"Tội tự chuyển hóa, tội suy thoái về đạo đức lối sống, tội lợi ích nhóm gây nhiều nguy hiểm cho xã hội những năm gần đây có phải tội danh mới, có cấu thành tội phạm hình sự không?".
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã đặt câu hỏi như vậy, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), sáng 7/4.
Đại diện ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời, thực tế những vấn đề phát sinh trong cuộc sống liên quan đến những vấn đề trong câu hỏi của Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cơ bản vẫn xử lý được.
"Về vấn đề suy thoái đạo đức cũng quy định rất đầy đủ với các tội danh khác nhau trong luật hiện hành. Còn liên quan đến lợi ích nhóm, vì lợi ích nhóm mà hối lộ, mà chạy chọt cái này cái khác thì nội hàm nằm trong nhóm tội về kinh tế và tham nhũng. Dự thảo luật lần này mạnh dạn đề nghị quy định truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân thì cũng giúp xử lý vấn đề lợi ích nhóm về tính chất tổ chức", ông Cường đáp.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là dự thảo bộ luật đã bảo đảm quán triệt sâu sắc tinh thần của Hiến pháp 2013 chưa, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nhấn mạnh sự mạnh dạn của các đề xuất trong lần sửa đổi này.
Đó là quy định là tội phạm đối với hành vi cản trở việc thực hiện quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân; làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân, hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Ảnh: Đồng Nai.
Vẫn liên quan đến nhóm các tội phạm xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân, Chính phủ đề xuất tăng nặng hình phạt đối với 6 tội thuộc nhóm này.
Đó là các tội: xâm phạm chỗ ở của người khác; xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác; buộc người lao động, công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật; xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn khi điều 162 dự thảo luật quy định người nào dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
Cần quy định cụ thể hơn chứ đừng chỉ nói là “hành vi nghiêm trọng”, ông Ksor Phước góp ý và đề nghị bổ sung tội xâm phạm quyền bình đẳng các dân tộc ở Việt Nam.
Điều 162 cần cụ thể hơn, chứ ghi thế này thì khó, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình với ông Ksor Phước.
Bà Mai cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tư pháp về vấn đề hạn chế hình phạt tử hình.
"Nên quy định không áp dụng hình phạt tử hình với người 80 tuổi trở lên, chứ 70 tuổi còn trẻ lắm, mà có người phạm tội ghê gớm lắm", bà Mai góp ý.
Việc bỏ hình phạt tử hình cũng khiến Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn.
Dự thảo luật bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Ông Sơn đề nghị giữ lại hình phạt tử hình với hai tội danh chống mệnh lệnh và tội phạm chiến tranh. Bởi, "các quy định này là mang tính răn đe, thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình, còn ai gây ra chiến tranh thì phải chịu hình phạt này", ông Sơn lập luận.
Phó chủ tịch cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát xem dự thảo luật đã thể hiện quy định người có chức vụ càng cao mà phạm tội thì phải chịu hình phạt cao hơn hay chưa.
Nhấn mạnh đây là bộ luật cực kỳ quan trọng liên quan đến quyền tự do, dân chủ của công dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu mọi quy định đều phải minh bạch rõ ràng, không thể để xảy ra tình trạng bắt cũng được mà tha cũng được, định tội nặng nhẹ đều được cả.