Vụ xâm nhập hệ thống máy tính của Ngân hàng Trung ương Bangladesh diễn ra vào ngày 5/2. Hôm ấy Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York ở Mỹ - nơi Ngân hàng Trung ương Bangladesh gửi vàng - nhận hơn một chục lệnh thanh toán. Dường như những mệnh lệnh đó tới từ Ngân hàng Trung ương Bangladesh. Theo lệnh, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York phải chuyển tiền vào một số tài khoản ở Sri Lanka và Philippines, RT đưa tin.
Ảnh minh họa: thehackernews.com |
Nhóm tin tặc thực hiện trót lọt 4 giao dịch chuyển tiền. Tới giao dịch thứ 5, chúng ra lệnh chuyển 870 triệu USD vào tài khoản của Quỹ Shalika, một tổ chức phi chính phủ. Nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chặn lệnh vì tên tiếng Anh của Quỹ Shalika là “Shalika Foundation”, trong khi nhóm tin tặc ghi “Shalika Fandation”
Với 4 giao dịch thành công, bọn trộm đã lấy tổng cộng 81 triệu USD, theo thông báo của các quan chức ngân hàng Bangladesh.
Giới truyền thông đưa tin Ngân hàng Trung ương Bangladesh không phát hiện kịp thời hành vi xâm nhập do bọn trộm hành động vào ngày nghỉ.
“Chúng tôi nhận thấy tiền được chuyển sang Sri Lanka và đang phối hợp với giới chức chống rửa tiền ở Philippines để thu hồi khoản tiền còn lại”, Subhankar Saha, người phát ngôn của Ngân hàng Trung ương Bangladesh, nói với Wall Street Journal.
Ngoài ra chính phủ Bangladesh có thể kiện FED vì không ngăn chặn các giao dịch ngay từ đầu.
“Chúng tôi gửi tiền, vàng trong Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và những người ở đó phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Tài chính Bangladesh, ông Abul Maal Abdul Muhith, phát biểu.
World Informatix, một công ty an ninh mạng của Bangladesh, và FireEye, một công ty bảo mật ở Mỹ, được thuê để hỗ trợ hoạt động điều tra vụ trộm, Reuters đưa tin. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy chính phủ Sri Lanka chưa bao giờ cấp giấy phép cho tổ chức phi chính phủ nào mang tên Quỹ Shalika.
Báo Inquirer dẫn lời một số nhà điều tra cho biết, sau khi nhận tiền từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, bọn trộm chuyển tiền tới những người giao dịch ngoại hối. Những người này mang tiền tới các sòng bạc để mua thẻ đổi tiền. Sau đó họ lại quy đổi thẻ thành tiền mặt rồi chuyển vào hàng loạt tài khoản ở Hong Kong. Theo tờ báo, đây là vụ rửa tiền lớn nhất tại Bangladesh từ trước tới nay.
Theo Zing