Xăng bị tăng thuế môi trường 300%: Đẩy hết phần thiệt về dân?

Thứ tư, 18/03/2015, 11:44
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, nếu lấy nguyên nhân tăng thuế môi trường xăng lên 300% để tăng thu ngân sách là không đúng với nguyên tắc quản lý tài chính và sai lầm.

Ngày 10/3 vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, nhiên liệu bay từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít.

Tăng thuế môi trường 300% - Một mũi tên trúng nhiều đích?

Theo ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), mỗi năm số xăng Việt Nam tiêu thụ vô cùng lớn trong khi dầu hoả chỉ vài chục triệu lít mà chủ yếu được tiêu thụ ở những vùng sâu, vùng xa…

Lý giải nguyên nhân buộc phải tăng thuế môi trường đối với mặt hàng xăng lên 300%, đại diện đến từ Bộ Tài chính đưa ra 4 lý do.

Trước tiên, theo ông Thi, ở thời điểm hiện tại xăng dầu đang chịu mức thuế nhập khẩu là 35%, nhưng theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (mức thuế ATIGA) thì tới đây sẽ phải cắt giảm xuống 20%. Ngoài ra, giá xăng dầu từ quý 3/2014 liên tục giảm, với mức giảm hơn 10.000 đồng/lít. Theo quy luật, giá giảm thì cầu sẽ tăng lên, nên tăng nguy cơ tác động đến môi trường.

Ông Thi cũng đưa ra lý do, hiện nay giá xăng dầu Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn khu vực từ 1.000 - 7.000 đồng/lít, việc tăng thuế cũng góp phần hạn chế tình trạng xăng dầu chảy qua nước láng giềng, chống buôn lậu. Đồng thời, việc tăng thuế với xăng hoá thạch nhập khẩu có mục đích tạo ra sự chênh lệch giá với xăng sinh học E5, từ đó thúc đẩy người dân dùng xăng E5 và một phần để chống hụt thu ngân sách do giá dầu giảm.

“Do cam kết của chúng ta với các hiệp định nên việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là hợp lý tránh bất lợi cho nền kinh tế. Việc giảm thuế nhập khẩu xăng sẽ được tính toán cụ thể và công bố sau”, ông Thi nói.

Quan điểm của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng trùng hợp với quan điểm của ông Nguyễn Tiến Thỏa – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá. Ông Thỏa bày tỏ, thực tế không hẳn tăng thuế bảo vệ môi trường tăng lên sẽ làm tăng giá xăng dầu vì đưa thuế bảo vệ môi trường vào giá cơ sở cùng với thuế nhập khẩu, nếu thuế nhập khẩu không giảm thì giá sẽ tăng. Tuy nhiên, chúng ta lại điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu theo cam kết. Bài toán này đã được Bộ Tài chính tính toán kỹ.

Ngoài ra, thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, lại được xây dựng trên nguyên tắc người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường phải nộp thuế. Thuế này được cấu thành vào giá hàng hoá nên nó có tác dụng kích thích và điều chỉnh sản xuất, tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc nghiên cứu tìm ra các nguồn năng lượng sạch, đổi mới công nghệ…

Mỗi lít xăng "gánh" 10.000đ thuế, phí

Dù cơ quan quản lý đều một mực khẳng định tăng thuế môi trường không làm tăng giá xăng bán lẻ trong nước, song theo PGS.TS Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cả (Bộ Tài chính), nói như vậy là không hợp lý.

“Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu cộng thêm cả thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng thêm (2.000 đồng/lít), tương đương khoảng 10% so với giá hiện nay, nói không tác động thì không thỏa lòng người nghe. Chắc chắn thuế môi trường tăng, dù thuế nhập khẩu giảm về 20% theo cam kết, thì cũng sẽ tác động không nhỏ tới giá xăng”- ông Ngô Trí Long nói.

Với cơ cấu tính giá xăng dầu hiện nay (như thuế suất thuế nhập khẩu đang là 35%, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%; GTGT là 10%, thuế bảo vệ môi trường là 1.000 đồng/lít…) thì theo tính toán của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tổng các loại phí, thuế mà mỗi người dân phải “gánh” khi mua mỗi lít xăng vào khoảng 7.888 đồng/lít. Nếu thuế môi trường đối với mặt hàng xăng tăng lên 300%, thì tổng mức thuế, phí người tiêu dùng sẽ phải “gánh” tương đương gần 10.000 đồng/lít.

Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cả (Bộ Tài chính) cũng nhìn nhận, trong lúc doanh nghiệp và cả người dân vừa “dễ thở” đôi chút mà cơ quan quản lý đã “nhanh nhảu” áp thêm thuế môi trường lên 300% với lý do “hụt thu ngân sách” là không đúng với nguyên tắc quản lý tài chính (chi đúng mục đích, đúng chế độ, khoản nào vào khoản đấy…) và là sai lầm.

Chưa kể, cơ quan quản lý còn có nhiều “van” để điều hành giá xăng dầu, như bằng việc tăng/giảm lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn… Thậm chí, ông Long quả quyết, đây là “cú sốc” mới, khiến chi phí đội lên và người tiêu dùng phải mất thêm tiền do giá tăng.

“Đáng lý nếu có tăng thì nên có lộ trình tăng từ từ chứ không nên quá sốc. Nếu cơ quan chức năng không biết chia sẻ lợi ích Nhà nước (là thuế) – doanh nghiệp (là lợi nhuận) - người tiêu dùng (giá), chỉ đứng về phía 2 đối tượng đầu mà bỏ rơi người tiêu dùng để tăng thuế cao là sai lầm, làm hạn chế năng lực cạnh tranh”, ông Long kết luận.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn