Hiệp hội Các nhà sản xuất dệt may Thái Lan (TGMA) vừa đưa một đoàn doanh nghiệp sang làm việc tại TP.HCM và Hà Nội để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tìm hiểu hợp tác đầu tư. Trước đó không lâu, tháng 8/2014, đơn vị này cũng tổ chức một đoàn tương tự đến TP.HCM.
Bà Malinee Harnboonsong, Giám đốc Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế của Thái Lan cho rằng, Việt Nam không phải là đối thủ mà là đối tác của Thái Lan, nhất là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực vào cuối năm nay.
Bà dẫn chứng, theo thống kê từ Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế Thái Lan cho thấy, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sợi sang Thái Lan đạt 76 triệu USD và nhập khẩu 194 triệu USD vải từ Thái Lan.
Cũng theo bà Malinee Harnboonsong, các doanh nghiệp dệt may của Thái Lan sắp tới sẽ điều chỉnh chiến lược kinh doanh, và Việt Nam được chọn lựa như là để bù đắp vào sự hạn chế mà doanh nghiệp nước này còn thiếu khi chưa xuất khẩu được nhiều sản phẩm sang EU và Mỹ. Đặc biệt hơn cả khi Việt Nam sắp gia nhập TPP, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Còn bà Phasiree Orawattanasrikul, Phó chủ tịch TGMA thì cho biết thêm, đối với ngành dệt may, các doanh nghiệp Thái Lan không muốn hợp tác theo hình thức M&A, mà sẽ tìm kiếm đối tác Việt Nam để thành lập công ty liên doanh.
Các tập đoàn lớn của Thái Lan đang lên kế hoạch biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất để tái xuất khẩu các sản phẩm của mình sang các nước khác. Ảnh:QH |
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Thái Lan hiện là một trong những quốc gia hàng đầu về dệt may, nhất là khâu dệt và thiết kế. Đặc biệt, Thái Lan đã đưa ra lộ trình 20 năm nữa trở thành trung tâm thời trang của châu Á.
Trong khi đó, các tập đoàn lớn của Thái đang lên kế hoạch trong 5 năm tới sẽ biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất để tái xuất khẩu các sản phẩm của mình sang các nước khác do Việt Nam có lực lượng lao động giá rẻ có tay nghề.
Đại diện của VITAS nhận định, ngành dệt may của Việt Nam quy mô lớn nhưng không mạnh, do lệ thuộc 85% vào nguyên liệu nhập khẩu, và trên 70% là gia công. Vì vậy, sự kết hợp giữa một nước có thế mạnh về sản xuất như Việt Nam với một nước có thế mạnh về cung cấp nguyên liệu và thiết kế như Thái Lan để trở thành trung tâm dệt may ở châu Á là có cơ sở.
Tương tự dệt may, ngành ôtô của Việt Nam cũng đang rất được nhà đầu tư Thái chú ý. Ông Vichai Jirathiyut, Chủ tịch Viện ôtô Thái Lan tại một hội nghị diễn ra ở TP HCM mới đây đã bày tỏ mong muốn ngành ôtô của hai nước cùng nhau hợp tác để phát triển thay vì cạnh tranh với nhau.
Theo ông Vichai, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong những năm gần đây tăng trưởng cao và riêng năm ngoái lắp ráp và sản xuất ôtô trong nước đạt khoảng 120.000 xe, tăng 29% về lượng và tăng đến 35% về doanh số bán hàng so với năm trước đó. Đây là con số tăng trưởng khá ấn tượng trong ngành và ông tin rằng thị trường ôtô Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới bởi số lượng người dân sở hữu ôtô còn rất thấp.
Ông Vichai so sánh, thị trường Thái Lan có 67 triệu dân và đa số đang ở độ tuổi về già nhưng đã tiêu thụ đến 880.000 xe một năm. Trong khi dân số Việt Nam hiện đã vượt 90 triệu người, đa số còn trẻ nên chắc chắn sẽ có nhu cầu sắm ôtô cao hơn.
"Ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam được dự báo sẽ sản xuất đạt 220.000 xe vào năm 2020 và tăng lên đến 1,5 triệu xe vào năm 2035. Điều này sẽ làm cho ngành công nghiệp tô Việt Nam phát triển nhanh trong cộng đồng kinh tế chung ASEAN", ông Vichai nói và nhận định thêm rằng Việt Nam cần khắc phục điểm yếu về phát triển nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ cho ngành.
Theo Chủ tịch Viện ôtô Thái Lan, hiện trong khối các nước ASEAN, Thái Lan được đánh giá là nước có ngành công nghiệp ôtô phát triển, cạnh tranh cao.
Ông Vichai cho rằng, các nhà sản xuất Thái Lan đang nắm giữ nhiều công nghệ tiên tiến có lợi cho các nhà sản xuất Việt Nam trong thị trường chung AEC. Các dây chuyền công nghiệp tự động chưa đầy đủ ở Việt Nam cho thấy hai ngành công nghiệp ở Việt Nam và Thái Lan có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Tuy nhiên, theo lo ngại của nhiều chuyên gia, Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi tiêu thụ ôtô nhập khẩu trong khu vực do Việt Nam bắt đầu cắt giảm thuế theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Với tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp ôtô trong nước rất thấp, chỉ đạt 10-30% tùy theo dòng xe, thì khi thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc bằng 0% vào năm 2018, việc nhập khẩu phụ tùng và lắp ráp tại Việt Nam rõ ràng sẽ đắt hơn nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan hoặc Indonesia.
Theo VnExpress