Nếu như trước đây, hàng Nhật tập trung vào phân khúc cao cấp thì nay những món hàng “made in Japan” đến tay người tiêu dùng trong nước dễ dàng và phong phú hơn.
Đa dạng sản phẩm
Một siêu thị Nhật Bản trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP.HCM. |
Nói đến hàng Nhật nhập khẩu, người tiêu dùng thường nghĩ đến những mặt hàng cao cấp, dành cho người thu nhập cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều cửa hàng, siêu thị chuyên bán hàng Nhật ở TP.HCM đã bắt đầu đa dạng hóa đối tượng khách hàng bằng việc “bình dân hóa” giá bán sản phẩm. Bên cạnh những mặt hàng cao cấp như thịt bò Kobe/Hokkaido, cá hồi, rượu hay một số thực phẩm cao cấp khác, trên các kệ hàng của những siêu thị này xuất hiện thêm nhiều mặt hàng có mức giá phải chăng.
Chị Kiều Trinh ở quận 1, TP.HCM, cho biết ngày trước chỉ ở những cửa hàng đồng giá kinh doanh hàng gia dụng mới có những món hàng giá vài chục ngàn đồng. Giờ thì tới siêu thị lớn có thể mua được hộp bánh sản xuất tại Nhật chưa tới 100.000 đồng. “Hàng Nhật không còn hiếm hay quá đắt đỏ như trước kia nữa” - chị Trinh nhận xét.
Có mặt tại thị trường Việt Nam khá sớm, hiện các sản phẩm ở cửa hàng Hachi Hachi đã phong phú hơn cả về mặt hàng lẫn giá bán. Theo quản lý của một chi nhánh Hachi Hachi, nhờ thêm nhiều mặt hàng thực phẩm có mức giá phải chăng, xu hướng người thu nhập trung bình - khá chọn mua hàng Nhật bắt đầu tăng lên trong thời gian gần đây.
“Tiêu chí của những khách hàng này là hàng Nhật chính hãng nhưng giá cả không được quá cao. Nếu đáp ứng được nhu cầu này, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ qua hàng nhập khẩu của một số nước khác, chấp nhận chi nhiều tiền hơn một chút để mua hàng Nhật” - vị quản lý này nhận xét.
Ông Võ Văn Tâm, cửa hàng phó siêu thị Tokyo Mart chi nhánh Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM), cho biết hướng kinh doanh của cửa hàng là nhắm vào phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình - khá. Theo ông, nhu cầu sử dụng hàng hóa xuất xứ Nhật Bản, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, của đối tượng khách hàng này ngày càng cao. Do vậy, nếu có giá bán phù hợp, đây sẽ là tiềm năng lớn.
“Tất nhiên, những mặt hàng cao cấp sẽ không thể có giá thấp nhưng cửa hàng sẽ nhập về nhiều hơn những sản phẩm có giá phổ thông như bánh kẹo, thực phẩm tươi sống… Tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay sẽ là cơ hội lớn cho các thương hiệu Nhật Bản” - ông Tâm nhận định.
Chuộng hàng xách tay
Nếu như các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng, mỹ phẩm, quần áo được nhiều cửa hàng, siêu thị nhập khẩu bán với giá phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, thì những cửa hàng online chuyên bán hàng xách tay nhắm vào phân khúc khách hàng cao cấp.
Chị Ngọc Lan nhà ở quận 3, TP.HCM, cho biết đang mua sữa Nhật từ các cửa hàng chuyên bán hàng xách tay về cho con dùng, mặc dù hiện nay nhiều cửa hàng Nhật Bản trên địa bàn thành phố có bán một số sản phẩm sữa khá nổi tiếng. Hàng không phải lúc nào cũng có sẵn, giá bán lại cao hơn so với hàng nhập khẩu chính thức, nhưng chị Lan cho rằng “tiền nào của đó”.
Còn chị Khánh Ly nhà ở quận Tân Phú thì cho rằng hàng xách tay chuyển về theo đường hàng không có thời gian vận chuyển nhanh hơn so với nhập chính thức số lượng lớn theo đường container. Nhờ vậy mà hàng không bị hư hỏng, nhất là các loại thực phẩm có thời hạn sử dụng ngắn.
Một số chủ cửa hàng online chuyên kinh doanh hàng xách tay từ Nhật hiện nay đã đa dạng hơn so với 2-3 năm trước. Không chỉ giới hạn ở các mặt hàng điện tử, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các cửa hàng online nhập nhiều hơn mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm và quần áo. Giá bán các sản phẩm này thường cao hơn nhiều lần so với hàng nhập khẩu chính thức.
Chị Phương Thảo, chủ shop online Santa Shop, cho biết lúc mới mở cửa hàng chỉ nhận đặt mua điện thoại, máy tính bảng. Sau này thì bán cả mì ống, rong biển, kem, bánh kẹo, sữa, các mặt hàng đông lạnh và mỹ phẩm, quần áo. “Hàng xách tay nên mỗi loại chỉ có một ít, khách muốn mua phải đặt trước”, chị Thảo nói.
Còn chị Phạm Thị Huyền, chủ shop online Wfamily, chuyên kinh doanh hàng xách tay Nhật Bản, cho biết hiện nay, một số hàng xách tay không chỉ dành riêng cho người thu nhập cao mà phù hợp với cả đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình - khá.
Chị cho biết ở một số thời điểm, các cửa hàng bên Nhật giảm giá, khuyến mãi nên giá bán (gồm cả tiền vận chuyển về Việt Nam) chỉ cao hơn hàng trong nước 20.000-30.000 đồng. Ví dụ, một cái áo thun “made in Japan” có thời điểm giảm còn 200.000 đồng, son dưỡng môi còn 150.000-200.000 đồng/sản phẩm. Các cửa hàng, siêu thị hàng Nhật trong nước không có nhiều mặt hàng khuyến mãi này nên nhiều người tiêu dùng vẫn chuộng hàng xách tay.
Hàng Nhật vào Việt Nam qua cửa hàng tiện lợi Các chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản được xác định là kênh bán hàng quan trọng để tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này trong thời gian tới, ông Hirotaka Yasuzumi, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, cho biết trong khuôn khổ chuyến tham quan các cửa hàng tiện lợi Family Mart và Mini stop tại TP.HCM của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hayashi Motoo ngày 20-3. Tháp tùng ông Bộ trưởng của METI trong chuyến thăm Việt Nam lần này còn có đại diện bốn tập đoàn bán lẻ lớn tại Nhật Bản, cùng 16 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất rau củ quả, đồ dùng gia đình, bánh kẹo, các sản phẩm nông nghiệp, thịt bò, thủy sản, văn phòng phẩm và mỹ phẩm, để khảo sát khả năng đưa sản phẩm của mình vào Việt Nam. |
Theo SGTT