Người Trung Quốc mất niềm tin vào đồng nhân dân tệ

Thứ ba, 16/02/2016, 09:01
Khi nền kinh tế Trung Quốc chững bước, các gia đình giàu có cố gắng chuyển một số tiền lớn ra khỏi đất nước bởi những quan ngại về giá trị đồng nhân dân tệ và tài sản của họ giảm.
Một tấm biển quảng cáo tại một ngân hàng ở Bắc Kinh. Những quan ngại về việc đồng nhân dân tệ mất giá thúc đẩy sự thoát vốn khỏi Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Để làm được điều này, NewYork Times cho biết nhiều người đang nhờ bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình chuyển một số tiền trị giá 50.000 USD một người – giới hạn pháp lý của Trung Quốc. Như vậy, nhóm 100 người có thể chuyển số tiền trị giá 5 triệu USD ra khỏi Trung Quốc.

Động thái này là gọi là Smurfing, một phần của cuộc di cư vốn, thứ xảy ra khi sự nghi ngờ về triển vọng kinh tế Trung Quốc và sự bất ổn của thị trường toàn cầu tăng. Trong năm qua, các công ty và cá nhân đã chuyển một số tiền trị giá gần 1.000 tỷ USD ra khỏi đất nước này.

Một số phương pháp hoàn toàn hợp pháp là đầu tư vào bất động sản ở những nơi khác, mua các doanh nghiệp ở nước ngoài và trả các khoản nợ bằng đô la. Những cách làm khác, như Smurfing, khá đáng ngờ. Và trong một số trường hợp, chúng hoàn toàn bất hợp pháp. Năm ngoái, giới chức hải quan Trung Quốc bắt một phụ nữ khi cô cố gắng rời khỏi đại lục với 250.000 USD giấu trong áo ngực, đùi và giày.

Nếu chính phủ không thể khiến công dân từ bỏ việc tìm đến “lối thoát hiểm” tài chính, triển vọng của Trung Quốc có thể khá tối tăm. Tình trạng gia tăng di cư vốn là một thành phần gây mất ổn định trong nền kinh tế đang phát triển chậm lại của Trung Quốc, làm suy yếu và tổn thương hệ thống ngân hàng – nơi đang phải vật lộn để xử lý "trào lưu" cho vay tràn lan trong suốt một thập kỷ qua.

Nỗ lực của chính phủ

Di cư vốn gây áp lực đáng kể lên đồng nhân dân tệ. Chính phủ đang cố gắng ngăn chặn tình trạng đồng tiền nước này mất giá bằng cách can thiệp. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra quá nghiêm trọng khiến các biện pháp của chính phủ lại tạo thêm sự hỗn loạn trên thị trường.

Trung Quốc cũng đang cố gắng hạn chế sự thoát vốn bằng cách thắt chặt kiểm soát đối với các liên kết của nước này với hệ thống tài chính toàn cầu. Ví dụ, chính phủ chỉ bắt đầu kiểm soát việc người dân sử dụng thẻ ngân hàng để mua bảo hiểm nhân thọ của nước ngoài.

Những động thái như vậy có sự đánh đổi. Các giới hạn khiến nhiều người quan ngại rằng chính phủ đang đẩy lùi các nỗ lực cải cách mà Trung Quốc cần để tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các thập kỷ tiếp theo. Tuy nhiên sức ép ngắn hạn cũng gây ra sự chú ý, gây chấn động toàn cầu.

“Tiền tệ đã trở thành một mối đe doạ ngắn hạn đối với sự ổn định tài chính”, Charlene Chu, một nhà kinh kế học của Tổ chức Nghiên cứu Tài chính Autonomous, nói.

Cách điều hướng các vấn đề như vậy khá mới mẻ đối với Trung Quốc.

Trong những năm qua, Trung Quốc thu hút một lượng vốn đầu tư khổng lồ đến từ khắp nơi trên thế giới, khi nền kinh tế tăng trưởng với tỷ lệ hàng năm ở mức 2 con số. Tuy nhiên, hệ thống tài chính của quốc gia này chủ yếu khép kín, không nối với bên ngoài nên đồng nhân dân tệ chỉ lưu thông trong nước.

Hiện tại, chính phủ dỡ bỏ một số hạn chế tiền tệ để mở cửa rộng hơn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chững lại và tiền đang chảy ra khỏi đất nước này.

“Các công ty và cá nhân không muốn giữ đồng nhân dân tệ. Nó từng là một sự đánh cược vững vàng trong một thời gian dài nhưng hiện tại thì không. Rất nhiều người muốn đẩy nó đi”, Shaun Rein, người sáng lập ra Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc, nói.

Đối với chính phủ, việc quản lý tình hình tương đối phức tạp.

Càng làm, càng rối

Những công nhân vệ sinh đang làm việc tại một ngân hàng quốc doanh ở Bắc Kinh. Các ngân hàng Trung Quốc đang phải cố gắng đối phó với "trào lưu" cho vay tràn lan trong suốt một thập kỷ qua. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc đột ngột giảm giá trị đồng nhân dân tệ xuống 4% vào tháng 8 năm ngoái, như một phần của sự thay đổi trong cách tiếp cận thị trường có định hướng và giúp các nhà đầu tư. Tuy nhiên, động thái bất ngờ này dẫn đến các đợt lao dốc của sàn chứng khoán.

Sau đó, chính phủ cố gắng đưa đồng tiền nước này xuống giá chậm hơn, giảm 2,8% trong giai đoạn 5 tuần – kết thúc vào đầu tháng 1. Tuy nhiên, động thái lén lút này dẫn đến tình trạng bán tháo bởi các nhà đầu tư toàn cầu quan ngại về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang chống lại áp lực trên bằng cách bán USD từ dự trữ ngoại tệ để mua một lượng lớn đồng nhân dân tệ. Dự trữ của Trung Quốc giảm 108 tỷ USD vào tháng 12 và thêm 99 tỷ USD vào tháng 1, về còn 3.230 tỷ USD. Khoảng hơn một năm trước, con số này là 4.000 tỷ.

Và đồng nhân dân tệ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Chính phủ cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế, khiến đồng nội tệ trở nên ít hấp dẫn đối với những người gửi tiết kiệm trong nước. Lợi nhuận doanh nghiệp đang thu hẹp bởi Trung Quốc có quá nhiều nhà máy sản xuất thép, xe hơi và nhà trống dư thừa. Chính điều này khiến các nhà đầu tư phải tìm kiếm lợi nhuận ở những nơi khác.

Ronald Wan, một quản lý tiền bạc người Hong Kong, cho biết, bi quan đã trở thành đồng thuận. “Trong số các công ty mà tôi tiếp xúc, tất cả đều muốn chuyển tiền ra nước ngoài”, ông nói.

Nhiều ngân hàng và các nhà kinh tế cho rằng một sự mất giá mạnh khác sẽ diễn ra trong mùa xuân này. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc lên án các dự đoán về sự mất giá đồng nhân dân tệ. Hồi tháng 1, Nhân dân Nhật báo, tờ báo của nhà nước Trung Quốc, chỉ trích George Soros, một nhà đầu tư nổi tiếng, sau khi ông đề cập đến chính sách của Trung Quốc.

“Đối với tôi, việc chỉ trích Soros là tín hiệu mạnh mẽ nhất chứng tỏ rằng dù họ làm gì, họ cũng không thể khiến túi tiền của Soros hay các nhà đầu tư khác phình to”, Wei Jian Shan, giám đốc điều hành của PAG – một công ty cổ phần tư nhân có trụ sở tại Hong Kong (quản lý 15 tỷ USD), nói.

Mèo đuổi chuột

Bước tiếp theo của chính phủ sẽ phụ thuộc vào việc liệu Bắc Kinh có thể ngăn chặn dòng thoát vốn, hoặc ít nhất khiến nó chậm lại, hay không. Và tại Trung Quốc, điều này giống như trò chơi mèo đuổi chuột.

Mỗi năm, các cá nhân có thể di chuyển một số tiền trị giá 50.000 USD ra nước ngoài. Những công ty và các nhà đầu tư có thể dễ dàng gửi tiền đi mà vẫn đảm bảo về mặt pháp lý nhờ các khoản đầu tư hay phục vụ cho việc mua bán. Các công ty trong và ngoài nước duy trì các tài khoản ngân hàng bằng các loại ngoại tệ khác nhau có thể chuyển tiền mặt cũng như vay tiền dựa trên cơ sở suy đoán về đồng tiền nào sẽ mất giá.

Tuy nhiên, các phương pháp không chính thức khá nhiều.

Các công ty thổi phồng hoá đơn giao dịch để giữ lại nhiều lợi nhuận hơn ở nước ngoài, dù giới chức Trung Quốc đã cố gắng triệt tiêu hoạt động này.

Ông Rein cho biết, một người phụ nữ giàu có ở thành phố Thượng Hải đã đổi 7 triệu USD từ đồng nhân dân tệ. Bà nhờ 140 người thân, bạn bè và người thân của bạn bè thực hiện điều này.

2 năm trước, chính phủ cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư 15% tài sản của họ vào các thị trường ở nước ngoài. Tuy nhiên, mùa đông vừa qua, Trung Quốc đột ngột yêu cầu những công ty này đình chỉ kế hoạch hoạt động ở các quốc gia khác, theo các nhà tài chính người Hong Kong.

Bắc Kinh giới hạn việc rút vốn đồng nhân dân tệ từ các chi nhánh ngân hàng Trung Quốc ở nước ngoài. Tại tỉnh Thâm Quyến, các ngân hàng bắt đầu yêu cầu người dân phải đặt lịch trước một tuần nếu họ muốn chuyển đổi một số tiền trị giá 10.000 USD từ đồng nhân dân tệ - mức tối đa trong một ngày.

Hồi tháng 1, Zou Tai, một nhân viên của một bệnh viện tới từ phía Đông của vùng trung tâm Trung Quốc, đón chuyến bay sớm để mua một xuất bảo hiểm nhân thọ trị giá 50.000 USD tại Hong Kong. Nhiều khách hàng Trung Quốc đã và đang làm những điều tương tự để đưa đồng tiền của họ ra khỏi đất nước, từ khi chính sách cho phép mua bằng nhân dân tệ và lĩnh tiền bằng USD.

“Sức mua đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm. Tôi cảm thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có sự lựa chọn và phải giảm giá đồng tiền này”, bà Zou nói.

Theo Zing

Các tin cũ hơn