Chàng trai 9x thành công với ý tưởng kinh doanh bể cá mini

Thứ năm, 26/03/2015, 23:11
Từ một bể cá tí hon tự làm để tặng bạn bè, Linh (sinh năm 1991) thử rao bán trên diễn đàn online và thành công bất ngờ sau đó.
2-be-ca-mini-copy-2780-1427340709.jpg

Bể cá kích thước 30x12x15 được Linh cùng cộng sự phát triển thành thương hiệu riêng chỉ sau một năm.

Năm 2013, khi đang là sinh viên năm thứ tư Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đào Nguyễn Quang Linh sử dụng khung gỗ và kính tự thiết kế một vài bể cá nhỏ tặng bạn bè. Hào hứng với gợi ý của mọi người, Linh rao bán thử bán sản phẩm đầu tay trên một số diễn đàn online.

"Thật bất ngờ, bể cá mini được nhiều khách hàng đặt mua. Sau khi tốt nghiệp, mình đã tập trung việc kinh doanh sản phẩm này", chàng trai trẻ kể lại.

Sau hơn một năm khởi nghiệp, đến nay Linh đã một thương hiệu riêng cũng như lượng khách hàng đông đảo. Tuy nhiên doanh nhân trẻ cho biết, công sức gây dựng nên cơ sở sản xuất phần nhiều nhờ sự hỗ trợ đắc lực của 5 thành viên khác. "Tuy các bạn đều cùng lứa 9X, nhưng mọi công việc đều được sắp xếp, phân công rất chuyên nghiệp từ quản lý, phát triển sản phẩm, vấn đề tài chính, bán hàng, đến chính sách hậu mãi", tác giả cho hay.

Hà - một thành viên chia sẻ, mục tiêu cốt lõi mà nhóm hướng đến là phát triển những sản phẩm xanh, gắn với tình yêu thiên nhiên của khách hàng. Mỗi sản phẩm là một phần thu nhỏ của thế giới chứ không đơn thuần là một món đồ kích thước nhỏ, gọn. "Từ một mẫu bể cá đầu tiên, năm qua dự án đã đưa ra thị trường thêm 2 phiên bản mới đồng thời cũng chào hàng sản phẩm vườn cỏ, mô hình gốm sứ tí hon", Hà cho biết.

Việc lựa chọn sản phẩm mini để phát triển theo Hà xuất phát từ tâm lý chung. "Khi nhìn vào những mô hình, đồ vật mini, chắc chắn ai cũng có cảm giác tò mò, lôi cuốn. Nhờ đó giúp khách hàng có thể thư giãn trong thời gian ngắn mà quên đi áp lực công việc", cô nói thêm.

"Cả nhóm luôn tự đặt mình vào vị trí của khách hàng để cảm nhận như những người nghiệp dư. Hầu hết khách hàng đều không có kinh nghiệm nuôi cá, chăm sóc cỏ nên khi sản phẩm đưa ra thị trường, nhóm đã đơn giản hóa mọi thao tác từ chuyển hàng cho đến chăm sóc cá, cây", một thành viên khác chia sẻ.

Với mức giá từ 160.000 đến 320.000 đồng một sản phẩm, mỗi tháng nhóm có doanh thu hơn 100 triệu đồng. Theo các thành viên, để có một món đồ mới ra đời từ ý tưởng, thiết kế, làm mẫu, thử nghiệm, hoàn thiện sản xuất và giới thiệu sản phẩm trong khoảng 4 - 5 tháng.

Tuy mới và lạ song việc tiếp thị của các bạn trẻ không phải dễ dàng. "Tất cả sản phẩm đều được thiết kế mới và hầu như khách hàng chưa có thói quen sử dụng. Có món đồ phải mất hàng tháng nhóm mới có được đơn hàng đầu tiên", Linh cho hay.

tgmn-copy-8372-1427340711.jpg

Thời gian tới, Linh (áo trắng bên trái) cùng nhóm bạn sẽ cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm mini thân thiện với môi trường.

Dù các sản phẩm có đăng ký nhãn hiệu và bản quyền, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn trên thị trường xuất hiện hàng nhái. "Có khi chỉ sau 1 tuần họ đã sao chép xong cả về thiết kế, kích thước, nội dung lẫn hình ảnh", trưởng nhóm dự án chia sẻ.

Song, các bạn trẻ cho rằng một bể cá hay vườn cây mini không đơn thuần chỉ là gỗ, kính và đá. Để tạo thành sản phẩm đó còn thái độ phục vụ, khả năng hỗ trợ, tư vấn, bảo hành và quan trọng nhất là tình yêu thiên nhiên của các thành viên trong dự án.

"Sự thấu hiểu là điều mà khó có một sản phẩm nhái có thể làm được. Đó là điều cốt lõi trong cạnh tranh mà nhóm hướng đến", một cộng sự bày tỏ.

Hiện nhóm đã có 3 đại lý bán hàng tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM nhưng Linh cho biết vẫn chưa thể cung cấp đủ sản phẩm cho nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các ngày lễ lớn. Do vậy, nhóm đang mở thêm chi nhánh tại các tỉnh, trong đó Ninh Bình, Thanh Hóa là 2 địa điểm được khai trương từ cuối năm ngoái.

Theo nhận định của Linh, các sản phẩm xanh sẽ còn tăng trưởng mạnh thời gian tới, trong đó có những món đồ mini. Tới đây,  nhóm của Linh sẽ cho ra mắt thêm 8 sản phẩm mới, cùng đó sẽ sáng tạo thêm nhiều mẫu hàng thân thiện với thiên nhiên, dễ dàng chăm sóc, sử dụng.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích