Thực phẩm bẩn làm chậm phát triển kinh tế

Thứ năm, 17/03/2016, 08:54
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, cần phải xử lý nghiêm những vi phạm gây ngộ độc thực phẩm, có như vậy mới cải thiện được nền kinh tế.

Theo Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, dù doanh nghiệp đã có nỗ lực, ý thức được vấn đề phải làm sao có thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh cho người tiêu dùng, song thực tế rất nhiều sản phẩm của chúng ta không đạt được yêu cầu các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Liên minh châu Âu đưa ra. Thị trường nội địa vẫn còn rất nhiều vấn đề làm cho người dùng lo lắng.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc nhận biết thực phẩm sạch không dễ nếu không phải là nhà chuyên môn. Đại đa số người tiêu dùng hiện nay chỉ nhận biết từ cảm quan. Để nhận biết qua các thiết bị nghiên cứu và phòng thí nghiệm kiểm tra độc tố lại là tiêu chuẩn quá cao đối với người tiêu dùng.

"Để hiện tượng ngộ độc thực phẩm liên tục xảy ra thời gian qua là không thể chấp nhận được. Nó không chỉ gây thiệt hại về sức khỏe của người dân mà còn là hiện tượng không đẹp của đất nước về thị trường thực phẩm, đặc biệt sẽ khó khăn với nền kinh tế Việt Nam", bà Loan nói.

Tại buổi chia sẻ về cách tiêu dùng thông minh do Hiệp hội bán lẻ Việt Nam tổ chức, đại diện nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng kiến nghị cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc, như tứớc giấy phép hành nghề vĩnh viễn của nơi cung cấp sản phẩm không an toàn. Ngoài ra, cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.

Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân cho rằng, việc tập huấn, tham quan là một trong những kênh giúp người tiêu dùng nhận biết thực phẩm đạt chuẩn, tiếp cận gần nhà sản xuất hơn.

Theo bà Huân, những chuỗi sản xuất nhỏ lẻ cũng cần phải có nhạc trưởng để gắn kết doanh nghiệp lại với nhau. Ngoài ra, đội ngũ sản xuất cũng phải đầu tư công nghệ, làm theo quy trình an toàn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vững mạnh mà quyền lợi của người tiêu dùng cũng được bảo vệ.

Thống kê từ Bộ Y tế, trong năm 2015, toàn quốc ghi nhận 171 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.965 người mắc và 23 trường hợp tử vong. Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm phần lớn từ bếp ăn tập thể.

Theo Zing

Các tin cũ hơn