Chuẩn bị hột vịt lộn ra ngõ bán. |
Bài 1: Người đàn bà 'điên' cao cả
Gần 12 năm nay, bà lặng lẽ gửi đến thân nhân gia đình liệt sỹ hơn 14 nghìn lá thư. Có người bảo bà “điên”, thậm chí, còn trách cứ bà đá bể “bát cơm” của họ, nhưng bà bỏ qua, âm thầm thực hiện nghĩa cử của mình. Bà là Mai Thị Tuyết ở quận Thủ Đức, TP.HCM, người bán hột vịt lộn gom tiền tìm kiếm gần 10 nghìn hài cốt liệt sĩ.
Bán trứng lộn “nuôi” những cánh thư
Xế chiều đầu tháng 3/2016, bà Mai Thị Tuyết, 70 tuổi nấu vội nồi hột vịt lộn rồi loay hoay làm muối tiêu để chiều mang ra ngoài ngõ bán. Bà bảo, tuổi đã cao, tay chân cũng không chiều theo ý mình nữa, nhưng khi chúng tôi nhắc đến bao liệt sỹ giờ vẫn chưa tìm được mộ, bà Tuyết rưng rưng nước mắt...
Sinh ra ở xã Hải Chính, Hải Hậu, Nam Định, năm 20 tuổi, bà được giao nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu và vận động, đưa quân vào chiến trường miền Nam. Khi hòa bình lập lại, một lần bà trở về quê, những đồng đội bên bà chiến đấu năm nào nay đã lên chức ông, chức bà nhưng, những người chồng, người cha, người con của họ được bà vận động nhập ngũ vào Nam đã gửi máu xương vào đất.
“Các anh ra đi bỏ lại mẹ, vợ, con thơ theo tiếng gọi non sông. Bây giờ, những người thân của các anh cứ canh cánh mãi trong lòng với tờ giấy báo tử vỏn vẹn thông tin: Hy sinh ở mặt trận phía Nam”, bà Tuyết trăn trở.
“Cuối năm 2014, khi gia đình nhận được thư bà Mai Thị Tuyết về nơi chôn cất anh trai, liệt sỹ Nguyễn Quý Khánh, gia đình tôi rất mừng nhưng cũng chưa tin lắm vì có nhiều vụ lừa đảo. Tui vào TP.HCM gặp trực tiếp bà Tuyết để tìm hiểu thêm thông tin và sau đó cùng bà xuống Long An tìm nơi chôn cất anh trai hy sinh vào năm 1968. Đến nay, hài cốt anh trai đã được đưa về quê. Gia đình đội ơn bà rất nhiều”. Thiếu tướng Nguyễn Quý Khoát, Phó giám đốc Học viện An ninh nhân dân |
Năm 2000, khi về quê, bà gặp lại gia đình các anh, tim bà như thắt lại. “Bà ơi, bà ở trong Nam, bà nói cho con nghe mặt trận phía Nam là nơi nào vậy?”- nhiều người níu tay bà hỏi. Câu hỏi ấy ám ảnh tâm trí bà. Bà tự dặn với lòng mình: “Tôi sẽ đi tìm các cậu!”.
Khi bà nghỉ hưu, đồng lương hưu cũng chỉ đủ trang trải cơm nước qua ngày nên phải đến đầu năm 2004, bà mới thực hiện những chuyến đi đầu tiên. Thế nhưng số phận lại thách thức bà, thời gian này đứa con trai thứ hai của bà mắc bệnh nan y rồi theo cha về đất. Gạt nỗi đau mất chồng, mất con, bà quyết tâm thực hiện cho bằng được tâm nguyện của mình: Đi tìm địa chỉ của các liệt sĩ.
Bà kể, bắt đầu từ lúc này, mình tìm đến cơ quan chức năng, lặn lội đến nghĩa trang, đến nơi chôn cất liệt sỹ qua lời các cựu chiến binh, tìm thông tin báo về cho gia đình các anh. Để trang trải chi phí, mua bao thư, giấy mực, hằng ngày bà luộc trứng lộn mang ra đầu ngõ bán. Ngày bán nhiều cũng hơn 100 nghìn, ít cũng 50 - 60 nghìn đồng. Bà gom góp, chắt chiu cho cuộc hành trình tìm kiếm các anh suốt 12 năm qua.
Gian truân tìm kiếm
Bà bảo công việc mình làm cũng “nhạy cảm”, làm không khéo người ta sẽ nghĩ mình làm giống như mấy trò mê tín dị đoan mà xã hội đang lên án. Bà bức xúc khi có nhiều trò lừa đảo thân nhân gia đình các anh liệt sỹ trong việc đi tìm hài cốt khiến gia đình các anh phải khổ sở, tốn kém. “Tôi nhận không ít cuộc gọi điện thoại hăm dọa, chửi bới vì đã phá “bát cơm” của họ”- bà Tuyết kể và cho biết rất nhiều lần, một số người còn đến nhà đe dọa, bảo bà nghỉ làm cái việc bao đồng này. Bà không sợ, bà vẫn làm...
Bà Tuyết (thứ 2 phải sang) được vinh danh “tỏa sáng giữa đời thường” hôm 7/3 vừa qua tại TP.HCM. |
Người xã đội trưởng ngày nào, giờ ngày ngày xách chiếc giỏ mây, đi đôi dép lê rảo bước khắp các nghĩa trang ở miền Nam để tìm thông tin hài cốt các anh. Gõ cửa các cơ quan chức năng xin danh sách liệt sỹ. Nơi nào bà không đến được, bà xin được cung cấp thông tin qua đường bưu điện. Có nhiều trường hợp, thông qua ký ức của nhiều cựu chiến binh, bà lặn lội tìm đến nơi từng chôn cất các anh qua lời kể để củng cố dữ liệu.
Sau một thời gian âm thầm, bền bỉ, nhiều người hiểu được công việc cao cả của bà và trợ giúp.
Bà nhớ lại, lúc đó ông Nguyễn Sỹ Hồ, người đã giúp bà in danh sách liệt sỹ ngã xuống ở chiến trường miền Nam. “Dù bản danh sách này được ông Hồ đưa lên mạng nhưng khi ông biết bà làm việc này nên in riêng ra gửi bà. Ông Hồ bảo, ông không có điều kiện gửi thư về cho từng gia đình các thân nhân liệt sỹ nên chuyển cho bà làm”, bà Tuyết nhớ lại.
Thời gian đầu, bà chủ ý chỉ tìm những liệt sỹ ở quê hương bà để báo tin về cho người thân của họ, nhưng khi tiếp xúc thông tin trong danh sách, bà thấy nhiều tỉnh thành khác, thân nhân liệt sỹ cũng rất mù mờ về nơi con mình ngã xuống. Vậy là từ đây, bà không phân biệt quê quán nữa, bà lần lượt dò tìm hết từng người để báo về cho gia đình.
Bà bắt tay vào việc chuyển những địa danh xã, huyện hoặc tỉnh cũ trong danh sách để đối chiếu với địa chỉ mới làm sao gửi đến được gia đình liệt sỹ. Dù thông tin các liệt sỹ được công khai, thế nhưng thân nhân gia đình họ không có điều kiện tiếp cận đầy đủ nhất. Vì vậy, suốt 3 năm liền, bà miệt mài viết thư gửi về cho người thân của họ. “Trong khoảng 3 năm đó, tôi liên tục ngồi viết cả đêm lẫn ngày, đến nỗi cổ tay bị trật khớp phải đi điều trị”, bà Tuyết nhớ lại.
Thư bà gửi đi có người nhận được, có người không. Thời gian đầu bà gửi trực tiếp về UBND xã nhưng cũng có nhiều nơi họ không tin, cứ giữ đó mà không chuyển đến tận nhà thân nhân liệt sỹ. Thấy thư không có hồi âm, bà lại lặn lội đến nơi thì mới biết thư vẫn nằm đó không đến tay người cần nhận. Vậy là bà phải tìm đến tận nhà, chuyển tận tay.
Bà Mai Thị Tuyết mỗi ngày vẫn bán trứng vịt lộn lấy tiền đi tìm hài cốt các liệt sỹ. |
Khi gia đình thân nhân các liệt sỹ nhận thư báo có phản hồi yêu cầu được giúp đỡ, bà lại gửi tiếp cho họ các mẫu đơn hướng dẫn để gia đình điền thêm những thông tin cần thiết và gửi đến cơ quan chức năng nơi chôn cất liệt sỹ để chờ kết quả tra cứu.
Những cuộc gọi đẫm nước mắt
Rồi công việc của bà cũng nhận được trái ngọt, đó là những phản hồi từ thân nhân gia đình liệt sỹ về với bà ngày một nhiều. Bà Tuyết xúc động kể: “Có người nửa đêm điện thoại khi nhận được thư bà gửi. Đêm đó, tôi bắt máy thì đầu dây bên kia òa khóc: Bà ơi, con là con của liệt sỹ đây! Bà biết không, con lớn lên không có cha, không biết mặt cha, con chỉ hình dung cha qua tấm ảnh. Nay nhờ có bà, con mới biết cha mình đã ngã xuống ở mảnh đất Tây Ninh. Con và mẹ sẽ sớm đi tìm cha, đưa cha về”.
Người nghe, người gọi cùng khóc. Bà vừa mừng vừa xót xa sao mình không làm việc này sớm hơn để bao gia đình thân nhân các anh khỏi phải từng ngày mòn mỏi, khắc khoải...
Theo Tiền Phong