Linh, 28 tuổi đang là nhân viên truyền thông một công ty ngành hàng tiêu dùng Việt. Như nhiều bạn trẻ, năng động, có thu nhập trên chục triệu đồng, số thẻ ngân hàng trong ví của Linh đã tăng dần trong 2-3 năm nay nhờ chính sách khuyến mãi liên tục của các nhà băng. Tuy nhiên, năm nay ngoài 4 thẻ ATM nội địa, cô đang là khách hàng của 2 nhà băng ngoại 100% vốn với một thẻ tín dụng và một khoản vay tiêu dùng.
Số khách gắn bó với các ngân hàng nước ngoài như Linh đang tăng lên, theo nhiều chuyên gia, là một chỉ báo cho thấy thị phần của ngành đang được cấu trúc lại khi các ngân hàng ngoại tiếp cận sâu hơn với khách Việt - phân khúc vốn là "sân nhà" của các nhà băng nội.
Số người Việt tìm đến các ngân hàng ngoại ngày một tăng. |
Đội ngũ của các nhà băng ngoại đang hoạt động rất tích cực trên mặt trận bán lẻ để tăng doanh số. Đợt 8/3 vừa rồi, nhiều nhân viên tư vấn của Ngân hàng HSBC không ngần ngại khệ nệ hoa, quà, gấu bông đến văn phòng của các tập đoàn có lượng nhân viên lớn ở Việt Nam để chào mời mở thẻ tín dụng. Tương tự, đội ngũ bán hàng của Ngân hàng Standard Chartered cặm cụi gửi từng email mời mở thẻ, cho vay với lời lẽ nhã nhặn nhất cho các khách hàng tiềm năng. Ngân hàng ANZ thậm chí còn có hẳn một đội ngũ gần 1.000 người bán thẻ tín dụng không thông qua chi nhánh để tăng doanh số...
Trước đây các nhà băng ngoại chỉ nhắm cho vay các khách hàng là nhân viên công ty đa quốc gia, doanh nghiệp FDI nhưng nay đã mở rộng với nhiều công ty trong nước.
Không chỉ đầu tư vào khách cá nhân, họ cũng đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp, từ khu vực vừa và nhỏ (SME) đến các tập đoàn lớn của Việt Nam. Như Standard Chartered, năm qua đã cho vay gần trăm triệu USD vào 2 công ty Tín Nghĩa và Bảo vệ thực vật An Giang, hỗ trợ Masan Consumer phát hành trái phiếu. HSBC cũng mạnh tay tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện trong nước, thu xếp giúp Vietnam Airlines mua máy bay.... Cuối năm 2014, hai đơn vị này cũng hỗ trợ cho giao dịch phát hành trái phiếu một tỷ USD cho Chính phủ Việt Nam.
Trao đổi với VnExpress, đại diện các ngân hàng ngoại đều thừa nhận nhìn thấy những tiềm năng rất lớn từ thị trường Việt. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết sẽ tăng cường quan hệ với những doanh nghiệp lớn và các phân khúc có chọn lựa khác nhau, nhất là với toàn thị trường có chưa tới 80 triệu thẻ, chỉ 20% dân số có tài khoản ngân hàng như Việt Nam.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered (Việt Nam) cũng nhìn thấy nhiều cơ hội từ các doanh nghiệp nội địa bởi họ cần vốn, dịch vụ tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt khi Việt Nam sắp trở thành một công xưởng mới ở châu Á. "Từ 4 năm trước, chúng tôi đã có một chiến lược mạnh mẽ để tăng cường sự hiện diện tại các doanh nghiệp Việt Nam, ở cả khối doanh nghiệp lớn lẫn SME", ông Nirukt nói.
Bản thân các ngân hàng nội địa cũng bắt đầu nhìn thấy sức ép cạnh tranh ngày một lớn từ những đối thủ ngoại. Giám đốc trung tâm thẻ một nhà băng trong Top 5 nhìn nhận, xét về mặt thị phần có thể ngân hàng nội vẫn chiếm ưu thế nhưng với tốc độ cạnh tranh này cộng thêm kinh nghiệm sẵn có, họ có thể sẽ tạo ra đột phá lớn.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng - cho rằng sức ép cạnh tranh do các nhà băng ngoại mang đến sẽ là kèm theo nhiều cơ hội chứ không chỉ đơn giản làm miếng bánh thị phần thay đổi. Theo ông, ngành ngân hàng Việt thua họ về vốn, sản phẩm, công nghệ nên sức ép này sẽ buộc các ngân hàng trong nước thay đổi. "Riêng với những đơn vị nhỏ, đang phải tái cơ cấu, áp lực cạnh tranh sẽ càng phải lớn hơn nữa", ông nói.
Ngoài vốn mạnh, sản phẩm đa dạng, công nghệ tốt, các ngân hàng ngoại còn tự tin với mạng lưới toàn cầu - một lợi thế mà theo họ, cần cho các doanh nghiệp Việt khi hội nhập. Ông Nirukt Sapru phân tích: "Là ngân hàng duy nhất có mặt ở cả 10 nước ASEAN nên ngoài cung cấp dịch vụ tài chính, Standard Charterd còn có thể hỗ trợ những giao dịch xuyên biên giới. Nói một cách khác, chúng tôi sẽ giúp những bạn hàng là các công ty nước ngoài hiểu hơn về thị trường Việt Nam và kết nối họ với các doanh nghiệp trong nước". Đại diện HSBC cũng tin sẽ là cầu nối những thương vụ M&A giữa các công ty nước ngoài đang muốn đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội lại cho rằng các ngân hàng ngoại không dễ để tăng thị phần bán lẻ ở Việt Nam. Theo ông, cách tiếp thị của họ có đặc điểm là luôn tập trung và kiên định. "Họ về cơ bản đi theo chiến lược nhắm vào khách hàng cao cấp, có thu nhập, tài sản tốt và khẩu vị rủi ro của họ khá ổn định, không thay đổi bằng mọi giá như kiểu Việt Nam. "Nếu chỉ nhằm vào đối tượng như vậy, việc tăng thị phần ở thị trường này sẽ hơi khó, nhất là khi đây cũng là nhóm mà ngân hàng nội như chúng tôi đang rất quan tâm", ông nói.
Bên cạnh đó, dù ngân hàng nội có thể chưa hoàn hảo nhưng theo lãnh đạo một nhà băng, tâm lý ủng hộ thương hiệu Việt cũng là một rào cản lớn với các nhà băng ngoại. Trong 5 nhà băng 100% vốn ngoại đang hoạt động trong nước, chỉ HSBC và Hong Leong Bank có tổng giám đốc là người Việt. Việc ưu tiên lựa chọn CEO người bản địa được giới chuyên gia đánh giá có thể là một chiến lược của họ trong việc hóa giải những tâm lý này.
Thừa nhận không dễ tăng trưởng trong một thị trường đang rất cạnh tranh, ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nói thêm: "Với tôi, cạnh tranh hay mở rộng thị trường không phải là giành phần bánh của người khác mà làm sao cho chiếc bánh ấy to ra để mọi người cùng hưởng và đem lại giá trị cộng thêm cho khách hàng".
Theo VnExpress