Bà chủ thương hiệu trà gây dựng cơ nghiệp từ 20 triệu đồng

Thứ tư, 18/03/2015, 08:14
Điều hành từ nước ngoài, trực tiếp tham gia vào khâu nghiên cứu sản phẩm mới... là cách mà bà chủ thương hiệu trà Trần Thị Yến Nga gìn giữ và phát triển công ty có tuổi đời hơn 20 năm.  

Sinh ra trong gia đình nghèo, năm 15 tuổi đã phải buôn bán đủ thứ để kiếm sống nhưng quãng thời gian ấy đã giúp bà Trần Thị Yến Nga trở nên đam mê công việc kinh doanh.

“Lúc đó nghèo lắm, cứ có công việc là mừng, kể cả phải đi bán vải ở chợ. Tiền kiếm không được bao nhiêu nhưng cũng giúp ích tôi có thêm đam mê và kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh. Mãi đến năm 22 tuổi, khi tìm được bến đỗ thì công việc bắt đầu rẽ sang một hướng mới”, bà Nga kể.

Khi lập gia đình, công việc với người phụ nữ trẻ khi ấy bộn bề hơn. Tuy nhiên, vì đã trải nghiệm công việc kinh doanh từ nhỏ nên bà thấu hiểu nếu không có kiến thức sẽ rất khó phát triển. Ngoài tự học hỏi nhiều thứ, bà Nga đăng ký thi vào trường đại học chuyên ngành tiếng Anh. “Vừa sinh con, vừa học quả là gian khổ, nhiều hôm phải thức đến 4h sáng. Thời gian đầu tôi nghĩ chắc phải học đến 8 năm mới xong, nhưng quyết tâm cố gắng lên kế hoạch học tập cũng như chăm sóc gia đình bài bản, cuối cùng tôi cũng hoàn thành trong 4 năm như bao người khác”, bà Nga bộc bạch.

anh-dep-4891-1426582018.jpg

Ngoài kinh doanh trà, bà Nga còn mở một trung tâm thiền tại Australia. Ảnh: Thi Hà

Dù tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ, nhưng mối lương duyên trong kinh doanh vẫn luôn đeo bám bà. Bà Nga nghiên cứu rất nhiều về tài liệu kế toán, xuất nhập khẩu và đặc biệt chú trọng những kiến thức về thiên nhiên, sức khỏe con người nên trong lòng lúc nào cũng nung nấu ước nguyện làm ra sản phẩm tốt cho sức khỏe để phục vụ người tiêu dùng.

Một lần đến Nha Trang, tình cờ bà phát hiện rong biển trôi đầy trên mặt nước. Bà nghĩ, đây là một loại thực vật rất tốt cho sức khỏe, nếu chế biến thành nước uống hàng ngày, không những chữa được nhiều loại bệnh mà còn tránh lãng phí. Từ ý nghĩ đó bà lập tức mang nguyên liệu này về Sài Gòn và cùng chồng (thành viên Hội Y học dân tộc thời điểm đó) nghiên cứu bào chế ra sản phẩm. Cũng từ những sản phẩm này, bà Nga nghĩ ra hàng loạt những nguyên liệu thực vật, rau, quả có ích khác để chế biến thành trà.

“Ban đầu rất nhiều người ngăn cản, ai cũng cho rằng bào chế ra sản phẩm tốn công sức mà lại chẳng có mấy ai mua. Thế nhưng, tôi thì nghĩ những gì tốt cho sức khỏe không sớm thì muộn cũng rất cần, trong khi đó, nguyên liệu lại không quá thiếu. Do vậy, hai vợ chồng gom góp được hơn 20 triệu đồng là quyết định mở ngay cơ sở trà nhỏ mang tên Hùng Phát”, bà Nga thổ lộ.

Thời gian đầu vì không có tiền quảng cáo, để người tiêu dùng biết đến sản phẩm 2 vợ chồng bà sắm một giỏ xách nhựa đựng ly, bịch trà đi tới từng nhà pha cho người dân uống thử, rồi đem ra chợ Bình Tây (quận 5) để bán. Dần dần mọi người biết đến sản phẩm này nhiều hơn, thậm chí có mặt tại Siêu thị Sài Gòn chỉ một năm sau đó.

Thấy thị trường thuận lợi, năm 1994 bà Nga chính thức thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn ở quận Tân Bình. Với vỏn vẹn 10 nhân viên, nhà xưởng sơ sài, trang thiết bị không có nên mọi hoạt động đều làm thủ công, mỗi ngày chỉ sản xuất ra vài chục thùng.

“Số lượng sản xuất ra ít ỏi, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn vì sản phẩm không sử dụng chất bảo quản nên khó để được trong thời gian dài. Đây là lý do khiến nhiều khách hàng e ngại nếu dự trữ. Tuy nhiên, nếu sử dụng chất bảo quản sẽ hại gấp 10 lần so với bình thường nên tôi nhất quyết không thay đổi quan điểm”, bà Nga chia sẻ.

ab-1889-1426582022.jpg

Khâu đóng gói sản phẩm tại doanh nghiệp của bà Trần Thị Yến Nga. Ảnh: Thi Hà.

Cũng nhờ cách tiếp cận trên, cộng với ý chí kiên định nên sản phẩm trà thảo mộc của bà Nga nhanh chóng được thị trường nước ngoài đón nhận. Nhiều khách hàng trên thế giới tới tận cơ sở để đặt hàng. Năm 2008, doanh nghiệp của bà chuyển đổi thành công ty cổ phần, nhà máy phát triển lớn hơn với diện tích 5.000m2, dây chuyền sản xuất hiện đại cùng hàng trăm công nhân có tay nghề cao.

Năm 2014, công ty đạt doanh thu 70 tỷ đồng. Trong đó, xuất khẩu chiếm hơn một nửa với các thị trường trọng điểm như Mỹ, Australia, Nhật, Pháp, Canada, Hà Lan, New Zealand… Riêng đối với thị trường khó tính Mỹ, năm 2009 do sản phẩm của bà được một nhà phân phối độc quyền bán rất nhiều ở thị trường Mỹ, khiến đại diện Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phải bay sang Việt Nam mang theo những thiết bị hiện đại để kiểm tra. Sau 2 ngày, FDA không những không có cáo buộc nào về sản phẩm mà còn khen ngợi công ty, đồng thời, khuyến khích mở rộng thị trường tại Mỹ.

Chia sẻ về cách điều hành công ty cũng như tìm kiếm thị trường bà Nga cho hay, đã nhiều năm nay bà sống ở Australia, ít khi về Việt Nam nên toàn bộ công việc tại đây bà đều điều hành từ xa. Mỗi sáng bà họp trực tuyến với mọi người qua phần mềm riêng của công ty.

“Bây giờ tôi nhàn lắm, mọi việc đã có nhân viên lo. Để làm được điều này không quá khó, đơn giản là tôi phải tạo niềm tin với khách hàng và chăm sóc nhân viên chu đáo, coi họ như là người thân trong gia đình”, bà Nga nói.

Bà đưa ra dẫn chứng, 20 năm nay sản phẩm chỉ có một chất lượng. Để bảo quản tốt, sản phẩm được đóng gói bằng công nghệ hiện đại và không dùng chất bảo quản. Riêng về đội ngũ nhân viên, để họ gắn bó, bà đưa ra hàng loạt chính sách đãi ngộ như tổ chức đám cưới cho nhân viên, xây phòng trọ miễn phí trong công ty hoặc cho vay tiền mua nhà, hỗ trợ học hành nếu có nhu cầu... Đối với những nhân viên trên 50 tuổi, bà sẽ mua bảo hiểm cá nhân cho họ ở các bệnh viện uy tín.

“Chưa một nhân viên nào có ý định rời bỏ công ty, nhiều khi tôi còn tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng vì nhân viên biết cách thắt chặt chi tiêu trong sản xuất, tìm nguồn hàng với giá ổn định và thấp hơn so với bình thường”, bà Nga kể.

Trong buổi nói chuyện hôm 16/3 với 33 học viên MBA của Đại học Arizona (Mỹ) về thăm mô hình kinh doanh của công ty, rất nhiều người băn khoăn không biết bà giải quyết thế nào với vấn đề hàng nhái, giả… Bà cho rằng đây là vấn nạn khó dẹp bỏ, nhiều lần công ty đã gửi thư cảnh cáo, răn đe nhưng những đơn vị làm hàng nhái vẫn “bình chân như vại”.

Do vậy, để đối phó công ty chỉ còn cách tạo ra sản phẩm chất lượng cao, ra mắt nhiều sản phẩm mới để ngăn chặn việc sao chép từ đối thủ. Ngoài ra, toàn bộ thiết kế, chế biến, thử nghiệm thành phần lần đầu đều do 2 vợ chồng bà thực hiện. Sau khi nghiên cứu thành công mới viết công thức chung để sản xuất hàng loạt.

Khi được hỏi về kế hoạch tương lai, bà Nga cho biết chưa có ý định mở rộng thêm, nhưng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thị trường xuất khẩu. Tại Mỹ, bà đang tìm đường để đưa hàng vào trực tiếp hệ thống Walmart, Costo…

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích