Kết thúc vụ việc "con ruồi 500 triệu đồng", người dùng là anh Minh bị tòa tuyên án phạt 7 năm tù còn Tân Hiệp Phát, đại diện bên bị hại cho biết đã thiệt hại 2.000 tỷ đồng. |
Chia sẻ về vụ việc "con ruồi tiền tỷ" của Tân Hiệp Phát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây có thể là chiến lược của Tân Hiệp Phát.
Song, chiến lược này thực hiện truyền thông sai lầm và lựa chọn giải pháp cả hai bên cùng thua.
"Người dân vi phạm pháp luật phải chịu án và bản thân doanh nghiệp cũng bị mất mát nhiều. Đây cũng là cảnh tỉnh cho các tập đoàn trong nước khi xây dựng thương hiệu", ông cho hay.
Theo luật sư, chuyên gia e-marketing Nguyễn Phan Anh, công ty Tân Hiệp Phát đã thành công khi phơi bày lòng tham của anh Minh nhưng họ vẫn thất bại nặng nề, cả về thương hiệu và doanh thu.
Sau gần 1 năm liên quan đến vụ việc, theo công bố của doanh nghiệp này, họ đã thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Gần đây trên mạng xã hội còn lập hẳn ra một trang Fanpage với hàng nghìn thành viên tẩy chay sản phẩm của công ty này.
Hậu quả sự việc gây thiệt hại không những cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nhiều lao động, tiền thuế của Nhà nước.
Câu chuyện "con ruồi 500 triệu đồng" liên quan đến người tiêu dùng và Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã làm dậy sóng dư luận gần một năm qua.
Ngày 3/12/1014, chủ quán bún Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền Giang) phát hiện ra chai nước Number 1 có dị vật nghi là ruồi và liên hệ với Tân Hiệp Phát để đòi tiền đổi lấy sự im lặng.
Ngày 27/1/2015, khi nhận số tiền 500 triệu đồng từ Tân Hiệp Phát, anh Minh bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra vụ án về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Sau buổi tòa tuyên án mới đây đã phạt 7 năm tù đối với bị cáo Võ Văn Minh, người đã đòi công ty Tân Hiệp Phát trả 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng về chai nước ngọt nghi có ruồi lại khiến vấn đề này trở nên nóng hơn.
Không bàn luận về chuyện đúng sai của doanh nghiệp hay người dân, song ông Tuấn thấy tiếc nuối cho một thương hiệu Việt.
Lúng túng xử lý khủng hoảng
Trong vụ việc này, theo ông Phan Anh, Tân Hiệp Phát đã xử lý khủng hoảng truyền thông chưa tốt.
"Việc bẫy người dùng - khách hàng trung thành của Tân Hiệp Phát đã làm xói mòn niềm tin của một thương hiệu quốc gia”, ông Phan Anh cho hay.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, doanh nghiệp đã sai lầm không nhận diện ra môi trường truyền thông đã thay đổi, quen cách xử lý kiểu cũ.
“Bây giờ là năm 2015, hầu như mọi người ai cũng có smartphone và tài khoản facebook. Do vậy truyền thông đã lan truyền chóng mặt, và Tân Hiệp Phát không thể cứ chờ cho qua chuyện.
Công ty sẽ mất rất nhiều tiền, thậm chí sẽ không bao giờ còn được như xưa nếu không thay đổi tư duy”, ông Hiển nhấn mạnh.
Theo quan sát của ông Phan Anh, sau sự việc, Tân Hiệp Phát vẫn đang tiếp tục chi ngân sách lớn, dội bom quảng cáo trên truyền hình, radio và một số kênh khác.
Song, qua theo dõi, kênh quảng cáo mà đơn vị lựa chọn thường ít tính tương tác trực tiếp với người tiêu dùng để tránh hiệu ứng ngược.
Cần một lời xin lỗi chân thành
Cả hai chuyên gia đều cho rằng, văn hóa người tiêu dùng Việt thường đề cao tình cảm, dùng tình cảm để phán xét sự việc.
Người tiêu dùng Việt Nam rất dễ dàng tha thứ nếu doanh nghiệp không may mắc sai lầm khi họ nhận lỗi và xin lỗi chân thành.
Tuy nhiên, trong câu chuyện con ruồi, mọi người đang cảm nhận Tân Hiệp Phát "xin lỗi đối phó" hơn là thực tâm nên vẫn tiếp tục "ném đá", ông Hiền phân tích.
Theo ông, nếu thực tâm, doanh nghiệp này phải gửi đơn tới toà án, đề nghị xem xét lại bản án, thậm chí nên nhấn mạnh việc Tân Hiệp Phát có thương thảo dân sự với anh Minh, chứ không chỉ do anh Minh ép buộc.
Và chơi đẹp hơn, doanh nghiệp sẽ ra thông báo (nếu trường hợp bất đắc dĩ, toà vẫn xử tù anh Minh) sẽ trợ cấp gia đình anh số tiền hàng tháng tương đương với thu nhập lao động của anh trong thời gian bị tù.
Như vậy mới là cách Tập đoàn cùng chia sẻ "tai nạn" của 2 bên.
Theo Zing