Cầm cự với một chiếc máy bay duy nhất, mỗi ngày phải tải 6 chuyến bay đi và về giữa TP.HCM và Hà Nội, tình hình tài chính của Indochina Airlines không sáng sủa gì hơn.
Nhân viên của Indochina đi làm trong tâm trạng rất uể oải, vì đã 4 tháng ròng không nhận được lương. Nhiều nhân viên muốn đi tìm việc khác, nhưng không thể ra đi, phải nấn ná ở lại với hy vọng mong manh được nhận "đúp" nhiều tháng lương cùng lúc. Đi là coi như mất lương...
Sự suy thoái của Indochina Airlines, có thể nhận thấy ở điều đơn giản nhất: Lúc hãng mới khai trương, đến giờ ăn trưa, nhân viên lũ lượt kéo xuống nhà hàng ở tầng hầm tòa nhà ParKson C.T Plaza, bên dưới trụ sở của hãng, nơi có máy lạnh, món ngon để "ngự ẩm". Hiếm khi thấy ai chịu qua các tiệm bình dân gần đó ăn cơm "bụi". Chỉ vài tháng sau, nhân viên bắt đầu "ngán" ăn ở nhà hàng, đi qua những tiệm trước kia họ chê õng, chê eo, nuốt vội dĩa cơm bình dân giá...15 ngàn đồng, giữa cái nóng hầm hập! Lúc Indochina Airline sắp dừng bay hẳn, nhiều cô nhân viên còn siêng năng đến nỗi, mang cả cơm theo để ăn!
Đại gia Hà Dũng mất trắng 200 tỷ, nợ thêm 200 tỷ nữa vì giấc mơ bay! Ảnh: Tư liệu |
Xin nói chuyện ngoài lề một chút, nhưng những điều sắp nói cũng góp phần không nhỏ làm cho Indochina Airlines sụp đổ.
Trong số các lãnh đạo dưới cấp của đại gia Hà Dũng, có lẽ ông N.H.L, đảm nhiệm chức vụ Phó giám đốc Thương mại của Indochina Airlines là người có cách tuyển nhân viên kỳ quặc và bá đạo nhất: Chỉ dựa vào độ dài của đôi chân và nhan sắc, ít quan tâm đến chuyên môn! Chính vì thế, nhiều lúc nhìn vào phòng Thương mại, có cảm giác như nơi đây hội tụ người mẫu đi biểu diễn thời trang, lượn lờ những váy, đầm dạ hội! Anh ta hay tự hào: "Ông Dũng thích chân dài, tôi cũng vậy. Lính giống sếp mà!".
Vị phó Giám đốc Thương mại này cũng từng làm đại gia Hà Dũng khó xử, khi anh bị giang hồ vác mã tấu tìm đến tận trụ sở của Indochina Airlines để... đòi nợ riêng tư! Để giải quyết tình hình căng thẳng, cho nhân viên tập trung làm việc, ông chủ của Indochina Airlines gọi anh này đến căn biệt thự của mình ở đường Bà Huyện Thanh Quan (Quận 3, TP.HCM), hỏi: "Thiếu nợ bao nhiêu?".
Sau khi trình bày số nợ khoảng...2 tỷ đồng, anh Phó giám đốc Thương mại đã được đại gia Hà Dũng cho 100.000 đôla (ngoài 2 tỷ đồng) để về giải quyết chuyện riêng tư. Thế nhưng, vẫn chứng nào tật nấy, anh ta không chú tâm vào công việc, tiếp tục lao vào chuyện gái gú và tiếp tục nợ nần. Gần đây nhất, người viết bài gặp lại đại gia Hà Dũng, và ông cho biết không muốn nhắc đến người nhân viên này nữa.
Trong lúc nhân viên của Indochina Airlines không nhận lương suốt nhiều tháng, chính vị Phó giám đốc Thương mại này đề xuất chương trình rút thăm trúng thưởng cho khách hàng may mắn, với giải nhất là một chiếc xe Toyota Fortuner trị giá gần 1 tỷ đồng! Một buổi rút thăm hoành tráng, gây náo loạn nhà ga nội địa Tân Sơn Nhất đã diễn ra. Và khách hàng may mắn nhất đã rơi trúng... một cán bộ của báo Quân đội nhân dân! Sau buổi rút thăm này, Indochina Airlines gần như rơi vào kiệt quê, sắp dừng bay mãi mãi.
Tiền thuê tầng 9 tòa nhà Parkson C.T Plaza đã nhiều tháng Indochina Airlines không thanh toán. Chỉ tính riêng tiền thuê mặt bằng tầng 9, đã là 500 triệu/tháng, chưa kể tiền điện nước khoảng 60 triệu nữa. Đây là vị trí đắc địa, nằm đối diện sân bay Tân Sơn Nhất, có thể đứng ngay cửa sổ, nhìn thấy máy bay của hãng cất cánh, hạ cánh.
Và việc gì đến cũng đến... Một ngày, toàn bộ tầng 9 bị cúp điện, cúp nước. Chủ tòa nhà không thể "thông cảm" trước tình trạng Indochina Airlines chây ì tiền thuê mặt bằng, đã bắt đầu "chơi" biện pháp mạnh.
Doanh nhân Hà Dũng và nỗi buồn Indochina Airlines phá sản. Ảnh: Tư liệu |
Hàng trăm con người xính vính. Những ngày Indochina Airlines còn rủng rỉnh tiền bạc, tầng 9 tòa nhà lý tưởng bao nhiêu, "view" đẹp bao nhiêu...thì những ngày bị cắt điện, cắt nước, trở nên kinh khủng bấy nhiêu. Nằm chót vót giữa trời, bao nhiêu nắng gắt, trụ sở chính của Indochina Airlines hứng trọn vẹn hết. Và bên trong không có máy điều hòa, không khí trở thành một phòng xông hơi lý tưởng, mồ hôi đổ ra như tắm, làm sao ai có thể nào làm việc được?
Vẫn có những nhân viên mẫn cán, cố gắng chống chọi với "điều kiện" khắt nghiệt, vẫn đến công ty làm việc. Và chủ tòa nhà đã làm biện pháp mạnh hơn, khóa và niêm phong cổng vào tầng 9 tòa nhà, làm áp lực cho Indochina Airlines phải trả tiền thuê mặt bằng! Đến nước này, lãnh đạo Indochina Airlines phải gói ghém giải quyết một phần tiền nợ, làm cam kết hẹn ngày trả dứt điểm, để có thể dọn đồ đạc, tài liệu sang nơi khác. Trụ sở mới nằm ở tít đường Đống Đa, Quận Tân Bình, thuộc khu khỉ ho, cò gáy của TP.HCM!
Khi dọn về trụ sở mới ở Tân Bình, Indochina Airlines đã dừng bay hơn 1 tháng, trên thực tế là chỉ còn một cái xác. Đại gia Hà Dũng vẫn còn hy vọng sẽ cải thiện tình hình, do tin vào khả năng góp thêm số vốn 150 tỷ từ các cổ đông. Nhiều cuộc họp diễn ra, nhưng đều bất thành.
Đến ngày 30/10/2010, Indochina Airlines dừng hẳn tất cả các chuyến bay. Chiếc Boeing 737 -800 cuối cùng của Indochina Airlines, do không có tiền thuê, cũng bị hãng Travel Service thu hồi, mang về cố quốc Séc. Indochina Airlines chỉ còn một thương hiệu, hoàn toàn không có chiếc máy bay nào nữa.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Thương mại của Indochina Airlines cho biết, đến thời điểm đó, vốn điều lệ của hãng chỉ còn khoảng...2 tỷ đồng, số tiền không đủ để trả lương cho hàng ngàn nhân viên mà hãng hàng không tư nhân này đang nợ hàng tháng ròng.
Theo Một thế giới