Ở đất nước này, các đại gia thường thể hiện sự giàu có bằng... nhà cao tầng. Năm 2005, nhà tài phiệt Ấn Độ Bavaguthu Raghuram đã trả 12,25 triệu USD (tương đương 250 tỷ đồng) để mua tầng thứ 100 của tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa.
Đa số chúng ta đều khó có thể hình dung ra số tiền đó nhiều thế nào, nhưng đó chỉ là một cái phẩy tay mà không cần suy nghĩ của đại gia 71 tuổi. Ông Raghuram làm giàu từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giao dịch ngoại tệ từ nhiều năm nay.
Chân dung người giàu nhất Ấn Độ, ông Bavaguthu Raghuram.
Mặc dù phần lớn người dân Ấn Độ vẫn sống trong nghèo đói, nhưng thực chất, số lượng người giàu (có tài sản trên 30 triệu USD, tương đương 630 tỷ đồng) tại đất nước này đang ngày càng tăng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ đang đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng các quốc gia có nhiều "đại gia" nhất.
Theo số liệu của tổ chức RBC Wealth Management, Ấn Độ hiện đang có 156.000 triệu phú USD, đến năm 2018, con số này có thể tăng lên hơn 350.000 người.
Những người này đa số là doanh nhân trẻ trong ngành công nghiệp nặng và công nghệ thông tin, điều đặc biệt ở "đại gia" Ấn Độ là họ không thích tích lũy và tiết kiệm. Họ thích tiêu tiền theo cách mà chỉ 0.1% dân số thế giới làm nổi như mua trọn bộ siêu xe, trọn bộ du thuyền hay nạm vàng cả một tòa lâu đài.
Chúng ta hãy xem đại gia Ấn Độ "đổ" tiền thế nào:
Đổ tiền vào bất động sản
Phải sở hữu căn hộ ở tháp Burj Khalifa mới được coi là đẳng cấp ở Ấn Độ.
Khách hàng của các cao ốc ở Dubai hầu hết là người Ấn Độ, những đại gia nước này rất thích thị uy bằng "sổ đỏ" căn hộ trong các tòa nhà cao cấp nhất thế giới.
"Thậm chí họ còn đòi mua cả một khúc sông hoặc một bãi biển nhân tạo", ông Nivine William, giám đốc khu nghỉ dưỡng Palm, Dubai cho biết.
Không chỉ đốt tiền ở Trung Đông, đại gia Ấn Độ còn sưu tập nhà cửa ở cả Mỹ và Châu Âu, theo thống kê của những công ty địa ốc Mỹ, Ấn Độ là khách hàng tiềm năng chỉ sau Canada và Trung Quốc.
Hiện nay, những tài phiệt Ấn Độ đã bắt đầu để mắt đến việc mua đảo tư nhân để có thể thoải mái nghỉ dưỡng hơn.
Thi nhau mua máy bay riêng
Một doanh nhân Ấn Độ trong phi cơ riêng.
Khách hàng đến từ Ấn Độ chiếm 12% thị trường máy bay riêng trên thế giới, hiện tại nước này đang có tổng cộng 12 máy bay tư nhân có giá trên 4,5 triệu USD (tương đương 94 tỷ đồng), chiếc đắt nhất có giá lên tới 310 triệu USD (tương đương 6.500 tỷ đồng).
Du thuyền
Con tàu được neo ở cảng Địa Trung Hải này của một ông trùm truyền thông Ấn Độ.
Khẳng định đẳng cấp bằng siêu xe hơi bây giờ chỉ dành cho giới trung lưu tại Ấn Độ, những đại gia đích thực đều phải có du thuyền riêng. Trong 3 năm qua, số lượng du thuyền tăng 10%, mỗi năm các đại gia Ấn Độ đốt khoảng 7.58 tỷ USD (tương đương 160.000 tỷ đồng) để sắm và "độ" du thuyền.
Nhưng vì cơ sở hạ tầng của Ấn Độ không đáp ứng được yêu cầu của các siêu du thuyền sang trọng, nên các đại gia buộc phải thuê cảng ở khu vực Trung Đông và biển Địa Trung Hải.
Du lịch vòng quanh thế giới
Những người như ông Raghuram khi cảm thấy mệt mỏi với công việc, họ sẽ bay đến Thụy Sĩ hoặc Áo, nghỉ trong những căn biệt thự riêng trên đồi để xả stress. Nếu muốn tiệc tùng, họ sẽ lại bay sang Dubai hoặc biển Caribe.
Rượu vang
Những nhãn hiệu rượu xa xỉ và đắt tiền nhất thế giới như Chateau Lafite Rothschild hay Chateau Petrus đều đang đổ bộ vào Ấn Độ ngày càng nhiều, xu hướng uống "siêu" rượu vang hàng ngày đang trở thành mốt trong cộng đồng những người siêu giàu nơi đây.
Giám đốc công ty chuyên tư vấn rượu Bordeaux Traders, Ông Robin Khanna chia sẻ rằng khách hàng của ông chủ yếu là những ông trùm trong lĩnh vực đầu tư và các ngôi sao điện ảnh Ấn Độ. Mỗi tháng họ có thể chi từ 10 đến 30 nghìn USD (tương đương 630 triệu) chỉ để mua rượu vang.
Thậm chí, câu lạc bộ các tài phiệt sành rượu Ấn Độ đã tự góp tiền để xây dựng một nhà máy rượu vang siêu cao cấp, sẵn sàng cạnh tranh với rượu vang Pháp.
Theo Trí thức trẻ