Doanh nghiệp bỗng dưng nợ thuế

Thứ sáu, 30/01/2015, 14:20
Lỗi hệ thống, phần mềm của Cục Thuế nhưng doanh nghiệp bị mất uy tín, chậm hoàn thuế, bị cấm đi nước ngoài.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) bỗng dưng nhận được thông báo nợ thuế, yêu cầu đến cơ quan thuế đối chiếu. Việc đối chiếu vừa mất thời gian, công sức, lại có khi thành... công cốc.

Nợ xa lắc xa lơ

Năm 2014, chị H., kế toán của công ty B., nhận được thông báo có một khoản nợ thuế từ năm 2009. Chị đến cơ quan thuế giải thích là đã từng nộp đủ khoản thuế này chứ không nợ nần gì. Cơ quan thuế cũng giải thích là do hệ thống phần mềm tự báo khoản nợ này của công ty B., chỉ cần chị H. mang chứng từ đến đối chiếu là xong. Chị H. than trời vì lục tìm trong kho để lấy lại đầy đủ chứng từ năm 2009 thì cũng rất mất công sức. Khi chị liên hệ cơ quan thuế để đối chiếu thì được trả lời chờ... đến lượt!

Chị H. ấm ức: “Nếu do mình sai sót, mình có nợ thật thì cực cỡ nào mình cũng tìm lại chứng từ để giải quyết cho xong. Nhưng tôi được biết cái này là lỗi hệ thống, lỗi phần mềm của cơ quan thuế chứ nhiều DN chẳng thiếu thuế gì cả. Mình không có lỗi mà phải chịu mệt nhọc thế này hoài rất bực mình!”. Không riêng gì chị H., thời gian qua, rất nhiều kế toán viên và DN than phiền về các khoản nợ “trời ơi” tự dưng xuất hiện.

Trong một lần đối thoại với DN, bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục Thuế TP HCM, cho biết: “Chúng tôi chia sẻ khó khăn, phiền muộn của DN khi thời gian qua số liệu giữa DN và cơ quan thuế không khớp nhau, làm phiền DN. Sự cố này là do hệ thống phần mềm thuế cập nhật thông tin không đầy đủ, phải nâng cấp thường xuyên hoặc do phần mềm có quá nhiều hạng mục, tiểu mục, chi tiết nên DN khai không hết, bị sót làm chệch dữ liệu”.

Vất vả xóa nợ

Một DN cho biết năm 2013 họ từng bị báo một khoản nợ thuế. Mất mấy tháng sau kế toán đối chiếu xong với cơ quan thuế, được trả lời là “xong rồi, về đi”. Bẵng đi một thời gian, năm 2014 DN này lại nhận được thông báo nợ đúng khoản thuế đó. Thế là DN phải mất công ôm giấy tờ lên đối chiếu lần nữa.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho biết kinh nghiệm các DN khi đối chiếu nợ thuế xong thì cần yêu cầu cơ quan thuế xác nhận bằng văn bản về việc đã đối chiếu, giải quyết xong khoản nợ thuế đó, không còn nợ nữa. DN trình chứng từ phù hợp nhưng cơ quan thuế không chỉnh sửa trong hệ thống hoặc hệ thống lại bị lỗi tiếp thì rất mất công đối chiếu lại.

Ngoài việc mất công sức, thời gian, thậm chí phải “biết điều” cho việc đối chiếu nợ thuế thì hậu quả của việc báo nợ thuế này còn khiến DN mất uy tín vì không thể giải thích cho đối tác hiểu. DN cũng không được giải quyết hồ sơ hoàn thuế vì đang có nợ thuế. Nhiều DN muốn chuyển lợi nhuận ra nước ngoài cũng bị chặn lại vì có nợ thuế. Đặc biệt người nước ngoài bị nợ thuế thu nhập cá nhân, người đại diện pháp luật của DN có nợ thuế sẽ bị cấm xuất cảnh khỏi Việt Nam, luật sư Trần Xoa phân tích.

Ông Lê Xuân Dương, Cục phó phụ trách về nợ thuế của Cục Thuế TP, khẳng định phần thuế thu nhập cá nhân với người trong nước đã rà soát và đối chiếu xong, không báo nợ nữa. Tuy nhiên, phần thuế thu nhập cá nhân của người nước ngoài và thuế của DN thì vẫn còn báo nợ. Các trường hợp cá nhân, DN nợ thuế mà có dấu hiệu bỏ trốn, không hoạt động tại trụ sở sẽ bị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh, cấm ra nước ngoài.

Tháng 2 có phần mềm mới!

Việc báo nợ trên hệ thống là do phần mềm. Phần mềm này hiện đang được Bộ Tài chính chuyển đổi. Từ đầu tháng 2/2015 sẽ được thay bằng phần mềm mới. Trong thời gian chuyển đổi, hệ thống này hiện đang “khóa”. Vì khóa hệ thống nên thời gian qua có muốn đối chiếu nợ thuế trên hệ thống cho DN thì cũng không làm gì được.

Ông LÊ XUÂN DƯƠNG, Cục phó Cục Thuế TP

Theo Pháp Luật

Các tin cũ hơn