Đi ngược lại quy trình đó, một doanh nhân tại Mỹ đã bắt đầu sự nghiệp của mình tại Trellis Partners, công ty đầu tư mạo hiểm chuyên tài trợ vốn cho các dự án startup trong lĩnh vực IT, sau đó chuyển sang điều hành một công ty startup của riêng mình.
Chuyển từ một công ty chuyên đi đầu tư sang một doanh nghiệp mới cần vốn đầu tư, Alex Broeker đã khai phá một con đường kinh doanh độc đáo và gặt hái được những thành công dựa trên những kinh nghiệm có được từ con đường lập nghiệp “có một không hai” đó.
Trước khi trở thành CEO Tabbed Out, Alex Broeker hoạt động trong một công ty đầu tư mạo hiểm chuyên tài trợ vốn cho các startup Alex đã gọi được 23,5 triệu USD khi đạt đến vòng gọi vốn Series C cho Tabbed Out, một ứng dụng cho phép khách hàng tại các nhà hàng hay quầy bar có thể trả tiền và tip tiện lợi ngay trên di động.
Dựa trên kinh nghiệm của mình trong quá trình làm việc tại Trellis Partners và quãng thời gian gọi vốn cho doanh nghiệp riêng, Alex đã đúc kết được những kinh nghiệm bổ ích cho bất cứ startup nào đang có kế hoạch gọi vốn. Bí quyết của Alex là:
1/ Đừng trả lời quá nhiều
Một cuộc đối thoại “có đi có lại” sẽ khiến nhà đầu tư thực sự chú tâm đến chủ đề đang được thảo luận, nhưng nếu trả lời quá dài dòng, bạn sẽ phá hỏng sự chú ý đó. Nếu nhà đầu tư cảm thấy mình là một phần trong câu chuyện, được đặt ra các hỏi, đó sẽ là một cuộc đối thoại hai chiều và giúp bạn có nhiều cơ hội thành công hơn. Ngược lại, họ sẽ e sợ khi phải đặt câu hỏi mà vị CEO tiềm năng trước mặt cứ trả lời liền tù tì vài phút chỉ cho một câu hỏi.
2/ Rõ ràng về con số
Sự rõ ràng về con số sẽ truyền tải sự tự tin. Ví dụ, nếu sang năm doanh thu dự tính của bạn là 5 triệu đô, hãy nói chính xác là 5 triệu đô thay vì lấp lửng “giữa bốn và sáu”. Và khi nhà đầu tư hỏi “Chi phí để có thêm một khách hàng mới là bao nhiêu”, hãy trả lời “Hai đô”, và dừng lại ở đó.
3/ Đừng quá thận trọng
Một lần nữa, bạn phải thể hiện sự tự tin. Một nhà đầu tư mạo hiểm luôn suy nghĩ về những rủi ro có thể xảy ra, và nếu bạn quá thận trọng về tất cả mọi thứ, điều đó thể hiện sự thiếu tự tin của bạn vào kế hoạch kinh doanh của chính mình, sự thiếu tin tưởng vào mô hình kinh doanh và đội ngũ nhân sự.
4/ Có sẵn kế hoạch trong ba năm tới
Bạn phải nói được về vị trí hiện tại của mình và kế hoạch chính xác trong 12, 24 và 36 tháng tới. Cần luôn luôn lưu ý điều này bởi đó là yếu tố mang lại thông tin cho nhà đầu tư về chỗ đứng của bạn trong hiện tại và khẳng định rằng bạn luôn chắc chắn về điều mình đang làm hôm nay, cũng như những kế hoạch trong một vài năm tới.
5/ Bán niềm đam mê
Ngày nay, những thương vụ đầu tư trên thị trường không còn chỉ dựa trên ý tưởng tốt, mà là dựa niềm đam mê của doanh nhân. Niềm đam mê là điều thu hút nhất đối với những nhà đầu tư mạo hiểm. Vì thế, trong những cuộc đối thoại với nhà đầu tư, hãy thể hiện và “bán” tầm nhìn và sự nhiệt huyết của mình
Vai trò của nhà đầu tư mạo hiểm đối với startup
Trên OpenViewBlog - trang tin online dành cho các doanh nghiệp phần mềm B2B, Alex Broeker đã chia sẻ nhiều kiến thức kinh doanh gặt hái được trong quá trình chuyển từ một công ty đầu tư mạo hiểm sang xây dựng doanh nghiệp cho riêng mình, trong đó có những lưu ý về vai trò của nhà đầu tư mạo hiểm đối với một startup. Theo Alex Broeker, ở từng giai đoạn phát triển, startup cần tìm kiếm những nhà đầu tư với các ưu thế khác nhau. Cụ thể: Thời kỳ đầu: Nhà đầu tư cần có cùng sứ mệnh và tầm nhìn với nhà sáng lập startup, nhưng đó không phải tất cả. Ở giai đoạn đầu của startup, thương hiệu của nhà đầu tư là một yếu tố rất quan trọng, nó giúp một doanh nghiệp startup có thêm uy tín, hưởng lợi từ PR, và cơ hội tiến sâu hơn vào các vòng gọi vốn sau. Giai đoạn mở rộng: Giá trị chiến lược và chuyên môn trong ngành là điều tối quan trọng với startup ở giai đoạn mở rộng. Nhà đầu tư chiến lược với chuyên môn sâu và mối liên kết chặt chẽ trong ngành giúp doanh nghiệp phát triển đúng hướng. |
Theo Tri Thức Trẻ