Một nhóm doanh nghiệp sản xuất điều vừa tiếp tục có công văn lần 2 kiến nghị về việc không chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều cho các nước châu Phi.
Công văn có đoạn viết: “rất nhiều nhà máy sản xuất điều giống “những người khốn khổ” đang vật lộn với hàng trăm ngàn khó khăn năm nay để đem về khoảng 3 tỷ Mỹ Kim từ xuất khẩu điều. Họ đang phải chịu đựng với việc thị trường điều thô nhập khẩu mất kiểm soát, giá điều thô nhập khẩu tăng chóng mặt và nguy cơ thua lỗ hiện trước mắt như những năm 2000 - 2005 - 2011…”
Các doanh nghiệp đề nghị các cơ quan quản lý ngăn chặn chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM và Hội đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà về việc chuyển giao công nghệ và máy móc chế biến điều.
“Những doanh nghiệp này vô cùng hoang mang, họ đặt câu hỏi là có phải những kẻ “tay sai” cho Bờ Biển Ngà đang ngấm ngầm thông tin và hại ngành điều. Họ có văn phòng ở Việt Nam, gắn mác giáo dục, sử dụng con người như chúng ta và quá hiểu chúng ta. Vừa qua, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã phải thông tin cảnh báo về tình trạng xù hợp đồng và đòi nâng giá của Bờ Biển Ngà trong năm nay”, công văn của nhóm doanh nghiệp này nêu.
Nhóm doanh nghiệp này khẳng định, hiện Đại học Bách Khoa không phải là “chủ sở hữu công nghệ” chế biến điều hợp pháp tại Việt Nam và không được chủ sở hữu hợp pháp là Vinacas và ngành điều cho phép hoặc uỷ quyền chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó.
Trước đó, trong văn bản kiến nghị lần 1, nhóm doanh nghiệp này dẫn số liệu của Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, kể từ năm 2006 - 2015 Việt Nam tuy đã trở thành nước xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới nhưng lại là nước nhập khẩu điều lớn nhất trong vài năm trở lại đây với sản lượng điều thô nhập khẩu lên tới 867.000 tấn từ 25 quốc gia, trong đó Bờ Biển Ngà đã chiếm 302.000 tấn.
Nhóm doanh nghiệp trong ngành cho rằng, Bờ Biển Ngà là quốc gia trồng điều và xuất khẩu điều thô trong những năm trước đây, gần đây cùng với việc ổn định chính trị, họ đã tăng cường đầu tư cho chiến lược phát triển và mục tiêu chế biến điều tại Bờ Biển Ngà, cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam và Ấn Độ.
Nhóm doanh nghiệp này cho hay, trở lại những năm trước đây, nhiều người coi công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam không phải là vật dễ dàng trao đổi, do chính là “báu vật”, “bí kíp”. Đồng thời cảnh báo, thời gian tới, một khi đã nắm được công nghệ chế biến thì các đối tác châu Phi sẽ hạn chế việc bán điều thô. Hiện tại, các nước châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana, Benin, Guinea Bisau, Mozambique… cũng đang bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế xuất khẩu ra nước ngoài, tập trung chế biến trong nước.
“Đây là nguyên nhân làm cho các nhà xuất khẩu tăng giá, chậm xếp hàng, làm thị trường khan hiếm giả tạo… gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp điều Việt Nam. Về phía chúng ta, nếu thiếu nguyên liệu thì ngành chế biến điều Việt Nam với hàng trăm ngàn lao động sẽ mất việc làm, trong khi sản lượng điều thô chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu chế biến”, nhóm doanh nghiệp trong ngành cho hay.
Theo Dân Trí