Thái Lan lo ngại các nhà đầu tư rút vốn sang Việt Nam vì TPP

Thứ tư, 13/01/2016, 12:49
Các doanh nghiệp Thái Lan đang lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khỏi nước này sang Việt Nam, Singapore và Malaysia để tận dụng lợi thế các đặc quyền trong việc tiếp cận thị trường Mỹ.
Thái Lan đang lo ngại về những đặc quyền được hưởng của các thành viên TPP

Vallop Vitanakorn – Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) chỉ ra rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc về những điều mà họ được hưởng nếu đầu tư vào những nước thành viên ASEAN tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ, trong đó cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng sản xuất tại các nước này nhập vào thị trường Mỹ.

Các thành viên FTI cảm thấy lo lắng khi nhiều doanh nghiệp chuyển đến ba quốc gia này do các động lực và đặc quyền từ TPP.“Điều này sẽ không chỉ cắt giảm đầu tư ở Thái Lan mà còn tăng cường sự cạnh tranh giữa hàng hóa Thái và những người từ TPP ký kết”,ông nói.

Xuất khẩu điện tử của Thái Lan xếp hạng thứ ba trong ASEAN với giá trị xuất khẩu hàng năm của 1,5 nghìn tỷ baht, trong khi Singapore là đứng đầu và thứ hai Malaysia, ông Vallop cho biết thêm.

FTI đang thúc giục các chính phủ Thái và các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Họ cũng cho rằng, các doanh nghiệp thành viên nên chuyển sang các sản phẩm công nghệ cao để giúp hàng Thái Lan có thể cạnh tranh tốt hơn. “Thái Lan phải nghiên cứu nhiều hơn nữa ngành công nghiệp tiên tiến hơn là chỉ theo đuổi việc gia công sản xuất”, ông Vallop nhấn mạnh.

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài Việt Nam, trong năm 2015, chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, coi Việt Nam là một địa bàn đầu tư chiến lược. Tất cả các công ty lớn của Hàn Quốc có trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn đều đã có các dự án đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như: Samsung, Canon, GS, POSCO, Hyundai, KEPCO, SK …

Mới nhất, nhà sản xuất tivi lớn thứ 2 thế giới – LG Electronics đã quyết định chuyển phần lớn hoạt động sản xuất từ Thái Lan sang Việt Nam nhằm tận dụng chi phí nhân công rẻ, dịch vụ vận tải thấp và để chào đón TPP.

Thực tế, không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài tại Thái Lan có xu hướng chuyển vào Việt Nam, Malaysia, Singapore, mà chính các ‘đại gia’ của nước này cũng chuyển hướng. Từ đầu năm 2015, nhiều ‘đại gia’ của Thái Lan đã tìm cách thâu tóm các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Giữa tháng 1/2015, Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat đã hoàn tất mua lại 49% cổ phần công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) – đơn vị sở hữu công ty Thương mại Nguyễn Kim.

Trước đó, Tập đoàn đồ uống ThaiBev của Thái Lan đã ngỏ ý muốn chi khoảng 40% cổ phần của Sabeco với mức giá được đưa ra là 80.000 đồng/cổ phiếu. Được biết ThaiBev nằm dưới sự kiểm soát của tỷ phú Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi – người giàu thứ 3 Thái Lan với tài sản lên tới 11,3 tỷ USD. Chính tỷ phú này cũng đứng đằng sau thương vụ Tập đoàn Berli Jucker (BJC) đàm phán mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 875 triệu USD diễn ra cách đây vài ngày.

Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đã chi mạnh tay để là nhà đầu tư chính vào Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) với giá trị lên tới 22 tỷ USD. Dự án có công suất 400.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 20 triệu tấn/năm). Sau năm 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 30 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 22 tỷ USD nhưng khi mở rộng công suất, tổng mức đầu tư có thể đạt mức 30 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các đại gia của Thái Lan cũng tìm cách hàng loạt các thương vụ khác trong các lĩnh vực như sữa, bia, điện tử, ôtô, dệt may, xây dựng…

Theo Diễn đàn Doanh Nghiệp

Các tin cũ hơn