Ảnh minh họa |
Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Cơ hội xuất khẩu sang Hoa Kỳ và những yêu cầu của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, dược phẩm đối với hàng nhập khẩu” tổ chức chiều 11.4 tại Hà Nội.
Thủy sản, nông sản… tăng trưởng âm
Theo ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 13 vào thị trường Hoa Kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là các mặt hàng truyền thống như dệt may, máy móc thiết bị điện tử và linh kiện, giầy dép, đồ gỗ nội thất…
Tuy được đánh giá là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ nhưng nhóm hàng thủy sản, nông sản, thực phẩm hiện vẫn đang phải chứng kiến mức tăng trưởng âm trong năm 2015 do phải đối phó với nhiều rào cản thương mại của Hoa Kỳ cũng như những khó khăn trong việc tăng năng lực sản xuất trong nước. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do các DN Việt Nam chưa tiếp cận toàn diện, hiểu biết cặn kẽ những quy định về an toàn thực phẩm, dược phẩm khi nhập khẩu cũng như quy trình, thủ tục vào thị trường này.
Hội thảo “Cơ hội xuất khẩu sang Hoa Kỳ và những yêu cầu của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, dược phẩm đối với hàng nhập khẩu” tổ chức chiều 11.4 tại Hà Nội. |
Chưa đáp ứng được tiêu chuẩn
Theo ông David Lennarz, nguyên chuyên gia kỹ thuật Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), theo quy định hiện hành của FDA, các cơ sở thực hiện việc “sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu trữ thực phẩm” phải đăng ký với FDA. Theo số lượng đăng ký cơ sở thực phẩm hiện nay, Việt Nam đang có 1,536 cơ sở, Thái Lan là 1,530, trong khi Trung Quốc là 26,743 cơ sở.
Theo ông David, các cơ sở thực phẩm nước ngoài bắt buộc phải chỉ định một đại diện tại Mỹ để làm điểm liên lạc với FDA. Nếu khi xảy ra sự cố, đơn vị này sẽ truyền tải thông tin trực tiếp đến các đơn vị sản xuất trong nước. Cơ sở thực phẩm nước ngoài bắt buộc phải khai “thông báo trước” với FDA cho mỗi chuyến hàng đến Mỹ và phải khai thông báo trước trước khi chuyến hàng cập cảng.
Ông David nhấn mạnh, việc ghi nhãn sản phẩm là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm Việt Nam khi đưa sang Mỹ bị trả về. Ngoài việc ghi nhãn không chính xác, các thành phần không được phê duyệt, các câu khuyến cáo về sức khỏe không được cho phép… còn một số lỗi thường thấy khác như: sao chép một nhãn sai khác, chỉ tuân thủ một phần của quy định, định dạng bảng thành phần không đúng…
Ngoài ra, theo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA), việc đăng ký các cơ sở thực phẩm phải gia hạn lại số đăng ký vào hai năm chẵn (2016, 2018, 2020…); phải có địa chỉ email của đại diện tại Mỹ trong phần gia hạn đăng ký. Đồng thời, các cơ sở thực phẩm phải nêu rõ nếu chuyến hàng nhập khẩu của mình đã từng bị từ chối nhập cảnh ở cảng nào của nước khác hay không.
Theo Lao động