Khi đại gia làm nông dân

Thứ sáu, 27/03/2015, 07:38
Nông nghiệp Việt Nam vốn gắn liền với hình ảnh những mảnh ruộng nhỏ, con trâu-cái cày, đàn gà-lợn, sự tần tảo một nắng hai sương và những gì cực nhọc nhất. Thế nhưng, gần đây, nhiều đại gia Việt đổ hàng tỷ đô la Mỹ vào làm nông nghiệp. Đó như một luồng gió mới, thổi vào mảnh đất lâu nay khát vốn, cần nhà đầu tư, khoa học kỹ thuật...
Nhiều doanh nghiệp lớn đang “cày cấy”, “gặt hái” trên mảnh đất “vàng” mang tên nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Kỳ 1: Bán bất động sản đi nuôi bò

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài rót tiền vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Có đại gia bất động sản quyết định bán tất cả nhà đất để nuôi bò.

Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức tuyên bố: Trồng mía, ngô, cao su, nuôi bò và cả cỏ cho bò ăn sẽ là nguồn nuôi sống chính của doanh nghiệp này trong tương lai gần. Để hái được quả ngọt trong lĩnh vực nông nghiệp, cần phải làm lớn, đầu tư một cách nghiêm túc.

Tại kỳ đại hội cổ đông thường niên năm 2014, ông Đức cho biết HAGL đã đầu tư 18.000 tỷ đồng vào NN công nghệ cao và bước đầu thu được thành công. Riêng năm 2014, doanh thu từ bán mủ cao su, bán đường của tập đoàn đạt gần 1.270 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước và chiếm hơn 40% tổng doanh thu.

Trao đổi với PV, đại gia bất động sản - Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức không giấu tham vọng đạt siêu lợi nhuận khi chuyển hướng sang làm nông nghiệp (NN). “Phải làm lớn” là thông điệp được ông Đức nhắc lại nhiều lần khi say sưa nói về việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp sử dụng công nghệ cao.

Nhìn lại thành quả đạt được, ông Đức nói rằng, ông và ban lãnh đạo HAGL phải vượt qua không ít nghi ngại, sức ép từ chính các cổ đông và dư luận. Đặc biệt, năm 2008, không ít ý kiến vào ra, khi ông quyết định nhập cuộc chơi lớn bằng việc chuyển hướng sang Lào, Campuchia tìm đất trồng cao su, sau đó là mía, cọ dầu và ngô, với phương châm đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh để phân tán rủi ro, “lấy ngắn nuôi dài”.

Vài năm sau, những điều tiếng ban đầu dần được xóa khi những dòng tiền đầu tiên chảy ngược về với HAGL. “Quả ngọt” từ lĩnh vực NN công nghệ cao tiếp tục được HAGL phát triển sang lĩnh vực mới. Đến giữa năm 2014, HAGL có khoảng 44.500 ha cao su, 8.000 ha mía đường, 17.300 ha cọ dầu, khoảng 5.000 ha ngô.

Về việc “sang ngang” trong quyết định đầu tư của HAGL, ông Đức nói rằng, do nhìn thấy “mỏ vàng” chưa được khai thác hết trong NN. Nhiều nông dân làm lúa gạo, đậu tương, cà phê, ca cao, hạt tiêu, điều… đã trở thành tỷ phú nhờ những giọt mồ hôi công sức và sự đầu tư bài bản.

Theo ông Đức, sản xuất NN ở Việt Nam đang rất manh mún, cần có những doanh nghiệp lớn đứng ra tổ chức, làm “mũi tên” cho các doanh nghiệp khác đi theo. Dẫu vậy, để bộ mặt của ngành NN có sự thay đổi thật sự, các doanh nghiệp trong nước cần phải chấp nhận cạnh tranh, thậm chí chấp nhận bị phá sản, sáp nhập.

“Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, tôi ra đầu tư ở nước ngoài không được ưu đãi gì, do họ không có chính sách ưu đãi về NN. Chính những doanh nghiệp đang làm NN ở trong nước được ưu đãi rất lớn. Nhìn lại tất cả những ngành có sự hỗ trợ, bảo hộ của Nhà nước, sức cạnh tranh trên thị trường không hề cao”, ông Đoàn Nguyên Đức nói.

Theo lãnh đạo HAGL, để thành công khi đầu tư vào NN công nghệ cao, phải làm nghiêm túc. HAGL đang thực hiện dự án chăn nuôi bò kết hợp với Cty Vissan, nhiều ngân hàng đề nghị cho vay vốn. “Anh làm dự án thật tốt thì không bao giờ thiếu vốn được”, ông Đức nói. Chủ tịch HAGL cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực nào là do doanh nghiệp tự chọn, lợi nhuận ra sao là chuyện khác. Đến giờ nhìn lại, tôi thấy rất hiệu quả. Vì vậy, HAGL đang tái cấu trúc lại toàn bộ, bán toàn bộ bất động sản để tập trung đầu tư duy nhất vào NN”, ông Đức nói.

Đầu tháng 2, ông Đức tuyên bố chuyển sang đầu tư phát triển đàn bò tới 200.000 con. Ông nói: “Tôi sẽ mở rộng đàn bò vì đây là kênh hiệu quả nhất trong tất cả những ngành tập đoàn từng đầu tư. Nếu nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh cũng như lợi nhuận thu được từ làm thủy điện, mía đường, bắp, cao su, cọ dầu”.

Tìm kiếm lợi nhuận từ NN để bổ trợ mảng kinh doanh chính (bất động sản) là cách Cty Phát triển Nhà Thủ Đức lựa chọn để duy trì hoạt động trong bối cảnh thị trường này ngưng trệ. Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Cty, cho biết, sẽ chọn mảng nông lâm sản và phân bón để “cày cấy” trên mảnh đất NN được đánh giá vẫn còn khá màu mỡ.

Cũng chọn hướng cắm sâu gốc rễ để tính kế dài lâu, Cty Đầu tư Thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền đổ khá nhiều tiền tham gia lập Cty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Ascentro để kinh doanh nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống.

Trang trại bò sữa của HAGL. Ảnh: Bình Minh.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm

Được ví là “nàng công chúa ngủ đông” nhiều năm, NN dường như đang dần “sống” lại khi nhiều đại gia ở lĩnh vực khác đầu tư vào. Gần đây, một loạt doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc… tìm cách đặt chân vào TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long, để xây dựng các nhà máy chế biến hoặc trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao.

Tháng 2, Phó Chủ tịch ISE Food, tập đoàn nuôi gà đẻ trứng lừng danh của Nhật Bản, có buổi gặp với đại diện UBND TPHCM bày tỏ mong muốn tìm kiếm đối tác Việt Nam để chuyển giao, hợp tác kỹ thuật trong chăn nuôi, giới thiệu.

Giữa tháng 3, Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp nông thôn Hàn Quốc (KRC) và UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác công - tư trong lĩnh vực NN. Dự án sẽ được thực hiện trong 50 năm, với diện tích gần 28.000ha, tại các huyện Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười và Cao Lãnh.

     

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nông nghiệp khá thấp, chỉ chiếm 3% tổng dự án, 1,49% tổng vốn đăng ký và có xu hướng ngày càng giảm. Các dự án FDI lĩnh vực NN phần lớn có quy mô nhỏ. Trong khi quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án FDI khoảng 14,7 triệu USD, một dự án FDI nông nghiệp chỉ đạt 6,6 triệu USD.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn