Mới đây, trên một số trang báo đã dẫn lời đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết Topcare sẽ mở cửa hoạt động lại vào ngày 31/1 tới. Tuy nhiên, chiều 29/1, trao đổi với BizLIVE, ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương Hà Nội đã khẳng định, thông tin trên không đúng sự thật. Vì Topcare vẫn chưa gửi báo cáo, thông tin lên Sở Công thương mặc dù theo lịch làm chiều 29/1 đại diện Topcare phải báo cáo chi tiết về việc đóng cửa dừng hoạt động.
"Chúng tôi không biết việc Topcare đóng cửa vì sao, đóng cửa nhằm thực hiện kế hoạch gì và có ý định mở cửa trở lại hay không, trở lại khi nào", ông Khánh khẳng định.
Theo khảo sát của BizLIVE, một số siêu thị của Topcare đã đóng cửa, số còn lại vẫn đang bị phong tỏa để kiểm kê hàng hóa. Cụ thể, hàng hóa tại siêu thị Topcare Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã được dọn đi hết, hàng hóa tại Topcare Hoàng Minh Giám (Thanh Xuân) vẫn nằm trong siêu thị, cửa được đóng kín và chỉ có một bảo vệ trông coi... Trong khi tại Topcare Cầu Giấy hàng hóa vẫn trong siêu thị và đang được tiến hành đối gói kiểm kê.
Hiện đã có một số đơn vị xác nhận về những khoản nợ mà Topcare chưa thanh toán trong đó có đại diện hãng cung cấp sản phẩm cho Topcare, đơn vị cho Topcare thuê mặt bằng, song phía Topcare vẫn chưa chính thức lên tiếng về việc đóng cửa của siêu thị.
Chiều 29/1, tờ Tri thức trẻ đã dẫn lời của nguồn tin thân cận của Topcare khẳng định, không có chuyện Topcare đổi chủ, Topcare đã cạn tiền nên phải đóng cửa, các lãnh đạo của Topcare đang lo giải quyết công nợ với các nhà phân phối.
Siêu thị Topcare Cầu Giấy đã đóng cửa "kiểm kê hàng" trong 1 tuần. |
Như vậy, ngoài Topcare, thị trường điện máy trong nước đã chứng kiến 4 hệ thống lớn bị đánh bật khỏi thị trường. Cụ thể là hệ thống siêu thị điện máy WonderBuy tuyên bố phá sản sau 1 năm hoạt động. Home One chỉ tồn tại lâu hơn 1 năm và bị niêm phong, thu hồi mặt bằng. Best Caring tồn tại được 8 năm và Việt Long là 11 năm.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại cho biết, việc đóng cửa, giải thể đối với bất kỳ doanh nghiệp tư nhân nào là bình thường trong cơ chế thị trường đặc biệt đối với lĩnh vực kinh doanh điện máy.
Vì so với các lĩnh vực khác cũng kinh doanh điện máy tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Ví dụ, chiếc điện thoại di động smartphone chỉ sau 2 tháng đã mất giá 3-5 triệu/chiếc, giảm từ 10 triệu đồng xuống còn 5-7 triệu đồng do đó nếu doanh nghiệp càng ôm nhiều càng thua lỗ.
Thứ 2 là chu kỳ mua sắm điện máy rất dài, không thể chỉ sau vài tháng người tiêu dùng có nhu cầu thay đổi các sản phẩm.
Thứ 3, thời gian vừa qua kinh doanh điện máy mở ra nhiều quá, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau gay gắt.
Thứ 4 có thể có tình trạng bán dưới giá thành hại nhau, bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, những người làm ăn chân chính sẽ chết.
Theo Bizlive