Tại hội thảo "Đề xuất tài trợ của AFD bằng khoản vay không có bảo lãnh của Chính phủ”, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính - Đặng Quyết Tiến - cho biết, sắp tới, các Tập đoàn Nhà nước như Vietnam Airlines, Vinatex,... sẽ không hỗ trợ và bảo lãnh vốn.
Theo ông, trong giai đoạn 2016-2020, cơ chế bảo lãnh Chính phủ sẽ giảm dần. Chính phủ cũng chấm dứt cơ chế bảo lãnh cho các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vay vốn nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Các lĩnh vực không tạo ra lợi nhuận, liên quan đến đời sống người dân như môi trường, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo... sẽ được chú trọng.
Sắp tới, chỉ những doanh nghiệp nhà nước yếu kém mới được hỗ trợ vốn. Ảnh minh hoạ: Anh Tuấn. |
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc giảm dần hoặc không duy trì cơ chế bảo lãnh cho DNNN sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài. Bên cạnh đó, điều này giúp họ hoàn thiện cơ chế quản trị, năng lực cũng như sử dụng vốn hiệu quả.
Song Bộ vẫn kiểm tra, giám sát và đánh giá toàn bộ quy trình về việc sử dụng nguồn vốn cũng như hoạt động đổi mới về quản trị của doanh nghiệp.
Theo chuyên gia của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), một trong những đơn vị tài chính cung cấp nguồn vốn vay không có bảo lãnh của Chính phủ, nợ công của Việt Nam đang gần chạm ngưỡng 65%. Việc DNNN tiếp cận nguồn vốn vay này sẽ làm giảm áp lực nợ công.
Bên cạnh đó, hoạt động này sẽ giúp cho doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực hơn trong tái cơ cấu, cải cách trong thời gian tới.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đoàn Xuân Hiệu, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin), đơn vị 100% dựa vào vốn Nhà nước cho biết, nguồn vốn cần đầu tư hàng năm của tập đoàn lên tới 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, vốn của Chính phủ ngày càng hạn chế do nợ công. Việc doanh nghiệp tự tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài là vô cùng quan trọng.
Cũng muốn tìm nguồn vốn từ bên ngoài Chính phủ, ông Hoàng Phương, chuyên viên Ban Tài chính, Tập đoàn Điện lực (EVN) cho biết, nhu cầu đầu tư vào các dự án của EVN rất lớn. Song việc tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài cũng không hề đơn giản. EVN là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được vay 100 triệu USD từ AFD. Đến nay, Tập đoàn này đã sử dụng gần hết số vốn này. Được biết, mỗi năm, đơn vị này cần nguồn vốn 3-4 tỷ USD.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, AFD đã cam kết tài trợ hơn 1,6 tỷ EUR ở Việt Nam cho 81 dự án. Việt Nam là một trong những nước đối tác hàng đầu của AFD. Sự hỗ trợ của cơ quan, ban đầu chỉ dành cho lĩnh vực phát triển nông thôn, đã được mở rộng với việc hỗ trợ phát triển các cơ sở hạ tầng lớn trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, cấp thoát nước và xử lý nước thải.
Hiện tại, chiến lược của AFD xoay quanh 3 định hướng: phát triển đô thị bền vững; hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất để tăng cường trách nhiệm về xã hội và môi trường; chống biến đổi khí hậu.
Theo Zing