Ông đánh giá ra sao về sự xuất hiện ngày càng nhiều của các “ông lớn” ngân hàng nước ngoài trên thị trường tài chính Việt Nam?
Các ngân hàng nước ngoài có lợi thế nhất định, họ có nhiều kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp, nhân sự, quản trị rủi ro... mà các ngân hàng nội có thể học tập.
Nhiều ngân hàng ngoại đang hoạt động tại VN |
Theo tôi, sự xuất hiện của các định chế tài chính nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng có nhiều động thái tích cực. Tuy nhiên, cũng có mặt trái mà báo chí lâu nay cũng đề cập.
Trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng và một nền kinh tế mở, mà vai trò tài chính tiền tệ là huyết quản, mạch máu của nền kinh tế, thì sự thống lĩnh nếu nằm trong tay các định chế tài chính nước ngoài sẽ là một sự rủi ro lớn. Ví như khi “mạch máu” đang lưu thông trơn tru nhưng nếu họ rút vốn thì cả hệ thống mạch máu sẽ “tắc”...
Theo TS. Võ Trí Thành, các ngân hàng nội phải rất cảnh giác với sự xuất hiện của các nhà băng ngoại |
Ở mỗi nước việc nhìn nhận vai trò tham gia thị trường tiền tệ của các định chế tài chính nước ngoài và việc mở cửa cho các định chế này cũng khác nhau. Vì thế nên cũng có những ứng xử riêng với sự có mặt của các nhà băng ngoại dựa trên đặc thù của quốc gia mình.
Ví dụ Thái Lan họ cũng có những hạn chế nhất định với ngân hàng nước ngoài; nhưng cũng có quốc gia thì lại mở rộng cửa cho các định chế tài chính nước ngoài.
Vậy theo ông yếu tố nào của thị trường tài chính Việt Nam thu hút sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà băng ngoại?
Đối với Việt Nam, vẫn còn nhiều tranh cãi khi chúng ta gia nhập WTO, nhiều người cho rằng chúng ta đang mở cửa thị trường tài chính quá nhanh, nhưng cũng có ý kiến cho rằng lại quá chậm. Nói nhanh hay chậm theo tôi đều khó chính xác, mà đúng hơn là chúng ta phải thận trọng mở cửa thị trường tài chính, đặc biệt là mở cửa tài khoản vốn. Hiện chúng ta mở cửa tài khoản vãng lai và dòng vốn vào, còn dòng vốn ra chúng ta đang kiểm soát khá chặt chẽ.
Nhưng dù vậy, không thể phủ nhận một nền kinh tế đang phát triển, mở cửa như Việt Nam thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam, nên các nhà đầu tư cũng muốn “kéo” theo các ngân hàng ngoại vào để phục vụ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp của nước mình hoạt động và phát triển một cách thuận lợi nhất.
Theo nhận định đưa ra mới đây của hãng kiểm toán Ernst&Young, Việt Nam chỉ cần 5 ngân hàng lớn trụ cột là đủ để cạnh tranh với các định chế tài chính ngoại. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Thế nào là quá nhiều, quá ít ngân hàng thì có nhiều tiêu chí để đánh giá, đơn cử dân số có giao dịch ngân hàng, mức độ phủ sóng dịch vụ ngân hàng trên dân số... Xét về hiệu quả thì đôi khi lợi thế nhờ quy mô ngân hàng cũng chỉ là một trong số các biến số chứ không phải là tất cả.
Tuy nhiên, đối với hệ thống ngân hàng hay bất kỳ một ngân hàng nào thì năng lực về vốn là quan trọng. Năng lực về vốn cao sẽ hạn chế rủi ro của ngân hàng, mà rủi ro ngân hàng thì thường mang tính lan truyền cả hệ thống.
Nếu nói con số 5 hay 10 là tốt thì rất là khó, vì có những ngân hàng nhỏ cũng hoạt động rất tốt, đóng góp tích cực vào sự lành mạnh hệ thống tài chính.
Với độ mở của nền kinh tế cũng như lĩnh vực tài chính ngân hàng, theo ông lĩnh vực nào mà các nhà băng nội sẽ phải “dè chừng” các “ông lớn” ngân hàng ngoại thời gian tới?
Theo tôi là tất cả các lĩnh vực, không loại trừ lĩnh vực nào hết. Vì hiện các xu hướng dòng tiền của các định chế tài chính tương tác dưới nhiều góc độ: đầu tư, cho vay, dịch vụ... Đây là vấn đề không hề dễ dàng với các nhà băng nội trước đối thủ “đáng gờm” ngân hàng ngoại nhiều kinh nghiệm và có dòng vốn mạnh.
Nhưng nếu đi sâu vào từng lĩnh vực thì tôi cho rằng, sức cạnh tranh từ lĩnh vực bán lẻ tới đây giữa các nhà băng nội và ngoại sẽ rất mạnh mẽ, vì độ phủ của các nhà băng nội trong lĩnh vực dịch vụ này chưa lớn, trong khi tiềm năng thị trường thì đang rất mở.
Việt Nam là nước dân số trẻ, thu nhập đang tăng trưởng tương đối khá; khi số lượng tầng lớp trung lưu tăng lên thì nhu cầu dịch vụ ngân hàng sẽ ngày càng cao. Xét về yếu tố lịch sử, kinh nghiệm, kỹ năng... thì đúng là ngân hàng ngoại có nhiều ưu thế hơn. Tuy vậy, các ngân hàng nội cũng có lợi thế nhất định, vì làm gì có ngân hàng ngoại nào hiểu người Việt Nam bằng ngân hàng Việt Nam.
Khi cánh cửa mở ra cho cả ngân hàng nội và các nhà băng ngoại, thì chúng ta phải rất chú ý tới khía cạnh cạnh tranh. Trong bất kỳ cuộc chơi nào không được đánh giá thấp đối thủ, nhất là khi đối thủ của mình có nhiều ưu thế hơn về công nghệ, quản trị, quản lý rủi ro...
Đồng thời, các ngân hàng nội phải có cái nhìn bao quát hơn, tổng thể hơn tất cả các lĩnh vực, thay vì chỉ nhìn thuần tuý trong mỗi lĩnh vực nào đó. Nghĩa là, nếu ngay từ bây giờ các nhà băng nội không lưu tâm vào việc tạo dựng, đầu tư nền tảng, giá trị ... thì sẽ rất khó thích ứng được với “cuộc chơi” trong một thế giới cởi mở như hiện nay.
Theo Infonet