Lazada hay Zalora có lẽ là những cái tên đang được giới tiêu dùng qua kênh trực tuyến nhắc đến thường xuyên như những nhà cung ứng hàng hóa với quy mô lớn. Sau 3 năm hoạt động tại Việt Nam, Lazada.vn đã chính thức chiếm ngôi vương trên thị trường thương mại điện tử với 36% thị phần, theo báo cáo Thương mại điện tử 2014 từ Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (Bộ Công Thương).
Sự tăng trưởng vượt trội về doanh thu này đã tạo sức hút khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn vào thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam. Đáng chú ý là sự xuất hiện của “ông lớn” trong nước Vingroup. Công ty này dấn thân vào lĩnh vực thương mại điện tử với việc thành lập VinEcom, có vốn điều lệ lên đến hơn 1.000 tỉ đồng. Theo hầu hết chuyên gia trong ngành bán lẻ, VinEcom có lẽ là đối thủ đáng gờm nhất của Lazada (đặc biệt là về tiềm lực tài chính) trong thời gian tới, sau khi “đại gia” ngoại này đã bỏ xa các đối thủ nội địa.
Lazada đạt doanh thu 600 tỉ đồng trong tổng số doanh thu hơn 1.600 tỉ đồng của các sàn giao dịch năm 2014.
|
Khối nội vốn gặp khó
Đó là những đối thủ từng có lượng truy cập nhiều và doanh thu cao một thời như chodientu.vn, vatgia.com, enbac.com, muachung.vn, 123mua.vn... Có thể nhìn thấy, trước khi Lazada chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam, thương mại điện tử cũng đã hiện diện hơn chục năm tại đây. Lúc đó, các tên tuổi nội địa vừa kể gần như hoàn toàn làm chủ thị trường.
Tuy nhiên, doanh thu của các sàn giao dịch 5 năm về trước vẫn còn thấp. Chẳng hạn, trong năm 2011, các sàn đạt doanh thu khoảng 111 tỉ đồng, chủ yếu do thu phí từ thành viên tham gia sàn giao dịch (84%). Lý do giải thích cho giá trị giao dịch thấp là vì hệ thống hạ tầng công nghệ chưa phát triển hoàn thiện. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng chưa tin tưởng nhiều vào loại hình kinh doanh này.
Sở dĩ như vậy là do nhiều trang quản lý chưa tốt nên chất lượng hàng hoá không đúng như quảng cáo ban đầu, chính sách đổi hay trả hàng còn nhiều bất lợi cho người tiêu dùng, thời gian giao hàng chậm hay quy trình đặt hàng và thanh toán phức tạp. Thậm chí, ở nhiều sàn giao dịch, các thành viên tham gia phải trả phí cao dù có bán được hàng hay không.
Những rào cản trên lại gây tác động tiêu cực trở lại cho các sàn giao dịch. Điều này khiến cho nhiều cái tên biến mất khỏi thị trường vài năm trước, chủ yếu do không cân đối được thu chi. Chẳng hạn như daugia247.com, b2bvietnam.com, vnemart.com, gophatdat.com...
Rõ ràng, ngay chính trong sân chơi nhỏ và chỉ có các nhà đầu tư nội địa với nhau, sự cạnh tranh cũng đã diễn ra rất khốc liệt. Nếu không có đủ nguồn tài chính để hỗ trợ cho thời kỳ đầu, các doanh nghiệp sẽ khó lòng chịu nổi áp lực chi phí đầu tư quá lớn trong khi nguồn thu chưa rõ ràng.
Sân chơi của Lazada
Sức nóng của các cuộc cạnh tranh giành thị phần trên sàn giao dịch điện tử vừa đề cập càng có cơ hội lan toả mạnh hơn khi các “ông lớn” của nước ngoài bắt đầu hiện diện. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thương mại điện tử Việt Nam, không thể bỏ qua Tập đoàn Rocket Internet của Đức với 2 website đình đám là Lazada.vn và Zalora.vn.
Mới đây, Lazada.vn đã vươn lên giành lấy ngôi vương với 36% thị phần vào năm 2014, chính thức đánh bật nhiều đối thủ nội địa vốn một thời chiếm lĩnh thị trường như chodientu.vn và vatgia.com. Hiện tại, vatgia.com chỉ còn 3,3% thị phần so với mức 15% của năm 2013. Còn chodientu.vn đã đánh mất vị trí dẫn đầu khi lao dốc không phanh từ mức 29% thị phần xuống còn 1,2%, báo cáo Thương mại điện tử 2014 cho hay.
Sự soán ngôi đột ngột này dù sẽ khiến cho một số người giật mình. Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành bán lẻ (không muốn nêu tên) cho biết trong giai đoạn định hình thương hiệu này, ai không đủ tiềm lực tài chính sẽ khó sống sót. Và Lazada.vn như cậu công tử bột không quá phải bận tâm về chuyện tiền bạc khi Rocket Internet thu hút được lượng vốn khổng lồ đều đặn.
Theo đó, Rocket Internet liên tục bổ sung vốn để đầu tư cho các website thương mại điện tử do họ sở hữu. Ví dụ, đầu tháng 12.2013, công ty này kêu gọi thành công thêm 120 triệu USD cho Zalora (Đông Nam Á) và Iconic (Úc). Còn Lazada ở 5 quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia thì đã thu hút gần 500 triệu USD tính đến cuối năm 2013.
Với tiềm lực này, Lazada đã mạnh tay chi cho tiếp thị trực tuyến, nên càng dễ tiếp cận người tiêu dùng. Không quá khó để nhận thấy điều này khi nhiều trang thông tin điện tử lớn đều có gắn thông điệp quảng bá sản phẩm của Lazada với mức chiết khấu khá cao, thậm chí trên 50% so với giá gốc. Chính sách đổi trả hàng cũng linh hoạt hơn khi có đến 30 ngày để đổi trả sản phẩm và thậm chí là cho đổi sản phẩm ngay cả khi không ưng ý, chứ không phải do sản phẩm bị lỗi; thời gian giao hàng cũng nhanh hơn so với nhiều đối thủ.
Những điều này giúp cho Lazada nhanh chóng thu hút được khách hàng và đạt doanh thu gần 600 tỉ đồng trong tổng số doanh thu hơn 1.600 tỉ đồng của các sàn giao dịch năm 2014. Tuy vậy, có không ít người lo ngại về sự cân đối trong chi phí đầu tư, vận hành, marketing và lợi nhuận mà Lazada.vn thu về. Nhiều chuyên gia cho rằng chủ đầu tư của website này đang đánh đổi lợi nhuận để làm chủ thị trường Việt Nam khi bỏ ra chi phí quá lớn, nhất là chi phí tiếp thị trực tuyến.
Cũng trong cuộc chiến giành thị phần, một số tên tuổi đã tỏ ra đuối sức như vatgia.com và chodientu.vn như đề cập ở trên. Một số thương hiệu Việt Nam khác lại đang củng cố thị phần bằng cách gia tăng nguồn lực tài chính thông qua tiếp nhận đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn như Sendo.vn (14,4% thị phần) và Tiki.vn (5,4%) cũng đã có sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư chiến lược mang quốc tịch ngoại.
Theo đó, chủ đầu tư của trang Sendo.vn vừa công bố thông tin hợp tác đầu tư chiến lược với 3 tập đoàn dịch vụ internet hàng đầu của Nhật (SBI Holdings, Econtext ASIA, BEENOS). Còn Tiki.vn thì hợp tác với 2 đối tác đến từ Nhật khác là Quỹ đầu tư Sumitomo và CyberAgent Ventures. “Sự hợp tác này không những giúp 2 sàn điện tử nói trên tăng cường năng lực tài chính mà còn cải thiện đáng kể khả năng quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng, quản trị tài chính” ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng Giám đốc Tiki.vn, trả lời PV.
Từ những tình huống trên, có thể thấy nếu không có tiềm lực tài chính mạnh, sẽ rất khó để trụ lại trong môi trường cạnh tranh phải từ bỏ lợi nhuận để có được thị phần này. Đó là lý do mà nhiều người tin rằng trong số những thành viên đã và đang gia nhập, VinEcom mới là đối thủ cân sức với Lazada.vn.
Theo NCĐT