Theo Bloomberg, đợt can thiệp lớn nhất và gần đây nhất là từ ngày 31/10 đến 4/11/2011. Yen Nhật leo đến mức cao kỷ lục 75,35 JPY ngang giá 1 USD trong ngày đầu tiên của đợt can thiệp. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản khi đó nói rằng “các động thái đầu cơ” đồng tiền không phản ánh các nguyên tắc cơ bản của nước này.
Bộ Tài chính quốc gia Đông Á bán 9.090 tỉ yen để mua đô la Mỹ. Đã và đang tăng giá trong 90 ngày qua, JPY suy yếu 3,1% nhờ các hành động can thiệp trước khi đi lên 0,8% trong khoảng thời gian còn lại của tháng 11/2011.
Trước đợt can thiệp kể trên là lần can thiệp vào ngày 4/8/2011, khi chính phủ nước này mua 57,2 tỉ USD phản ứng lại những gì họ cho là các động thái đầu cơ và mất trật tự tiền tệ. Sau khi tăng 5,8% trong ba tháng kết thúc vào tháng 7, yen Nhật hạ 2,3% hôm 4/8 và mạnh lên 2,9% trong phần còn lại của tháng 8/2011.
Đợt can thiệp vào tháng 3/2011 là trong tình huống khác. Bộ Tài chính đã bán 692,5 tỉ JPY để mua 8,6 tỉ USD hôm 18/3/2011, sau khi trận động đất 9 độ Richter xảy ra trước đó sáu ngày, làm JPY tăng mạnh so với USD vì suy đoán các doanh nghiệp Nhật Bản có thể hồi hương vốn.
Các nước khác là thành viên của nhóm G-7 cũng bán yen Nhật, cho hay đây là hành động phản ứng diễn biến của JPY gắn liền với sự kiện thảm họa ở Nhật Bản và là hành động đáp ứng đề nghị của giới chức nước này. Nội tệ Nhật Bản trượt 2,1% trong ngày can thiệp và suy yếu 3,1% trong thời gian còn lại của tháng 3/2011.
Đợt can thiệp nội tệ đầu tiên kể từ năm 2004 của Tokyo diễn ra hôm 15/9/2010, khi Bộ Tài chính Nhật Bản bán 2.120 tỉ JPY để mua 24,8 tỉ USD. Yen Nhật tăng giá lên mức 82,88 JPY đổi được 1 USD trong ngày và tính đến thời điểm đó, đây là mức cao nhất kể từ năm 1995.
Theo Thanh Niên