Tìm phương án bảo vệ túi nước ngọt lớn của miền Tây

Thứ năm, 17/03/2016, 10:31
Ngoài việc xây cống hai đầu kênh xáng để giữ nước ngọt quanh năm trong Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang đang quy hoạch hồ chứa nước rộng 200ha.
Ông Trần Công Chánh (giữa) nghe lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang báo cáo tình hình xâm nhập mặn tại Lung Ngọc Hoàng.

Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết ông vừa cùng đoàn công tác của UBND tỉnh và các Sở, ngành kiểm tra tình hình phòng, chống xâm nhập mặn tại Lung Ngọc Hoàng (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp).

Qua kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, nước ngoài kênh Hậu Giang 3, đối diện trụ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có độ mặn 0,4‰. Nước phía trong cống và các tuyến kênh trong khu bảo tồn được máy đo độ mặn ghi nhận là 0,3‰.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, Lung Ngọc Hoàng rộng 2.800ha không chỉ là “lá phổi xanh” mà còn có vai trò rất quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây chứa túi nước ngọt lớn. Hậu Giang đang quy hoạch 2 cống hở ở hai đầu kênh Hậu Giang 3 để chủ động giữ nước ngọt quanh năm ở khu vực này.

Liên quan đến công tác phòng chống hạn, mặn đang diễn ra, UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, nơi đây đã đề nghị trung ương hỗ trợ 152 tỷ đồng để đắp đập thời vụ, xây cống hạn chế tối đa mặn xâm nhập nội đồng.

Về lâu dài tỉnh Hậu Giang xin đầu tư dự án đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh (phần còn lại) với chiều dài 30km. Khi hoàn chỉnh, tuyến đê này cùng với đê bao dài 40km xây dựng trước đó sẽ bảo vệ được trên 32.000ha đất nông nghiệp khi có mặn xâm nhập.

Một dự án nữa là ô bao vùng Long Mỹ - Phụng Hiệp xây dựng đê bao kết hợp với cống, bảo vệ được 30.000ha đất nông nghiệp cho hai huyện, thị xã này. Theo UBND tỉnh Hậu Giang, Phụng Hiệp là vùng rốn của tỉnh, khi nước mặn xâm nhập thì không thoát ra được nên việc đầu tư dự án đê bao là rất cấp thiết.

"Hậu Giang cần Trung ương hỗ trợ 610 tỷ đồng để thực hiện hai dự án này", lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, tỉnh này cũng đang lập dự án xây hồ chứa nước ngọt rộng 200ha tại huyện Vị Thủy (giáp ranh TP Vị Thanh). Hồ nước này đặt tại rừng tràm Vị Thủy, rộng 200ha, chứa 6 triệu m3 nước, kinh phí khoảng 395 tỷ đồng.

"Hồ nước này sẽ phục vụ cho 3-4 huyện, thị trong khu vực nếu có xâm nhập mặn. Sau khi hoàn thành, chúng tôi sẽ kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại đây", ông Trần Công Chánh nói.

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng. Nơi đây có nhiệm vụ bảo tồn những sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, sự đa dạng sinh học, nơi khu trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước vùng Tây sông Hậu.

Lung Ngọc Hoàng đang tồn tại trên 330 loài thực vật với 224 chi, 92 họ. Trong số này có 56 loài mới phát hiện. Với số loài thực vật phong phú như vậy, Lung Ngọc Hoàng là nơi nghiên cứu khoa học, bảo vệ các thảm thực vật quý, đồng thời kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tái tạo các mảng sinh cảnh trên vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại ở miền Tây.

Lung Ngọc Hoàng còn có nhiều loài động vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang... Tất cả động vật có 206 loài, trong đó có chín loài chim quý hiếm là bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, ác là... và các loài thú như dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo...

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích