Câu chuyện “con ruồi giá 500 triệu” đã bùng lên vào thời điểm cuối năm 2014 và khi ấy, nhiều chuyên gia truyền thông đã dự báo rằng: Sự kiện sẽ còn được đẩy lên một tầm cao mới. Và “khoảng lặng” khi đó chỉ là sự yên tĩnh tạm thời trước một “trận bom”.
Mới đây, khi vụ xét xử kỳ án “Con ruồi” được diễn ra, “quả bom” đã chính thức được kích nổ, gây hậu quả thực sự rất đáng tiếc cho cả 3 phía: Anh Võ Văn Minh (bị cáo); người tiêu dùng và công ty Tân Hiệp Phát (THP).
Chiến dịch tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát lan rộng ở khu vực phía Nam |
Ngày 18/12/2015, tòa tuyên án, vụ việc tạm khép lại, về lý, anh Minh đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản (bất thành) và nhận bản án 7 năm tù. Đây là một kết cục có thể quá sốc đối với công chúng nhưng cũng là một bài học cảnh tỉnh với những ai có ý định "kiếm lời" từ sai sót của doanh nghiệp.
Về phía Tân Hiệp Phát, nhiều người cho rằng: Doanh nghiệp này đã quá tàn nhẫn về mặt tình người khi đẩy người dân vướng vào vòng lao lý. Như một bài học nhân quả, Tân Hiệp Phát đã và đang lãnh trọn cơn cuồng nộ của công chúng và dư luận, bản cáo trạng của anh Minh cũng là bản cáo chung cho Tân Hiệp Phát.
Xung quanh câu chuyện này, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang - người đã đặt nền móng cho marketing và Branding ở Việt Nam nhận xét: “Vụ việc càng kéo dài, thương hiệu Tân Hiệp Phát càng đi xuống. “Bản án” dành riêng cho Tân Hiệp Phát không chỉ dừng lại ở con số tổng thiệt hại 2.000 tỷ đồng, mà còn tệ hơn nhiều”.
Vụ con ruồi trong chai nước của Tân Hiệp Phát cũng là một cái kết buồn cho cả cộng đồng, khi dân chúng không còn niềm tin vào doanh nghiệp, không có niềm tin vào công lý. Cái mất này còn đáng sợ hơn hàng nghìn tỷ đồng doanh thu của “ông lớn” ngành đồ uống Việt Nam - Tân Hiệp Phát.
“Tôi đau xót cho Tân Hiệp Phát, không biết đến bao giờ mới có một doanh nghiệp nội địa có doanh thu đứng hàng thứ hai, khiến Coca - Cola, PepsiCo cũng phải nể mặt? Đây là bài học cho những doanh nghiệp nội địa lớn nên dùng lao động toàn cầu vì không ai xuất sắc trên mọi lĩnh vực” – Giám đốc marketing của một tập đoàn lớn tại Việt Nam nói.
Theo bà Vân, nếu Tân Hiệp Phát biết dùng những nhân viên chuyên nghiệp, trải nghiệm nhiều, họ sẽ biết cách ứng xử với khách hàng theo nguyên tắc “chuyện to biến nhỏ, chuyện nhỏ biến không”.
Họ sẽ có sự kìm chế nhẫn nhịn cần thiết chứ không bị thói vĩ cuồng che mắt, không cay cú với khách hàng,… Họ cũng biết cách tư vấn cho Ban Giám đốc những gì cần làm và dự đoán được kết quả.
“Tôi không giết Tân Hiệp Phát, có lẽ những người đọc bài này cũng không giết Tân Hiệp Phát vì chúng ta không dùng nước giải khát công nghiệp, mà cái chính là những người nắm thị phần - những khách hàng ở tỉnh. Làm sao để họ có niềm tin trở lại vào doanh nghiệp và vào sản phẩm của doanh nghiệp là một cái khó, nhất là khi truyền thông cũng đã quay lưng với Tân Hiệp Phát.
Thế nhưng, tôi tin là: Với những người từ “không có gì” lại trở thành “gã khổng lồ” trong ngành giải khát, Tân Hiệp Phát sẽ có những nước cờ khác, nhưng chắc chắn là cần thời gian, tốn kém và mất mát nhiều!” – bà Khánh Vân nhấn mạnh.
“Công chúng không nên quyết tâm “giết bằng được” Tân Hiệp Phát”
Về phía người tiêu dùng, những ngày qua, hiệu ứng domino "tẩy chay" Tân Hiệp Phát, phê phán thương hiệu đang lan rộng một cách chóng mặt trên các diễn đàn, mạng xã hội. Nhiều nhóm, fanpage "tẩy chay" các sản phẩm của Tân Hiệp Phát cũng đã được lập và thu hút đông đảo các thành viên tham gia.
Điều đáng nói là những lời kêu gọi tẩy chay của người dân tuy không vi phạm pháp luật nhưng lại đang khiến doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát lao đao và có nguy cơ đứng trên bờ vực của sự phá sản.
Thậm chí, một số nhà hàng, cửa hàng cũng trưng biển nêu rõ không phục vụ, không bán các sản phẩm nước giải khát Tân Hiệp Phát.
Làn sóng này cũng giống như “trận cuồng phong” đầy bất bình, phẫn nộ đã dấy lên vào đầu năm 2015 khi anh Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền Giang) bị bắt.
Nó mạnh mẽ tới mức “phù thủy” marketing Trần Bảo Minh khi ấy đã phải thốt lên rằng: “Tân Hiệp Phát sai thì đã sai rồi, tôi vẫn mong công chúng và truyền thông cũng không nên quyết tâm “giết bằng được” họ nữa”.
Ông Minh từng khuyên nhủ người tiêu dùng: “Nếu vì ghét bỏ cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay, mà chúng ta ra sức “giết bằng được” thương hiệu thì rất đáng tiếc.
Nhìn vào thị trường nước giải khát hiện nay, nếu Tân Hiệp Phát lao đao vì sự cố này, phía được lợi nhất chắc chắn không phải là người Việt mà là các doanh nghiệp ngoại quốc”.
Hơn nữa, chia sẻ với báo chí vào hồi tháng 2/2015, quan điểm của ông Minh là: Một doanh nghiệp nội thống lĩnh thị trường, kéo theo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, hàng trăm tỷ đồng đóng thuế và những đóng góp khác nữa cho xã hội.
“Đẩy “quân mình” ra để rộng chỗ cho người ngoài vào canh tác trên cánh đồng màu mỡ của mình, không phải là ý hay lắm”.
Thêm vào đó, trong trường hợp này, theo nhận định của các chuyên gia: Người tiêu dùng đang tẩy chay Tân Hiệp Phát không phải do chất lượng sản phẩm. Họ tẩy chay cách Tân Hiệp Phát đối xử với người tiêu dùng dù rằng anh Minh cũng có lỗi trong vụ án này.
Liệu người tiêu dùng có đang “lầm đường, lạc lối”, đó có phải là sự "mông muội", "chạy theo phong trào", "a-dua theo số đông"?
Ông Vương Ngọc Tuấn – Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho rằng: Người tiêu dùng nên chọn cho mình sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa tốt để dùng, chứ không nên cảm tính.
Trước khi mua – bán, các khách hàng cần tìm hiểu kỹ chất lượng mặt hàng, nguồn gốc xuất xứ, phải trải nghiệm chứ không nên vì lý do này, lý do khác để từ chối sản phẩm.
Ông Tuấn tin: Sau khủng hoảng lần này, nếu Tân Hiệp Phát bày tỏ thiện chí của mình, nâng cao chất lượng, thể hiện trách nhiệm xã hội cao nhất với người tiêu dùng, tạo niềm tin nơi khách hàng thì người tiêu dùng sẽ khoan dung, rộng mở và ủng hộ.
Đồng quan điểm trên, bà Đặng Thanh Vân, Sáng lập viên và Giám đốc điều hành Công ty Thanhs - người có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tư vấn xây dựng thương hiệu và thực hiện truyền thông dành cho doanh nghiệp SMEs Việt cũng nhận xét: Tân Hiệp Phát đã mất nhiều năm với rất nhiều công sức, nỗ lực mới đưa được doanh nghiệp đạt đến vị thế cạnh tranh ngang ngửa trên thị trường Việt Nam với các thương hiệu toàn cầu khác.
Doanh thu sụt giảm đến 2.000 tỷ đồng năm 2015 chưa phải là kết cục cuối cùng. Đây là kết quả rất đáng suy nghĩ.
“Chúng ta luôn mong muốn thương hiệu Việt cạnh tranh được và trở thành thương hiệu toàn cầu... trong quá trình tăng trưởng đó, không thể không có những giai đoạn khủng hoảng; đổ vỡ hoặc mắc phải sai lầm. Điều này thương hiệu toàn cầu nào cũng từng gặp phải.
Nếu như sau cú ngã ngựa này, Tân Hiệp Phátvẫn cố gắng sức bám trụ, thay đổi quan điểm sứ mệnh và hành động hướng về khách hàng... tôi mong rằng mỗi người chúng ta hãy cùng ủng hộ cho thương hiệu. Ít nhất bằng việc... không tẩy chay” – bà Vân nhắn nhủ.
Theo VTC News