Lao động Việt xuất khẩu 'chui' tại Nhật Bản kêu cứu

Thứ năm, 17/03/2016, 08:41
Bị cấm ăn cá, thịt, trứng, bữa cơm chỉ có rau và chỉ được phép nấu gần 4kg gạo một bữa cho 43 người ăn, lao động Việt tại Nhật Bản bức xúc và gửi đơn kêu cứu.

Facebook L.N.H.T. - người Việt xuất khẩu lao động ở Nhật Bản - vừa đăng tải hình ảnh nơi ở và đơn của 43 người Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản gửi đến Ban Bảo hộ công dân - Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Theo nội dung đơn, những lao động này qua Nhật với diện kỹ sư theo sự tuyển chọn trực tiếp từ một công ty con của Freesia House Corporation (6-8-3 Sotokanda Chiyoda-Ku, Tokyo, Nhật Bản). Mức lương được công ty quảng cáo trên mạng Internet quy ra tiền Việt là 30 triệu đồng, sau khi trừ hết các khoản chi phí sinh hoạt.

Song thực tế, họ chỉ là lao động tay chân được lách luật. Khi được đưa sang Nhật Bản, họ phải chuyển về tỉnh Iwate - nằm ở miền Bắc nước Nhật, làm việc tại công ty Seinan.

Phòng trọ có giá quy ra tiền Việt gần 10 triệu đồng/người/tháng của công nhân Việt tại Iwate, Nhật Bản. Ảnh: FBNV.

Thông tin từ Facebook cho biết, mỗi lao động tại đây phải trả 39.000 yên tiền thuê nhà và 8.000 yên tiền điện nước (tổng cộng gần 10 triệu đồng). Số tiền sẽ bị trừ trực tiếp khi công ty chuyển lương vào tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, các công nhân kêu cứu phải đóng tiền ăn bữa trưa nhưng công ty chỉ trích ra khoảng 60% để mua. 43 người chỉ được phép nấu gần 4kg gạo mỗi bữa. Đặc biệt, họ còn bị công ty cấm ăn cá, thị, trứng vì bị cho là có hại cho sức khoẻ. Các chế độ bảo hộ lao động trong môi trường làm việc độc hại gần như không có.

Theo những bức ảnh chụp trên Facebook, các công nhân này phải sống trong điều kiện sinh hoạt khá tồi tàn.

Hình ảnh nơi ở tồi tàn của 43 lao động Việt tại Nhật Bản kêu cứu. Ảnh: FBNV.

Trao đổi với báo chí, ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cục mới nắm thông tin ban đầu và cũng chỉ qua mạng xã hội. Ngay sau khi có thông tin trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đề nghị Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản xác minh thêm sự việc trong thời gian ngắn nhất.

Cũng theo ông Nam, nếu đúng như những thông tin trên mạng là chính xác thì 43 lao động được nêu trên đi sang Nhật Bản theo diện tự túc. Cụ thể, họ đi theo dạng visa lao động là kỹ sư chứ không phải thuộc dạng thực tập sinh - đối tượng quản lý theo sự phân cấp của Cục Quản lý lao động ngoài nước.

"Theo quy định, những lao động trên tự ký hợp đồng với phía Nhật để sang làm việc theo dạng kỹ sư phải báo cáo với Sở LĐ-TB&XH địa phương. Song họ chưa thực hiện", đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay.

Theo Zing

Các tin cũ hơn