô, nhưng với việc bán đi mảng bánh kẹo cũng không quá bất ngờ. Những năm gần đây, ngành bánh kẹo đang tăng trưởng chậm lại và đã có dấu hiệu bão hòa, và mức giá mà phía Mondelēz đề xuất là quá tốt. Giới kinh doanh đánh giá, đây là thời điểm thích hợp để gia đình họ Trần thu hoạch kết quả sau 20 năm kinh doanh của mình.

Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Kinh Đô cho biết, Hội đồng Quản trị Kinh Đô sẽ đề xuất thương vụ này lên các cổ đông tại Đại hội cổ đông bất thường của Kinh Đô sẽ được tổ chức vào ngày 1/12 tới, và các cổ đông sẽ quyết định thương vụ này. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, động thái này chỉ là thủ tục, bởi trước khi đàm phán, chắc chắn phần lớn các cổ đông lớn đề đã có sự đồng thuận. Thực tế, với việc nắm gần 40% cổ phần ở Kinh Đô, gia đình ông Trần Kim Thành dường như đã nắm trong tay phần quyết định.

“Việc bán mảng bánh kẹo là nằm trong hoạt động tái cấu trúc của Tập đoàn đã được thông qua tại Đại hội Cổ đông vào tháng 6 năm nay. Việc có thêm nguồn tài chính sẽ giúp Kinh Đô thực hiện chiến lược phát triển các mảng kinh doanh khác tốt hơn và nhanh hơn”, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Kinh Đô nói.

Thực tế, song song với việc công bố bán mảng bánh kẹo, Kinh Đô cũng đã thông qua việc nội dung tờ trình đầu tư thêm vào Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và cũng dự kiến sẽ được đệ trình lên Đại hội cổ đông bất thường sắp tới. Theo đó, Kinh đô sẽ mua thêm cổ phiếu từ ngoài thị trường, để nâng tỉ lệ sở hữu tại Vocarimex lên 51%. Tuy nhiên, đâu là “mảng khác” nữa của Kinh Đô, sau khi đã tham gia vào lĩnh vực mì gói, cà phê và dầu ăn?

Mặc dù không tiết lộ chi tiết, nhưng Chủ tịch Hội đồng một doanh nghiệp lớn và cũng là cổ đông của Kinh Đô tiết lộ, đó chính là lĩnh vực thực phẩm và đồ uống và họ đang thương thảo mua lại 50% cổ phần một doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đến giờ này, tất cả cũng chỉ là đồn đoán. Tuy nhiên, với gần 8.000 tỷ đồng từ thương vụ bán mảng bánh kẹo cộng với lượng tiền mặt và tương đương tiền gần 3.000 tỷ đồng, thị trường hàng tiêu dùng chắc chắn sẽ dậy sóng.

Trong lịch sử phát triển của mình, Kinh Đô đã có những bước đột phá với các thương vụ M&A đình đám. Có những thương vụ thành công, có những thương vụ chưa thành công và đã để lại cho các nhà lãnh đạo Kinh Đô những kinh nghiệm kinh doanh lớn. Còn đối với thương vụ sắp tới, Kinh Đô cũng đang tạo ra sự đột phá mới cho chính công ty. Nhưng kết quả của sự kết hợp này sẽ vẫn còn là một ẩn số và chỉ có thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời chuẩn xác nhất.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn