Trong giới đầu tư, tỷ phú Richard Branson, người giàu thứ 12 tại Anh, thứ 330 trong danh sách tỷ phú thế giới; bà Sonali Perera, người đã đảm nhiệm nhiều vị trí cấp cao về quản lýdự án tại Paypal, Yahoo, Cisco và Warner Brothers, hay những doanh nhân danh tiếng có một tên gọi chung là “cá mập”. Mỗi bước chuyển động của “cá mập” đều tạo nên những cơn sóng lớn.
Sẽ không có gì mới để nói nếu như các cá mập này lại có tên trong hồ sơ năng lực của Công ty Tư vấn giải pháp công nghệ thông tin Toàn cầu xanh (Green Global) ở Đà Nẵng. Càng không có gì để nói nếu như Green Global không phải là một doanh nghiệp “thuộc dạng bình bình” ở Đà Nẵng và tỷ phú Richard, bà Sonali Perera không phải là những khách hàng tư vấn start-up của Green Global.
Ông Lê Trí Hải, Giám đốc Green Global |
"Tại sao không!”, đó là câu trả lời mà Lê Trí Hải, Giám đốc Green Global đáp lại câu hỏi: “Tại sao doanh nghiệp ở Việt Nam lại có thể tiếp cận và tư vấn được cho các ‘cá mập’ giàu kinh nghiệm kinh doanh ở Mỹ?”.
Kết quả của các dự án này là sự ra đời của mạng Slidelane từ ý tưởng của bà Sonali. Mạng xã hội khởi nghiệp dành cho các bậc phụ huynh, tạo ra một kênh kết nối hiệu quả giữa các các bậc cha mẹ nhằm giúp họ tìm kiếm, chia sẻ các thông tin liên quan đến việc nuôi dạy và chăm sóc con cái.
Với biểu tượng của khởi nghiệp thế giới, tỷ phú Branson của thương hiệu Virgin, Gireeen Global còn đi xa hơn, vừa triển khai dự án, vừa mạo hiểm đầu tư ngay từ đầu. Hiện tại, Ideapod đã là một dự án start - up lớn.
“Tại sao không!” cũng là câu trả lời mà Lê Trí Hải đã tự đưa ra khi quyết định về Việt Nam thành lập công ty tư vấn giải pháp công nghệ thông tin. Học đại học và cao học ở Australia, rồi trở thành giảng viên đại học ở đó, Hải đã tư vấn về giải pháp công nghệ cho một số dự án và thành công. Nhưng anh quyết định về Việt Nam thành lập công ty tư vấn vào năm 2008, với số vốn khoảng 250 triệu đồng.
Đến giờ, sau hơn 8 năm, số vốn của Công ty vẫn vậy, nhưng Green Global hiện có khoảng 100 nhân viên, một phần đang ở Hoa Kỳ để phục vụ các khách hàng ở New York và Thung lũng Silicon. Ở Việt Nam, chưa có dự án tư vấn start-up nào được thực hiện, nhưng thay vào đó là các hợp đồng về giải pháp công nghệ thông tin đủ các cấp, của doanh nghiệp đến thành phố điện tử.
Như Hải nói, Việt Nam có lẽ cần thêm thời gian để hoàn thiện môi trường cho các dự án start-up vì họ cần một bể bơi không chăng dây. Còn ở Thung lũng Silicon - thiên đường khởi nghiệp, mỗi ngày có cả ngàn ý tưởng, nên các góc nhìn về start-up rất công bằng. Các sát thủ thương trường không ngần ngại tìm đến các công ty mới.
“Điều họ cần là chúng tôi có khả năng làm được gì với ý tưởng của họ, chứ không nhìn vào quy mô của công ty. Sau các hợp đồng tư vấn start-up, chúng tôi đồng hành với họ, cung cấp cho họ thêm góc nhìn, có thể bỏ cái nọ, thêm cái kia. Sau mỗi dự án, chúng tôi lại học thêm được rất nhiều điều”, Lê Trí Hải lý giải cách đi của mình.
Thậm chí, bộ phận tại Mỹ của Green Global được đặt cái tên Hy Lạp là Monokera, với hàm ý liên tưởng tới nghĩa tiếng Anh của từ này là unicorn, kỳ lân một sừng - là biểu tượng của những doanh nghiệp start-up giá trị tỷ USD.
“Ở Việt Nam, nhắc đến khởi nghiệp, nhiều người vẫn nghĩ tới những chàng sinh viên mới ra trường hừng hực máu lửa. Nhưng không hẳn. Chính các ý tưởng của những cá mập mới thực sự là điều hấp dẫn chúng tôi”, Lê Trí Hải thẳng thắn.
Dẫu thế nào, đó vẫn là một cách đi lạ. Lê Trí Hải cũng nhìn nhận điều này, thậm chí thừa nhận là hơi mạo hiểm ở Việt Nam khi thị trường còn quá mới. Nhưng Hải nói, sự hấp dẫn của nghề tư vấn start-up vô cùng lớn, mỗi ý tưởng mà khách hàng đưa đến là một sự thử thách cho các nhóm làm việc của Green Global, để sau đó là những háo hức có được cách thức mới, mô hình mới.
“Tôi chọn con đường vất vả hơn là tư vấn lại cho những người giỏi hơn mình. Nhưng có vậy thì mới nhanh trở thành những người ngang hàng với họ. Tôi không muốn trở thành một người gia công phần mềm giỏi, mà muốn trở thành một người làm việc với các ý tưởng kinh doanh ngay từ đầu”, Giám đốc của Green Global chia sẻ quan điểm và thừa nhận, cũng có một chút “tự ái” khi người Việt Nam rõ ràng có thể làm được nhiều việc hơn, nhưng thị trường phần mềm vẫn chưa có thương hiệu Việt Nam.
Theo Báo Đầu Tư