Lộ tài sản trăm, ngàn tỷ
Quá trình cổ phần hóa vào giai đoạn nước rút cùng với hàng loạt các chính sách liên quan tới niêm yết, đăng ký giao dịch và mở rộng công bố thông tin… đã tác động mạnh tới danh sách những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam.
Thông tin mới đây cho thấy, Tập đoàn Thaigroup (tiền thân là CTCP Xuân Thành Group) của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) là đại gia mạnh tay chi hơn 1.000 tỷ đồng để giành phần thắng trong phiên đấu giá trọn lô cổ phần của khách sạn Kim Liên .
Như vậy, sau khi rút khỏi TTCK với việc bán 74% cổ phần CTCK VIX trị giá khoảng 240 tỷ, ông Nguyễn Đức Thụy đã trở lại và khuấy động danh sách những người giàu nhất tại Việt Nam. Không chính thức có mặt tại các DN niêm yết nhưng thương vụ này đã chứng tỏ tiềm lực ngàn tỷ của bầu Thụy cũng như tập đoàn với hàng chục công ty con, với vốn tổng cộng lên tới 2.500 tỷ đồng của ông.
Hiện tượng giàu lên nhanh chóng hoặc bất ngờ lộ diện giàu có đã nóng lên từ vài năm gần đây. |
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng vừa cho biết, 2 cá nhân ông Lý Thanh Hùng và ông Phạm Ái Quốc giữa tháng 12/2015 đã mua tổng cộng 36,2% cổ phần của Khách sạn Sài Gòn, trị giá tổng cộng khoảng 65 tỷ đồng. Trước đó, cả 2 cá nhân này đều không sở hữu cổ phần SGH nào.
Năm 2015 giới đầu tư cũng chứng kiến nhiều gương mặt mới qua những vụ bán đấu giá cổ phần cũng như đưa DN lên sàn.
Ông Đoàn Hồng Việt, chủ tịch của CTCP Thế giới số - Digiworld (DGW) là một gương mặt giàu có mới trên thị trường. Ông Hồng Việt trực tiếp sở hữu gần 1,4 triệu cổ phiếu DGW và gián tiếp sở hữu hơn 11 triệu cổ phiếu này thông của DN tư nhân Created Future. Tổng tài sản ông Việt nắm giữ chưa kể người thân lên tới trên 410 tỷ đồng.
Ông Hồ Đức Lam cũng là một nhân vật nổi bật trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Lam nằm trong tốp 100 với hơn 10 triệu cổ phiếu RDP của CTCP Nhựa Rạng Đông, trị giá khoảng 300 tỷ đồng.
Trước đó, ông Lam đã rất nổi tiếng trong lĩnh vực nhựa nhưng với vai trò chính là lãnh đạo của một DN có vốn nhà nước chi phối. Tuy nhiên, hồi giữa năm 2015, ông Lam đã mua phần vốn Nhà nước thoái (SCIC) để nắm tỷ lệ chi phối gần 65% tại Nhựa Rạng Đông.
Tư nhân - nguồn lực lớn cho nền kinh tế
Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao cũng như chuyên gia trong nước gần đây nhận định, nguồn lực trong dân rất lớn. Mấu chốt để huy động được sức mạnh này nằm ở chỗ phải hoàn thiện tốt hệ thống chính sách và môi trường để thu hút. DNNN yếu kém trong quản trị mà giữ cổ phần chi phối thì bán không ai mua.
Hàng loạt DN cổ phần, DN tư nhân đã bỏ ra hàng trăm, hàng ngàn tỷ để đầu tư vào các khu đất có giá trị. |
Hồi đầu tháng 10/2015, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và EVN Hà Nội đã chào bán thành công được hơn 40 triệu cổ phiếu tại ngân hàng An Bình. 5 NĐT cá nhân đã bỏ ra 400 tỷ đồng mua 40 triệu cổ phiếu NH này.
Cũng trong năm 2015, bà Đinh Thị Thanh Ký đã trở thành cổ đông mới của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) khi mua vào gần 11,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 2,67% vốn, trị giá hơn 110 tỷ đồng theo mệnh giá. Trước đó, hồi cuối tháng 1 VIB cho biết, ông Trần Nhất Minh và người nhà nắm giữ hơn 10% vốn NH này.
Trong lĩnh vực BĐS, hàng loạt DN cổ phần, DN tư nhân đã bỏ ra hàng trăm, hàng ngàn tỷ để đầu tư vào các khu đất có giá trị.
Cuối tháng 6, một đại gia đã bỏ hơn 255 tỷ đồng thâu tóm một DN sở hữu hàng loạt đất vàng, bao gồm lô đất gần Hồ Hoàn Kiếm . NĐT giấu tên đã đặt mua toàn bộ 3,1 cổ phiếu chào bán của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi - DN đang sở hữu hàng loạt đất vàng tọa lạc trên con đường đẹp nhất Hà Nội, bắt đầu từ Hồ Hoàn Kiếm, với giá đặt mua cao nhất, 82.000 đồng/cổ phần.
Nhiều cuộc tấn công vào các mảnh đất vàng ấn tượng khác gồm: Vingroup và VID vào Vinatex; Vingroup vào Triển lãm Giảng Võ (VEFAC) có diện tích gần 7 ha; Vingroup hợp tác với LIX thông qua công ty con; tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn mua ga Hà Nội,...
Bên cạnh đó, còn rất nhiều thương vụ đại gia mới nổi bất ngờ đổ đống tiền vào các DN làm ăn có hiệu quả trên TTCK như trường hợp 130 tỷ đồng để trở thành cổ lớn của Nhựa Tiền Phong của ông Hồ Phi Hải hồi đầu năm. Ông Hải đã mua lại 2,54 triệu cổ phiếu NTP (gần 5,9%) từ NĐT nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, năm 2015 cũng chứng kiến nhiều đại gia đi xuống hoặc gặp nhiều tai tiếng. Với ông Đoàn Nguyên Đức, 2015 là một năm không hề suôn sẻ. Giá cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã xuống mức thấp nhất kể từ khi DN niêm yết trên TTCK năm 2008. Giá cổ phiếu giảm đã khiến bầu Đức mất hơn 3.600 tỷ đồng. Bầu Đức đã bị mất vị trí thứ 2 trong bảng xếp những người giàu nhất trên TTCK vào tay ông Trần Đình Long.
Trong năm 2015, giới đầu tư cũng nói nhiều đến ông Đặng Phước Dừa. Ông Dừa, đại diện cho hơn 10%, bị loại khỏi danh sách bầu cử Hội đồng Quản trị mới nhất. Trước đó, ông Dừa cũng từng liên quan tới một vụ nhận chuyển nhượng cổ phiếu của một NH khác trị giá rất lớn.
Theo Vietnamnet