Đây là yêu cầu của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất hạn ngạch bổ sung để trình Chính phủ quyết định.
Với mức thuế suất 2,5% giới chuyên môn cho là phù hợp. Khác với hồi đầu năm 2014, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị cho nhập số đường nói trên với thuế suất ưu đãi 0%.
Đề xuất này khi đó vấp phải sự phản ứng từ Hiệp hội mía đường Việt Nam trong đó không đồng tình về việc miễn thuế xuất hải quan.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến 15/3, lượng đường tồn tại kho các nhà máy là 410.180 tấn, thấp hơn cùng kỳ 178.520 tấn.
Ngành mía đường chính thức bước vào cạnh tranh |
Trước đó nhiều chuyên gia cho rằng, việc cho nhập đường từ nước ngoài về được xem là "phép thử" đối với ngành mía đường Việt Nam, buộc phải cạnh tranh để nâng chất lượng và giảm giá thành.
Mới đây khi chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo liên bộ về quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô quý I/2015 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh việc xóa bỏ bảo hộ đối với ngành nghề này, yêu cầu các doanh nghiệp trong nước cơ cấu lại doanh nghiệp và đưa công nghệ mới vào sản xuất.
Thủ tướng cho biết, trong phiên họp trước đây, Thủ tướng cũng đồng ý cho nhập 50.000 tấn đường vì còn bảo hộ như thế này thì không được.
"Hiện nay chúng ta có mấy trăm nhà máy đường mà 90 triệu dân vẫn phải ăn đường giá cao. Chúng ta phải cơ cấu lại doanh nghiệp, bản thân từng doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu, đưa công nghệ mới vào, tích vốn, nguyên liệu tạo ra sản phẩm tốt, chất lượng đường tốt và giá thành rẻ", Thủ tướng chỉ đạo.
Câu chuyện này thời gian qua cũng được những người trong ngành bàn luận sôi nổi. Theo đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng ngành mía đường phải thoát ra khỏi vỏ bọc bảo hộ để thay đổi và đi lên.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cho rằng: "Cơ quan quản lý nhà nước nên mạnh dạn để ngành mía đường bung ra, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa xuất khẩu. Tức là để ngành mía đường hoạt động theo đúng nghĩa thị trường chứ việc gì phải ôm bế? Phải thoải mái như tất cả các ngành khác.
Phải mở cửa mà là không cần bảo hộ. Cứ để cho cơ chế thị trường thanh lọc, doanh nghiệp nào ‘chết’ cho ‘chết luôn’ chứ không thể để làm kiểu bao bọc mãi", ông Tam khẳng định.
Lý giải thêm quan điểm này, ông Tam cho rằng: Cứ nói bảo hộ, nhập đường cũng quota mà xuất khẩu cũng quota. Nếu cứ mãi tình trạng xin – cho này thì sẽ chỉ tập trung vào một nhóm nào đó chứ không đẩy ngành mía đường mạnh nên được.
"Cũng như lúa gạo phải là sản xuất đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, không cần ai bảo hộ. Mía đường cũng vậy, phải mạnh dạn thay đổi", ông Tam chia sẻ với Đất Việt.
Theo Báo Đất Việt