Chia sẻ với BizLIVE, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng, không phải cứ có dự án FDI đăng ký đầu tư là các tỉnh đều sẵn sàng cấp giấy phép, như vậy sẽ chồng chéo các dự án và làm cho cơ cấu kinh tế bị trùng lặp, kém hiệu quả.
Ông có đánh giá gì về hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trong năm vừa qua?
Con số bình quân mỗi tháng giải ngân được vốn FDI 1 tỷ USD, năm nào cũng như vậy tức là có sự nỗ lực, cố gắng trong việc giải ngân các dự án đã đăng ký đầu tư, đây là một điều đáng hoan nghênh, song số vốn các dự án đã đăng ký chưa được giải ngân vẫn còn lớn.
Cần phân tích và có nỗ lực lớn hơn để giải ngân cao hơn mức khoảng 1 tỷ USD/tháng này. Samsung đã giải ngân và thực hiện các dự án rất nhanh cũng là một bài học kinh nghiêm tốt, có thể đúc kết để phổ biến rộng hơn.
Còn việc đầu tư nước ngoài giảm sút so với trước đây cần phải được phân tích cụ thể trong môi trường quốc tế có những thay đổi như thế nào và sự hấp dẫn năng lực cạnh tranh của Việt Nam đến đâu trong môi trường cạnh tranh rất gay gắt hiện nay.
Việc giảm sút như vậy cần phải có sự tỉnh táo, xem xét lý do tại sao giảm sút và đặt ra phương hướng. Hiện nay, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu bằng lợi thế lao động giá rẻ, song lợi thế đó không bền vững. Cần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư và chất lượng lao động.
Bởi vì gần đây Chính phủ vẫn có nỗ lực để cải cách nhưng kết quả được nêu trên các đánh giá chưa được phản ánh đầy đủ trong kết quả thu hút đầu tư nước ngoài.
Vậy theo ông, đâu là sự hấp dẫn riêng có của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài?
Sự hấp dẫn của Việt Nam đến thời điểm này vẫn chỉ phản ánh qua 3 yếu tố: Việt Nam hiện đang ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) cho nên việc xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn.
Thứ hai, Việt Nam có lao động dồi dào, lao động giá rẻ nên cũng thu hút các nhà đầu tư ngoại vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, Việt Nam có một số tài nguyên nhất định nên cũng thu hút một số doanh nghiệp nước ngoài vào khai thác tài nguyên.
Việt Nam cần tăng sức hấp dẫn bằng thể chế bộ máy có hiệu lực, kết cấu hạ tầng có chất lượng và nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực khoa học-công nghệ và sáng tạo được nâng lên.
Trong năm 2015 và các năm tiếp theo, theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì để tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng thay vì số lượng?
Có thời kỳ Việt Nam đã chạy theo số lượng nhưng có một số dự án có vốn đăng ký khổng lồ hoàn toàn không có thực.
Nhiều dự án chỉ đến đăng ký và không có thực đến giờ cần có nỗ lực để lựa chọn dự án phù hợp với yêu cầu phát triển.
Không phải cứ có dự án các tỉnh đều sẵn sàng cấp giấy phép, như vậy sẽ chồng chéo các dự án và làm cho cơ cấu kinh tế bị trùng lặp và kém hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự lan tỏa giữa đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế. Doanh nghiệp Việt cần có những động thái gì để hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động thu hút FDI, thưa ông?
Việc lan tỏa kém xuất phát cả từ 2 bên và quan trọng là phía doanh nghiệp Việt cho đến nay chủ yếu làm ăn vẫn dựa vào mối quan hệ, rất ít quan tâm đến đầu tư công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Câu chuyện Tập đoàn Samsung vừa qua có đưa ra lời đề nghị và đặt hàng 170 chi tiết cho doanh nghiệp Việt nhưng lại chỉ làm được quá ít, phần lớn không làm được theo chất lượng và giá thành họ yêu cầu.
Do đó, chúng ta phải thấy rằng, cần có sự chấn chỉnh xem xét nếu không có sẽ rất khó có sự lan tỏa.
Vì muốn lan tỏa phải cả 2 bên cùng tham gia hợp tác, bên này không quan tâm và vẫn chạy theo lợi nhuận chênh lệch giá sẽ không làm gì được.
Nhưng nếu muốn thay đổi đòi hỏi phải có nỗ lực thay đổi nghiêm chỉnh, thay đổi động lực của doanh nghiệp và cơ quan chính quyền, khắc phục thói quen kinh doanh bằng quan hệ, cả hai phía doanh nghiệp và quan chức chỉ nhằm ăn chênh lệch giá đất, khai thác tài nguyên.
Đồng thời phải hướng động lực vào sáng tạo, nâng cao năng suất lao động.
Vậy còn việc doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội, sức lan tỏa thông qua thu hút FDI nhìn từ khía cạnh công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thì sao, thưa ông?
Nhìn chung sự lan tỏa, chuyển giao công nghệ từ hoạt động đầu tư nước ngoài hiện vẫn rất thấp.
Chính phủ đã nắm bắt được vấn đề này và có những động thái quyết liệt về phát triển công nghiệp phụ trợ, chuyển giao công nghệ, nhất là sau hội nghị của Samsung.
Một thực tế nhiều người đã nhận ra là: Doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận công nghiệp phụ trợ ở đúng nghĩa của nó, đa số làm những phần rất phụ trong chuỗi giá trị cung ứng.
Vấn đề này trong tay doanh nghiệp và nhà nước. Hiện nhà nước đã nỗ lực, vận động tạo nguồn quỹ phát triển công nghiệp hỗ trợ, vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải tham gia, khi công nghiệp phụ trợ phát triển, nút thắt công nghệ sẽ được giải quyết.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo BizLive