Number One có ruồi đòi 1 tỷ: Truy trách nhiệm Tân Hiệp Phát

Thứ sáu, 30/01/2015, 08:32
Liên quan vụ nước ngọt Number One có ruồi, Tân Hiệp Phát phải thu hồi toàn bộ lô hàng hóa kém chất lượng, công khai thông tin.

Vụ việc một người tiêu dùng ở TP.HCM (ông Võ Văn Minh, 35 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) bị công an bắt giữ về hành vi Cưỡng đoạt tài sản vì đã yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát đưa 1 tỷ rồi hạ xuống 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng khi anh này phát hiện một chai nước giải khát Number One của Tân Hiệp Phát có ruồi bên trong đang khiến dư luận bàn tán xôn xao.

Một số ý kiến phân vân ông Minh bị bắt giữ về hành vi Cưỡng đoạt tài sản có đúng luật không, mức hình phạt như thế nào? Một số người muốn tìm hiểu kỹ hơn về việc trong trường hợp người tiêu dùng mua phải sản phẩm bị lỗi, kém chất lượng thì họ sẽ phải yêu cầu nhà sản xuất bồi thường như thế nào để nhận lại được phần thiệt hại xứng đáng mà vẫn không vi phạm luật. Mức bồi thường ra sao? Trách nhiệm của Tân Hiệp Phát trong vụ việc này như thế nào khi họ tung ra thị trường một sản phẩm không đảm bảo chất lượng?

saigon, Tân Hiệp Phát, Number One, con ruồi, người tiêu dùng
Đối tượng Võ Văn Minh bị bắt giữ về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Trao đổi với PV, Luật sư Mạc Kính Thi, Công ty luật Lincon and Brothers, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, với hành vi của mình, ông Minh bị bắt giữ về tội Cưỡng đoạt tài sản là có cơ sở pháp lý.

Khoản 1, điều 135, Bộ luật Hình sự 1999 quy định về tội Cưỡng đoạt tài sản cho thấy, cưỡng đoạt tài sản là hành vi “đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Trong trường hợp trên, có thể ông Minh không có hành vi đe dọa dùng vũ lực đối với Tân Hiệp Phát, nhưng lại dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần đại diện công ty này nhằm ép công ty phải đưa tiền cho mình nên đã thỏa mãn dấu hiệu phạm tội của tội Cưỡng đoạt tài sản.

"Với hành vi cưỡng đoạt số tiền lên tới 500 triệu đồng, theo Khoản 4, điều 135, Bộ luật Hình sự 1999, ông Minh có thể bị phạt tù 12 năm đến 20 năm".

Vậy với trường hợp khách hàng mua phải hàng lỗi, chất lượng kém, làm thế nào để khách hàng yêu cầu nhà sản xuất bồi thường xứng đáng mà không vi phạm luật? Đơn vị sản xuất là Công ty Tân Hiệp Phát có trách nhiệm gì trong việc tung ra thị trường sản phẩm lỗi như vậy?

Theo Luật sư Mạc Kính Thi, việc yêu cầu bồi thường là quyền của khách hàng khi họ mua phải hàng lỗi, hàng kém chất lượng. Điều này được quy định cụ thể tại Khoản 6 Điều 8 về “Quyền của người tiêu dùng” - Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010.

Theo đó, người tiêu dùng có quyền: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”.

Trong trường hợp mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng, người mua hàng có quyền yêu cầu đơn vị sản xuất ra hàng hóa đó bồi thường thiệt hại (nếu có) đối với những hàng hóa không đủ tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời có trách nhiệm phải thông báo tới các cơ quan Quản lý thị trường tại địa phương, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng thuộc UBND Quận/huyện, hội bảo vệ người tiêu dùng địa phương để xử lý (theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ người tiêu dùng).

Trong trường hợp đơn vị sản xuất ra các sản phẩm kém chất lượng không hợp tác hoặc bồi thường thiệt hại thực tế, người tiêu dùng có quyền khởi kiện tại TAND cấp có thẩm quyền (theo quy định tại Khoản 7 điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010).

Về phía đơn vị sản xuất ra các sản phẩm kém chất lượng, trong trường hợp cụ thể này là sản phẩm nước giải khát của Công ty Tân Hiệp Phát, Tân Hiệp Phát phải tiến hành thu hồi toàn bộ lô hàng hóa có khuyết tật, thông báo công khai thông tin về hàng hóa khuyết tật trên báo hoặc truyền hình địa phương trong 5 số liên tiếp, đồng thời bồi thường mọi thiệt hại đã xảy ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng (theo điều 22, 23 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010).

Được biết, trong vài năm trở lại đây, Tân Hiệp Phát rất nhiều lần có sản phẩm không đảm bảo chất lượng được tung ra thị trường, bị người tiêu dùng phát hiện.

Một số người đã thông tin tới báo đài, cơ quan chức năng, nhưng một số trường hợp lại liên hệ trực tiếp với công ty để thỏa thuận về việc nhận tiền và im lặng, nhưng sau đó lúc nhận tiền, họ đã bị cơ quan công an bắt giữ, rồi khởi tố hình sự về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Đây giống như một kịch bản đã được lập sẵn, gióng lên hồi chuông cảnh báo người tiêu dùng cần gạt bỏ lòng tham, tỉnh táo và am hiểu quy định của pháp luật để tránh vướng vòng lao lý.

Bên cạnh đó, điều này cũng cho thấy các cơ quan kiểm định chất lượng sản phẩm đã không làm tròn chức năng của mình, để cho một doanh nghiệp nhiều lần sản xuất và lưu hành ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng.

Điều 135 Bộ luật Hình sự 1999. Tội cưỡng đoạt tài sản:

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Kiến thức

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích