Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc nghiên cứu và sản xuất ra các sản phẩm nhằm giảm tiêu hao nhiên liệu, vật liệu trong sản xuất và xây dựng là vô cùng quan trọng. Đặc biệt là trong thời kỳ biến đổi khí hậu đang đe dọa trực tiếp tới môi trường sống, trái đất ngày càng nóng lên do hiệu ứng nhà kính.
Hiện tại, chúng ta đang tiêu thụ nguồn năng lượng lớn từ hóa thạch như than đá, dầu mỏ, đá vôi… để sản xuất các loại vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, cát đá…. Việc tiết kiệm nhiên liệu trong ngành xây dựng là vô cùng cần thiết, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường và giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trong kinh doanh.
Mô hình viên gạch xây âm dương |
Trên thế giới, gạch xây đã thay đổi rất nhiều về vật liệu, mẫu mã và công nghệ sản xuất. Từ nguyên liệu truyền thống là đất nung, đến nay con người đã sáng chế ra nhiều loại gạch xây mới từ các nguyên liệu khác nhau, làm phong phú và tăng lựa chọn cho người tiêu dùng khi sử dụng gạch xây nhà và các công trình khác.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Nam, công ty TNHH Dịch vụ Hàng hải Nhật Quang, từ xưa tới nay, viên gạch xây luôn được mặc định là một khối hình chữ nhật, có thể ghép liền với nhau thông qua một lớp vữa xây. “Với đặc điểm như vậy, chúng ta cần một lượng vữa rất lớn để xây một bức tường, ngoài ra việc thi công đòi hỏi các thợ xây phải có trình độ và kỹ năng nhất định”, anh Nam nói.
Theo tính toán, trọng lượng vữa xây chiếm khoảng ½ trọng lượng của bức tường. Do đó khi xây dựng phải gia cố thêm móng cọc và dầm đá. Do đó, bài toán đặt ra là phải có một loại gạch xây mới tiết kiệm được vữa xây, tăng năng suất lao động nhưng phải thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật, có khả năng sản xuất hàng loạt và giá thành thấp.
Nắm bắt được vấn đề, kỹ sư Nguyễn Văn Nam đã mày mò, nghiên cứu và sáng chế ra gạch xây âm dương, sản phẩm có thể giải quyết được tất cả yêu cầu của bài toán trên.
Mỗi viên gạch xây âm dương bao gồm 1 phần lõm hình bán nguyệt (hay còn gọi là máng gạch) và một phần lồi (sống gạch) chạy dọc theo suốt chiều dài. Hai phần này cùng với vữa xây có tác dụng liên kết các viên gạch trong bức tường lại với nhau. Trong máng gạch được bố trí các vạch chỉ mức vữa giúp cho người thợ xây xác định được mức vữa cần thiết.
Ngoài ra, trên sống gạch và hai bên còn có các rãnh nhỏ nhằm tăng khả năng liên kết, kết dính của vữa trát tường, giúp cho người thi công tạo các rãnh công nghệ để lắp đặt các thiết bị âm tường như cáp điện, ống nước….
Với thiết kế như vậy, gạch xây âm dương sẽ tiết kiệm được ¾ lượng vữa xây, tiết kiệm nhân công lao động trong khi năng suất và giá thành không thay đổi.
Theo tính toán, với cùng lượng tiêu thụ, từ năm 2010 đến năm 2020, nếu sử dụng gạch xây âm dương thay thế gạch xây truyền thống, cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 50.000 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 3,5 triệu tấn xi măng, 12 triệu m3 cát và 2,3 triệu m3 nước.
“Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, gạch xây âm dương còn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, tránh khai thác tài nguyên một cách cạn kiệt. Đặc biệt, với những nhà máy sản xuất gạch truyền thống, khi chuyển đổi sang sản xuất gạch âm dương hoàn toàn không cần phải trang bị lại máy móc hay đầu tư công nghệ, chỉ cần thay khuôn đùn gạch với chi phí không lớn là có thể sử dụng được ngay ”, kỹ sư Nam cho biết.
Với thành công của sáng chế “Gạch xây âm dương” của kỹ sư Nguyễn Văn Nam đã được Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM đánh giá cao, đồng thời được Trung tâm công nghệ thông tin, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM liên kết chuyển giao cho nhiều đơn vị đối tác từ khắp nơi trong cả nước.
Theo KhamPha