Vì sao tỷ giá USD vẫn “bất kham”, nhăm nhe vượt trần?

Thứ sáu, 03/04/2015, 09:20
Mức giá bán ra cao nhất trên thị trường ngày 2/4 đã cán mốc 21.630 đồng/USD, chỉ còn cách trần cho phép 53 đồng/USD. Tỷ giá đồng USD vẫn không ngừng “nhảy múa” bất chấp những lời "trấn an" của NHNN

Giá đồng đô la Mỹ (USD) bán ra tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, Eximbank, DongABank… chiều ngày 2/4 đã bất ngờ tăng vọt, “căng” đều ở mức 21.620 đồng/USD, cá biệt có ngân hàng còn kéo mức giá này lên 21.630 đồng/USD. So với mức trần của NHNN mới điều chỉnh từ ngày 7/1/2015 là 21.673 đồng/USD, thì mức giá này chỉ còn cách trần 53 đồng.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 ngày giữa tuần, giá đồng USD đã đắt thêm 30-40 đồng/USD, tùy từng ngân hàng. Còn so với tuần trước, mỗi đồng bạc xanh đã tăng thêm 75-80 đồng. Một điểm đáng chú ý, trong suốt đợt “sốt nóng” vừa qua, khoảng cách giữa giá thu mua và bán ra tại các ngân hàng luôn được giữ ở mức “vênh” khá cao, tới 80-90 đồng/USD.

Đây là đợt “dậy sóng” lần thứ 2 của tỷ giá VND/USD kể từ đầu năm tới nay. Thường, sau mỗi lần phát đi thông điệp trấn an của cơ quan quản lý, giá đồng bạc xanh sẽ “dịu” hẳn và ổn định. Tuy nhiên, đợt tỷ giá “nóng” lên lần này lại có yếu tố khác biệt. Giá USD chỉ giảm nhiệt trong 1 ngày, còn sau đó là những chuỗi ngày tăng giá dần đều. Với những diễn biến của thị trường, có vẻ phương thuốc trấn an lần này đã không còn hiệu nghiệm như trước, nó chỉ loại bỏ được yếu tố tâm lý, chứ không loại bỏ được áp lực điều chỉnh đang hiện hữu.

Trước sự nóng lên của đồng đô la Mỹ, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài áp lực cung – cầu thị trường, thì có khả năng vài nhà băng đã “bắt tay” nhau để tạo “sóng” tỷ giá.

Giá USD vẫn không ngừng tăng lên cả trong và ngoài hệ thống ngân hàng

Bình luận về lo ngại này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã ngay lập tức loại bỏ yếu tố "tạo sóng”. Theo bà Hồng, theo quan sát của NHNN cho tới thời điểm này thì việc tạo “sóng” của ngân hàng nhằm gây biến động tỷ giá là không có trên thị trường. Tuy nhiên, các Vụ chức năng của NHNN cũng đã vào cuộc thanh, kiểm tra. Trong trường hợp phát hiện sẽ xử lý kịp thời ngân hàng nào cố tình lợi dụng tình hình để tạo “sóng” tỷ giá.

“Thị trường có lúc tăng, lúc giảm. Khi tỷ giá vẫn trong biên độ quy định, mức bán ra trên thị trường vẫn dưới mức trần 21.673 đồng/USD của NHNN thì trên cơ sở đánh giá cung – cầu chưa có gì phải lo ngại”- Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Ở lần “sốt nóng” đầu tiên, NHNN khẳng định “không điều chỉnh tỷ giá sẽ tốt hơn cho thị trường”, còn với lần này thị trường cũng đang chờ đợi một liệu pháp can thiệp rõ ràng hơn từ phía cơ quan quản lý. Dù diễn biến tỷ giá đang không mấy tích cực, nhưng các chuyên gia nhìn nhận, chưa cần động thái can thiệp tỷ giá ngay lúc này. Thay vào đó, khi nguồn dự trữ ngoại hối đang khá dồi dào, khoảng 36 tỷ USD, thì để giãn thời gian phải điều chỉnh tỷ giá, NHNN có thể tính tới giải pháp tạm thời là bơm ngoại tệ can thiệp, cân đối lại cung – cầu ngoại tệ trên thị trường, sau đó mua vào để bù đắp, như đã làm hồi cuối năm 2014.

Cũng cho rằng, thời điểm hiện tại chưa cần thiết phải điều chỉnh tỷ giá ngay, chia sẻ với PV, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, việc điều chỉnh có thể đem lại lợi ích ngay lập tức cho xuất khẩu, nhưng phần lợi lại quá nhỏ so với tác động tiêu cực.

Cụ thể, theo vị chuyên gia này, nếu vội vã điều chỉnh tỷ giá ngay lúc này sẽ tác động xấu tới lạm phát (dù đang thấp), nhập khẩu, kinh tế vĩ mô… Bên cạnh đó, điều chỉnh ngay lúc này có thể khiến nợ nước ngoài của Việt Nam tăng lên, không chỉ nợ của Chính phủ, mà cả nợ của doanh nghiệp.

Một tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, nếu tỷ giá tăng thêm 1%, nợ công sẽ tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng. Dù chưa có sự kiểm chứng về độ chính xác của con số này, song theo ông Hiếu, với tỷ lệ nợ công đang tiến sát ngưỡng 65% GDP như hiện nay, một đồng nợ tăng thêm cũng sẽ là gánh nặng quá lớn với quốc gia.

“Nợ công đang rất lớn, đang tiến sát trần 65% GDP, và là yếu tố để cơ quan quản lý cân nhắc trong điều hành tỷ giá, nhưng cũng không quá quan ngại” – TS. Hiếu trấn an.

Ông tiếp lời, nên theo dõi tiếp biến động của tỷ giá trên thị trường thế giới, nếu chỉ số ngoại tệ đồng USD tăng lên quá mạnh thì việc điều chỉnh tỷ giá là cần thiết, nếu không sẽ tạo “đất” cho đầu cơ.

Ngoài ra, về biên độ tỷ giá “cứng” 2%, dưới góc độ phân tích của mình TS. Hiếu cho rằng, NHNN cũng không nên “neo” tỷ giá tuyệt đối với chỉ tiêu 2%, mà trong trường hợp cần thiết, nếu tình hình thị trường ngoại hối tiếp tục có biến động thì nên suy xét việc “nới” biên độ này.

“Việc mở rộng biên độ tỷ giá sẽ giúp đồng Việt Nam đi sát thị trường hơn, hỗ trợ nền kinh tế và lòng tin của người dân vào Việt Nam đồng” – ông nói.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn