Bia 333, một sản phẩm của Sabeco |
Nhà nước còn giữ lại khoảng 89,59% vốn cổ phần và dự kiến sẽ bán trên 51% vốn trong thời gian tới tại Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại không muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị về Tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước tại Bộ Công Thương sang ngày 21/12.
Sau 8 năm cổ phần hóa, Sabeco đã bán cho Heineken khoảng 5% vốn, Nhà nước giữ 89,59% vốn cổ phần và các cổ đông khác giữ tỷ lệ còn lại.
Theo ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Sabeco cho biết theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sabeco đang xây dựng phương án thoái tiếp vốn hai đợt, mỗi đợt 20 – 30%. Bộ Công Thương cũng cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco xây dựng phương án bán tiếp phần vốn nhà nước xuống dưới 50%.
Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thoái vốn, cổ phần hóa, tái cơ cấu của các DNNN thì Sabeco không muốn bán cổ phần cho Nhà đầu tư nước ngoài mua. Những người đang nắm giữ vốn của Sabeco cũng băn khoăn là sau khi thoái vốn làm sao để giữ vững được thương hiệu và có cơ chế hoạt động sau khi thoái vốn.
Một trong những khó khăn khi thoái vốn tại Sabeco theo khảo sát của Bộ Công Thương tại doanh nghiệp này, đó là sẽ xuất hiện nguy cơ xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư và các công ty liên kết mà Tổng công ty chỉ nắm giữ khoảng 20% vốn điều lệ. Trong khi hiện có tới 14 công ty liên kết và sản lượng sản xuất lên tới 50% sản lượng của toàn Tổng công ty.
Ngoài ra, việc hoán đổi cổ phiếu giữa Tổng công ty và các Công ty con gặp nhiều khó khăn trong việc xác định giá trị, cũng như có cơ chế đồng nhất. Nhưng đây lại là phương án phù hợp nhất vì vừa tăng nguồn thu vào ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo tránh các xung đột lợi ích tương lai.
Với việc thoái vốn cho mỗi lần khoảng 20 – 30% là rất lớn, nên ông Hà đề nghị khi quyết định thoái vốn 2 lần thì khoảng cách 2 lần ít nhất 1 năm để ổn định sản xuất. Vì việc thoái vốn có thể khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Vị này cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, vai trò cổ phần hóa với Sabeco trong thời gian qua là khá mờ nhạt khi hiện nay, doanh nghiệp này đã nhập khẩu những công nghệ, thiết bị đắt tiền nhất thế giới; nâng cao năng lực quản trị; công ty phát triển tốt và đóng góp lớn cho ngân sách.
“Vậy cổ phần hóa mục đích gì, cần nêu rõ” – Tân Chủ tịch Sabeco nói.
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng cách tính thuế mới đang khiến Sabeco phải đóng thêm 1.600 tỷ đồng tiền thuế, điều này làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa và thoái vốn, nên Sabeco phải tái cơ cấu.
Do đó, Chủ tịch Sabeco đề nghị Bộ Công Thương cần phải xem xét vấn đề này để doanh nghiệp tái cơ cấu, cổ phần hóa nhằm mang lại giá trị cao nhất cho phần vốn của Nhà nước.
Theo Tri Thức Trẻ