Ông Trần Quỳnh Anh, Trưởng phòng Tuyên truyền Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương nói như trên, khi trao đổi với Tiền Phong về vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
Cơ quan chức năng triệt phá vụ kinh doanh thực phẩm chức năng giả vào tháng 9/2015. |
Dễ gây ung thư khi dùng thực phẩm chức năng giả
Theo ông Trần Quỳnh Anh, năm 2015 nạn hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, xu hướng mang yếu tố nước ngoài ngày càng phổ biến. Điển hình như mì chính, bánh mứt kẹo, đồ uống, rượu bia, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi giả, sử dụng chất cấm, dư lượng vượt quá mức cho phép, đông dược, tân dược ngoại nhập.
Ngoài ra phụ tùng ôtô, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện, phích điện, ấm điện, máy xay sinh tố, sắt thép, các loại phụ kiện... cũng bị làm giả. Hành vi vi phạm chủ yếu là gian lận về xuất xứ, chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn hiệu.
Theo ông Anh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm chức năng chưa hiệu quả, chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng chưa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng quảng cáo quá tác dụng thực tế, thậm chí sai lệch so với công bố..., làm cho công tác quản lý trở nên phức tạp.
“Nhiều doanh nghiệp biết sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, nhưng không phản ánh đến cơ quan chức năng vì sợ ảnh hưởng đến uy tín. Chính điều này đã tạo điều kiện cho hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả gia tăng” - ông Anh nói.
Ông Trần Quỳnh Anh cho rằng, các đối tượng sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng giả thường lợi dụng người tiêu dùng thiếu hiểu biết coi thực phẩm chức năng là “thần dược” chữa bệnh hay tăng cường sức khỏe.
Đối với các mặt hàng trên nếu sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng bổ sung vi chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất dành cho trẻ nhỏ có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển,…
Thực phẩm chức năng chứa chất cấm, kim loại nặng có thể dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khỏe con người như ngộ độc, ung thư. Về việc này, ông Anh thừa nhận Cục QLTT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như kỳ vọng của người dân về việc chống hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng…
Chồng chéo khiến “cha chung không ai khóc”
Một lãnh đạo Cục QLTT cho rằng, tình trạng các mặt hàng giả, nhái tràn lan trên thị trường do chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, một số văn bản quy phạm pháp luật còn quy định chưa thống nhất, chưa sát với thực tiễn. Hiện nay, Việt Nam mới quy định hàm lượng chỉ đạt từ 70% trở xuống là hàng giả. Tuy nhiên trong thực tiễn, nhiều mặt hàng có hàm lượng hoạt chất trên 70% hoặc 100% không có giá trị sử dụng hoặc có thể gây hại cho người sử dụng nhưng không thể xử lý vì quy định không cho phép.
Ngoài ra, các chế tài xử lý hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ được quy định ở rất nhiều văn bản khác nhau gây khó khăn cho công tác thực thi. Thêm vào đó còn có nhiều cơ quan có thẩm quyền xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến chức năng nhiệm vụ có lúc có nơi bị chồng chéo. Có những doanh nghiệp chưa tích cực hợp tác với lực lượng chức năng vì tâm lý phát hiện hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, ảnh hưởng đến doanh thu.
Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa có đại diện hoặc nhà máy tại Việt Nam, việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng gặp nhiều hạn chế, nhất là việc phối hợp với các cơ quan thực thi...
Ông Trần Hùng, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Chính phủ, cho rằng, để triệt tận gốc tình trạng trên phải ngăn chặn từ biên giới và phải tuyên truyền với người dân không mua bán, sử dụng những mặt hàng ở nơi không có uy tín, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Kể từ tháng 7/2015 đến 11/2015, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 1.207 vụ, phát hiện 569 vụ vi phạm về thực phẩm. Kiểm tra 143 vụ thực phẩm chức năng, lực lượng này phát hiện 19 vụ vi phạm với tổng giá trị hàng hóa 2,5 tỷ đồng. |
Theo Tiền Phong